Nữ công nhân lỡ thì - Kỳ cuối: Vòng tay hạnh phúc

04/05/2012 08:22 GMT+7

Không nhiều nhưng các lứa đôi công nhân hạnh phúc không phải là hiếm. Để có được tổ ấm, họ đã cùng dắt tay nhau đi qua chật vật đời thường, khi mà đời sống công nhân còn nhiều khốn khó.

Không nhiều nhưng các lứa đôi công nhân hạnh phúc không phải là hiếm. Để có được tổ ấm, họ đã cùng dắt tay nhau đi qua chật vật đời thường, khi mà đời sống công nhân còn nhiều khốn khó. 

 Nữ công nhân lỡ thì - Kỳ cuối: Vòng tay hạnh phúc
Đám cưới tập thể cho 80 đôi công nhân do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức tháng 11-2011 - Ảnh: Thanh Đạm 

Và họ không đơn độc: ngày càng nhiều tổ chức như Đoàn, Hội, hội liên hiệp phụ nữ, liên đoàn lao động... vào cuộc xe duyên cho các chàng trai cô gái, giúp họ có cuộc sống lứa đôi.

Hạnh phúc giản dị 

 

Cần hiểu rằng đầu tư đời sống tinh thần thông qua các chính sách hỗ trợ về điều kiện sống, làm việc, y tế, nhà lưu trú, nhà giữ trẻ, tăng cường các hoạt động giao lưu, nghỉ dưỡng... cho công nhân chính là gián tiếp cải tiến và nâng cao năng suất lao động, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững cho xã hội, cộng đồng.

Anh Huỳnh Ngô Tịnh
(Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM)

Đã ngấp nghé tuổi "băm" nên khi vào làm công nhân may cho một xí nghiệp ở Q.Tân Phú (TP.HCM), Lê Đồng Thanh Mai chỉ gắng làm lụng kiếm tiền phụ mẹ cha nuôi đàn em nhỏ.

Cô gái không hay có anh chàng kế toán người Hàn Quốc tên Kim Chul Nam nói tiếng Việt lơ lớ đem lòng nhớ thương. Thầm yêu Mai nhưng vì mặc cảm bị gù nên phải mất cả năm loay hoay anh chàng mới đủ can đảm thổ lộ.

Mai gật! "Ban đầu tôi cũng ngập ngừng, chẳng phải vì anh gù mà ngại cảnh chồng xa. Nhưng tôi cũng thương anh thật lòng vì anh chân tình, tốt bụng và cầu tiến" - Mai nói.

Hai năm sau, cô con gái Kim Su Chol (tên tiếng Việt là Kim Pha Lê) ra đời. Cuộc sống ổn định, Chul Nam mở một xưởng may gia công nhỏ gần nhà cho Mai quản lý.

Với nhiều cặp đôi công nhân khác, mái ấm tuy chỉ là phòng trọ còn tuềnh toàng nhưng vẫn nồng ấm hạnh phúc. Ở xóm trọ trên đường Truông Tre (khu phố Nhị Đồng 2, P.Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương), lẫn trong hơn 20 phòng nữ có gia đình nhỏ của Nguyễn Thị Hương (Công ty Hansoll Vina, Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương) và Lê Văn Hải (Công ty Pouchen, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Cả Hương và Hải cùng quê Thanh Hóa.

Họ vừa cưới nhau. Ngày cuối tuần chồng chở vợ đi chơi. Dịp lễ tết Hải cũng tự tay làm tặng Hương những món quà mộc mạc lãng mạn. Dù còn vất vả nhưng hình ảnh hạnh phúc đầm ấm của những gia đình trẻ như Hương - Hải luôn là niềm ao ước của nhiều nữ công nhân.

Ở nhiều khu khác, những nhà trọ của các gia đình trẻ đã có con cái cũng là nơi tụ tập của các bạn trẻ chưa có gia đình. Họ đến để cùng chia sẻ chút hơi ấm gia đình, nghe giọng bi bô con trẻ...

Ai cũng khát khao hạnh phúc

Để giúp các cặp công nhân yêu nhau có cuộc sống lứa đôi, nhiều năm qua Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM đã có nhiều hoạt động xe duyên. "Đình đám" và được công nhân thích thú nhất là tổ chức đám cưới tập thể. Với bạn Hoàng Thị Hồng Thảo (Công ty cổ phần Hà Tiên Phong, Q.9, TP.HCM), đám cưới của trung tâm dành cho vợ chồng bạn và 79 cặp đôi khác vào ngày 11-11-2011 là "một giấc mơ cổ tích". Thảo và Thông (Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng thương mại Tâm Việt, TP.HCM) yêu nhau hơn hai năm. Mơ ngày cưới nhưng cả hai cũng chỉ đành... mơ.

