Phố trà tám vị

27/11/2010 15:00 GMT+7

Không lung linh đèn màu, không phục vụ chuyên nghiệp… chỉ quanh quẩn vài chiếc bàn nhựa cùng những chiếc ghế con con, nhưng tự bao giờ, trà bát bảo Cát Linh đã trở thành một “thương hiệu” đối với giới trẻ Hà thành.

Hà Nội những ngày mùa đông lạnh tê tái, người ra đường vào buổi tối cũng ít hơn. Thế nhưng “phố bát bảo” vẫn tấp nập người ra, kẻ vào xôm tụ.

Cả dãy phố từ phía sau sân vận động Hàng Đẫy đến đầu đường Cát Linh (đối diện Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức) và phố Bích Câu là những quán trà nối tiếp nhau. Quán nào cũng đông nghẹt khách, phải nhanh chân mới kiếm được một chiếc bàn trống.

Trà bát bảo còn gọi là “bát bảo lường xà” - một thứ trà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là một loại nước giải khát, có tác dụng bồi bổ, giải nhiệt, tiêu độc lại ngọt thơm nên rất dễ uống.

Trà bát bảo uống nóng hay lạnh đều có cái ngon riêng. Thế nên dù trời nóng hay lạnh, phố bát bảo cũng không vắng khách bao giờ.

Chị Thủy - chủ quán Thủy Thảo hồ hởi giới thiệu: “Để có một cốc trà bát bảo thế này không đơn giản chút nào. Phải có đủ tám vị thảo mộc: lá tre, rễ cỏ tranh, cam thảo bắc, rễ ngưu tất, thục địa, ý dĩ, kim ngân và mía. Ninh các vị thuốc với nhau trong 12 tiếng liên tiếp thì mới ra trà bát bảo”.

Khi hỏi cùng là trà bát bảo sao có hàng đông khách, hàng ít khách, chị Thủy tươi cười lý giải: Mỗi nhà có một bí quyết riêng, có thể thay đổi một vài vị để tạo sự hấp dẫn và đa dạng, chưa nói hết câu chị lại tất tả bê nước cho các vị khách đang í ới gọi chờ đến lượt.

Thoạt nhìn, trà bát bảo có màu đen và mùi vị như các loại thuốc nam đắng ngắt. Nhưng uống vào mới biết trà bát bảo vừa thơm, vừa ngọt. Cái vị ngọt đậm đà, cái mùi hương thảo mộc cứ thế theo cuống họng trôi tuột vào trong, khiến người uống ngất ngây mãi không thôi.

Đến khi uống hết cốc nước, buôn hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, chép miệng vẫn cảm nhận nguyên si vị ngọt ấy, mùi hương ấy.

Điểm độc đáo là phố bát bảo Cát Linh chỉ mở cửa từ chiều tối. Ban ngày khu phố chuyên bán vật liệu xây dựng, đồ nội thất nhưng cứ 18 giờ chiều thì lại “hô biến” thành một loạt quán trà bát bảo.

Không cần gì nhiều, chỉ mấy bộ bàn ghế nhựa kê san sát nhau, vậy mà lúc nào cũng đông người. Khách hàng ở đây đủ các tầng lớp, lứa tuổi, từ các cụ già, các bác trung niên cho đến thanh, thiếu niên.

Phố trà bát bảo này không chỉ đơn giản là nơi tụ tập bạn bè mà còn là nơi in dấu kỷ niệm của nhiều bạn trẻ.

Đôi vợ chồng Ngọc - Ngọc (Bích Câu) vẫn thường ra phố bát bảo để ôn lại kỷ niệm xưa. Hai người đã bén duyên nhau nhờ… bát bảo.

Chị Ngọc xoay xoay cốc bát bảo tươi cười: “Hai đứa hay đến đây uống trà bát bảo. Ngồi mãi rồi quen nhau, yêu nhau tự lúc nào không hay. Nhờ bát bảo se duyên mà nên vợ chồng đấy”.

Đến giờ cứ rảnh rỗi là vợ chồng con cái nhà anh chị lại kéo nhau ra phố bát bảo nhâm nhi. “Cô cứ chịu khó ra đây uống trà bát bảo đi, biết đâu lại tìm được ý trung nhân”, bế con trong lòng, anh Ngọc hóm hỉnh nói.

Anh Việt - một trong những người “khai sinh” ra phố bát bảo nhớ lại: “Phố trà này cũng hình thành được hơn chục năm rồi. Hồi đầu chỉ có vài quán trà đá bán cho học sinh bên sân Hàng Đẫy và Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Sau “du nhập” trà bát bảo lại đông khách, hàng quán lũ lượt mọc lên, lâu rồi thành ra phố trà bát bảo”.

Ngày trước, một cốc bát bảo giá chỉ 500 đồng, sau bao nhiêu cơn "bão giá", giờ cũng chỉ tăng lên 2.000 đồng/cốc. Hầu hết các quán đều bán kèm đồ ăn vặt như: xoài, cóc, ổi, cá chỉ vàng, mực…

Có thể lý giải vì sao trà bát bảo Cát Linh lại thu hút giới trẻ đến vậy, nó đảm bảo tiêu chí: ngon - bổ - rẻ - độc đáo.

Tào Huyền - Trang Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.