Nữ bác sĩ nơi tthâm sơn cùng cốc

03/03/2011 09:50 GMT+7

Tốt nghiệp ra trường chị chọn cho mình một nơi mà ai cũng ngỡ ngàng: về với bản làng, nơi thâm sơn cùng cốc chữa bệnh cho người nghèo. Mười năm ròng gắn bó với đồng bào dân bản, chị đã cứu sống nhiều người, giúp dân bản mạnh khỏe.

 

Bác sĩ Huỳnh Thị Huệ (phải) trên đường vào bản khám bệnh cho người nghèo  - Ảnh: Dung Quất

Chị là bác sĩ Huỳnh Thị Huệ, trạm trưởng trạm y tế Sơn Mùa (xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi).

Về với bản làng

Khi Huỳnh Thị Huệ đưa ra quyết định chọn bản làng để lập nghiệp, cả nhà ai cũng giật mình. “Gia đình can ngăn vì lúc đó mình còn trẻ, thân gái lại chưa chồng, một thân một mình giữa núi rừng ai mà không lo. Nhưng mình đã quyết thì dù khó khăn cũng phải thực hiện cho bằng được” - Huệ tâm sự.

"Huỳnh Thị Huệ là bác sĩ rất tâm huyết, hết lòng vì công việc và rất tận tình với dân bản. Nhờ bác sĩ Huệ mà đồng bào Ca Dong mới dần xóa được hủ tục lạc hậu cúng bùa"

 

Ông Đinh Hồng Nhía (trưởng Phòng Y tế huyện Sơn Tây)

 

Chị kể những ngày cuối cùng chuẩn bị hành trang lên đường nhận nhiệm vụ là những ngày phải đấu tranh tư tưởng với chính mình mạnh mẽ nhất: nên hay không, lên đó sẽ buồn, phải tự lo mọi thứ, phải xa ba mẹ, anh chị em và người yêu, thiếu thốn tứ bề... Nhưng rồi tuổi trẻ và tình yêu nghề nghiệp đã tiếp sức để Huệ lên đường.

Một thân một mình lên non lập nghiệp, hành trang cô gái trẻ mang theo ngoài ba bộ đồ, ít sách vở còn là một... bao khoai lang phơi khô. Những ngày tháng xa nhà, xa mọi thứ hiện đại nơi phố thị đôi lúc khiến Huệ chùn bước, nhưng rồi mỗi ngày được chăm sóc cho người bệnh, được nhìn thấy bà con dân bản khỏe mạnh sau những ngày ốm liệt giường bởi hủ tục cúng ma càng làm Huệ ấm lòng hơn.

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, rời gia đình đi học Huệ chỉ mong ước một điều là tự nuôi sống bản thân và chữa bệnh cho thật nhiều người nghèo. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nghe thầy cô kể về những bệnh nhân nghèo ở miền núi vì mê tín dị đoan, lại thiếu bác sĩ điều trị nên nhiều người chết chỉ vì những bệnh không đáng nên ra trường Huệ xung phong tình nguyện lên non.

Chị tâm sự: “Lúc mới lên nhận công tác, nhìn thấy trạm y tế xã chỉ là một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ được làm bằng gỗ và lợp mái tranh, trang thiết bị khám chữa bệnh, thuốc men đều thiếu trước hụt sau, lo lắm. Trạm chỉ có một mình, ban đêm thì tối mù mịt, ánh đèn dầu loe hoe, ngày cũng như đêm, xung quanh chỉ tiếng suối chảy, tiếng chim kêu vượn hú, ban đầu mình sợ run. Nhưng giờ đã quen rồi”.

Tận tình với người bệnh

Trèo đèo lội suối

Mười năm trời, dù nắng hay mưa, đồng bào Ca Dong các xã Sơn Mùa, Sơn Liên vẫn thấy hình bóng bác sĩ Huệ trèo đèo, lội suối đến với bản làng mỗi khi có người bệnh. Có khi chị cuốc bộ cả ngày trời mới đến được nhà người bệnh, rồi cắm bản cả tuần đến khi người đó bớt bệnh.

“Nhất là những lần thôn nào đó có dịch bệnh như tiêu chảy, sốt rét hay ghẻ là ít thấy bác sĩ Huệ ở trạm lắm, muốn tìm cũng không dễ, chữa bệnh cho làng này xong là chị lại di chuyển sang làng khác, ăn ngủ cùng người dân, đôi khi hai tuần mới về lại trạm” - điều dưỡng Nguyễn Thị Trang cho biết.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao thiếu thốn, lại bị tệ mê tín dị đoan cúng bùa ăn sâu vào tâm trí nên khi đau ốm việc cán bộ y tế tìm đến chữa trị gặp rất nhiều khó khăn. “Mình phải tìm mọi cách thuyết phục, nói mãi nhưng nhiều người vẫn không chịu tin, phải lấy tính mạng ra cược: nếu cháu chữa trị mà không bớt thì xin đền mạng này”, Huệ cược “ác liệt” tới mức đó bà con mới chịu. Sau khi vài người được chữa bớt bệnh thì dân bản mới dần dà tin. “Còn bây giờ mỗi khi bị bệnh họ đã biết đưa người bệnh ra trạm, vui lắm!”, vị bác sĩ sung sướng nói.

Là một xã vùng sâu, trình độ dân trí còn rất thấp, thanh niên địa phương hay quấy rối mỗi khi uống rượu say, nên kỷ niệm Huệ nhớ nhất là những ngày đầu công tác ở trạm.

Vào một đêm tối, bên ngoài trời đang đổ mưa, không dám ngủ Huệ chạy sang nhà một người dân “mượn” hai em gái sang ngủ cho đỡ buồn. Lúc ba chị em đang ngủ thì có tiếng gõ cửa, ban đầu mấy chị em tưởng ai nghịch nên im lặng, sau đó tiếng đập cửa tăng dần và mạnh hơn, ba chị em bắt đầu thấy sợ ôm nhau không dám thở. “Bất ngờ cánh cửa sổ không chốt cài bị giật mạnh ra, một người đàn ông nhảy vào, ba chị em la toáng lên. Hai em gái sợ quá chạy trốn ra phòng sau, mình cũng chạy theo! Nhưng rồi linh tính cho mình biết có chuyện gì đó bất thường nên lần dò quay ra xem thử... Thì ra đó là một người đàn ông cõng trên lưng một em bé đã ngất lịm. Người đó không nói được mà cứ khóc, tay chỉ về đứa bé. Hóa ra em bé bị đau còn người cha thì bị câm. Mình bình tĩnh đốt đèn lên khám bệnh cho em. Hai ngày sau bệnh đau dạ dày của em đã khỏi, người cha cứ ôm hôn con rồi bắt tay mình ríu rít” - Huệ hạnh phúc nhớ lại.

Từ một trạm y tế tuềnh toàng, thiếu thốn đến nay chị đã đưa trạm y tế xã Sơn Mùa thành trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện vào cuối năm 2010. Niềm vui không chỉ đến với những thầy thuốc cắm bản mà còn là niềm vui của đồng bào nơi đây khi cơ sở trang thiết bị khám chữa bệnh đã khá hơn trước rất nhiều. “Nếu không có bác sĩ Huệ, chữa bệnh thì mình đã chết từ lâu rồi, giờ cả bản mình ai cũng nghe lời bác sĩ Huệ, mỗi khi đau ốm đều nhờ bác sĩ khám, không tin thầy mo nữa” - chị Đinh Thị Nha (thôn Huy Em), hai lần được bác sĩ Huệ cứu sống vì bị ngộ độc thức ăn, nói.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.