Và rồi đôi bạn trẻ này thành vợ thành chồng trong một đám cưới đặc biệt: họ là một trong số 80 cặp đôi công nhân tham dự đám cưới tập thể lớn nhất VN năm 2011, do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM đứng ra tổ chức.

"Được miễn phí các chi phí về xe hoa, bánh cưới, chụp ảnh, quay phim... chúng tôi còn được tặng thẻ ATM tài khoản 2 triệu đồng, cặp nhẫn cưới cùng một bàn tiệc - một lễ cưới như chỉ có trong giấc mơ" - cả Thảo và Thông đến giờ vẫn còn vui.

Anh Huỳnh Ngô Tịnh - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM - cho biết thêm: trung tâm vừa đưa vào hoạt động "Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc thanh niên công nhân". Đây sẽ là địa chỉ hỗ trợ tư vấn và trị liệu về tâm lý, chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục, rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống vợ chồng, cùng chia sẻ thảo luận những kinh nghiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Cũng theo anh Tịnh, lễ cưới tập thể dành cho công nhân lần tới dự kiến tổ chức vào ngày 12-12-2012 với 120 cặp uyên ương.

Cần những chính sách căn cơ

Nói về đời sống tình cảm, tinh thần của nữ công nhân, ThS tâm lý học Lê Minh Công - Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố (Đồng Nai) - nhận định: không phải nữ công nhân sống khép kín mà cái chính là họ không có điều kiện để mở rộng quan hệ, nhất là quan hệ với nam giới.

"Phụ nữ ai cũng khao khát tình cảm, ai cũng mong muốn một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp. Tôi cho rằng xã hội cần tạo điều kiện để đời sống vật chất nữ công nhân tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc nữ công nhân phải được trả lương xứng đáng và có môi trường làm việc tốt. Cần tạo cho nữ công nhân có thời gian giải trí, tiếp xúc với thế giới ngoài công việc chứ không nên để họ suốt ngày vùi đầu trong xưởng", ông đề xuất.

Trong khi đó, các cán bộ Liên đoàn Lao động TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều cho rằng: các nhà làm quy hoạch cũng nên lưu ý cân bằng nam - nữ trong cùng một khu công nghiệp (thông qua ngành nghề), bởi sự mất cân đối - ngay cả trong giới tính ở một môi trường xã hội - cũng không tạo ra năng suất lao động tốt.

Nói về các vấn đề của lao động nữ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và những vấn nạn về giới hoặc những vấn đề xã hội, ông Lê Văn Thành - trưởng Ban văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM - nhìn nhận: mặc dù nằm trong khu vực đối tượng dễ nảy sinh các vấn đề xã hội, nhưng trên thực tế các đề tài nghiên cứu, các chính sách hỗ trợ công nhân nữ lại không nhiều hoặc chưa thật sự sâu sát.

Lý giải về vấn đề này ông cho rằng: "Hiện nay các vấn đề kinh tế như việc làm, lương bổng... nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền hơn các vấn đề văn hóa - xã hội. Không có nghiên cứu cụ thể, các nhà quản lý lại gặp khó khăn trong việc đưa ra chính sách. Và vì thế những vấn đề xã hội càng chậm được giải quyết, trở thành cản ngại cho sự phát triển". 

Nỗ lực chăm lo cho công nhân

Thời gian qua ở nhiều địa phương, công đoàn, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ... đã tăng cường các hoạt động chăm lo về vật chất và tinh thần cho công nhân, nhất là cho công nhân nữ.

Nổi bật nhất là Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM với hàng trăm chương trình tư vấn và truyền thông về sức khỏe sinh sản; hàng trăm chương trình văn nghệ, chiếu phim và sân chơi cuối tuần; thành lập các khu lưu trú văn hóa dành cho thanh niên công nhân (ở đó có trang bị tủ sách báo; thành lập các câu lạc bộ sở thích như CLB du lịch và kỹ năng, CLB công nhân với môi trường, CLB tương trợ công nhân, CLB thể thao, CLB võ thuật...). Đặc biệt là tổ chức lễ cưới tập thể dành cho công nhân được giới này quan tâm.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.