Những đứa trẻ không có hè

24/05/2012 16:10 GMT+7

(TNO) Với những đứa trẻ này, sau một năm học miệt mài, thay vì được thoải mái vui chơi như các bạn đồng trang lứa, thời điểm hè là lúc các em phải mưu sinh cùng gia đình kiếm thêm tiền, dành dụm từng đồng ít ỏi để chi phí cho năm học tới.

>> Gian nan đường đến trường
>> Bơi đến trường

10 tuổi kiếm tiền từ bãi rác

Sống cùng bà cố gần 80 tuổi và một em gái đang học lớp 3, Hồ Thị Bích Phận, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Dương Văn Lịch, H.Nhà Bè (TP.HCM) vừa đi học vừa đi làm kiếm thêm thu nhập cho gia đình.


Bích Phận phụ bà cố thu dọn và phân loại rác để bán kiếm tiền - Ảnh: Hoàng Quyên

Vừa được nghỉ hè hôm trước, buổi sáng hôm sau Bích Phận đã cùng bà cố dậy sớm đi nhặt rác. Cô bé thức dậy từ 5 giờ sáng rồi hai bà cháu cùng đẩy xe đi tới các bãi tập kết rác. Bà già yếu, cháu thì bé nhỏ, nên hai bà cháu thường phải phụ sức cùng nhau mới kéo nổi những bao ni lông, bao giấy vụn nằm sâu dưới lớp rác lên, rồi lại lặc lè chuyển chúng ra xe.

Hai bà cháu cứ cặm cụi vừa đào bới, vừa phân loại và nhặt rác như thế cho đến lúc mặt trời lên cao mới ngừng tay. Buổi chiều, em lại phụ bà phân loại rác và giặt giũ bao cho sạch để dễ bán lại.

Bích Phận có nước da đen nhẻm, vóc người gầy gò. Cô bé ít nói, ít cười, mỗi khi ai hỏi về gia cảnh, Phận chỉ im lặng, mắt lơ đễnh nhìn xa xăm.

Bà Huỳnh Thị Phèn, bà cố ngoại của Phận cho biết, ba Phận bỏ đi từ lúc em còn nhỏ xíu, đến nay vẫn chưa về. Mẹ bé Phận sau đó cũng qua đời vì sốt xuất huyết.

Thương hai chị em Phận mồ côi cha mẹ, bà nhận 2 đứa trẻ về chăm sóc. Nhưng bản thân bà cũng nghèo khổ, tủi thân và thương cháu quá, nên bà đặt tên cho cô bé là Bích Phận.

Từ đó, ngày ngày cụ Phèn đi lượm rác nuôi hai chị em Phận, đến nay cô chị đã học lớp 5, còn cô em Bích Ngọc cũng học đến lớp 3.

Long đong kiếm việc từ tuổi 12

Cô bé Đào Kim Thảo, học sinh lớp 9 Trường THCS Khánh Bình 8 được những người quanh xóm ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh (TP.HCM) quen gọi là “Thảo chuối chiên”.

Do gia đình liên tục di chuyển chỗ ở nên đến năm 9 tuổi, khi gia đình về sống tại H.Bình Chánh (TP.HCM), Thảo mới được vào lớp Một.

Năm ấy, để có tiền mua sách đi học, Thảo phải đội thúng chuối chiên trên đầu đi bán mỗi chiều sau giờ học nên "chết" biệt danh “Thảo chuối chiên” từ đó. 

Sang hè năm lớp 4, cô bé một mình đạp xe rong ruổi khắp nơi xin việc làm. Cuối cùng, một phụ nữ tốt bụng thương tình đồng ý để Phận nhận áo dài về thêu và trả công theo sản phẩm. Tuy ít ỏi, nhưng số tiền khoảng 20.000 ngàn đồng mỗi ngày trong dịp hè cũng giúp Thảo có một món tiền nhỏ để bước vào lớp 5.

Sang hè năm lớp 5, chỗ làm cũ giải tán, Thảo lại bắt đầu hành trình lặn lội đạp xe khắp nơi tìm việc làm mới. Cuối cùng em cũng kiếm được công việc ép áo mưa tại một cơ sở sản xuất nhỏ.

Lúc đầu mỗi ngày làm từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, Thảo chỉ kiếm được 50.000 đồng. Sau tay nghề khá hơn, em kiếm được 100.000 đồng mỗi ngày. Thấm thoát, Thảo đã gắn bó với công việc này gần 4 năm.


Đào Kim Thảo ép và xếp áo mưa vào bao, một công việc làm thêm kiếm tiền trong hè để trang trải học phí cho năm học mới - Ảnh: Hoàng Quyên

“Những ngày đầu mới vô làm, em chưa quen nên người lúc nào cũng nhức mỏi. Ban đêm mẹ thường cạo gió cho em bầm tím hết chân tay. Cực vậy nhưng cứ nghĩ đến việc không đủ tiền đi học, hôm sau em lại cố gắng đi làm tiếp”, Thảo chia sẻ.

Hết hè, ngày nào đi học, Thảo tranh thủ làm buổi chiều, đêm về lại cắm cúi học bài tới khuya. Những ngày đó, Thảo chỉ kiếm thêm được gần 30.000 đồng. "Nhiều lần đến trường em ngủ gật ở trong lớp luôn”, Thảo hồn nhiên kể.

Ba bị bệnh nặng, mẹ cũng đi bán hàng rong suốt ngày nên Thảo vừa học, vừa đi làm, vừa xoay sở lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc ba.

Hè năm nay, Thảo đã lên sẵn kế hoạch làm thêm để dành tiền vào lớp 10. Vì e ngại gia đình không đủ khả năng kinh tế nên em đã chọn hệ bổ túc để chỉ phải đóng mức học phí nhẹ hơn.

“Em sẽ tranh thủ đi làm ban ngày, học bổ túc ban đêm. Nếu kiếm được đủ tiền, em sẽ đi học nghề thêm để khi tốt nghiệp lớp 12 có luôn bằng nghề. Em ước mình sẽ trở thành cô giáo nhưng không biết xoay sở đủ tiền để học cao lên như thế không”, Thảo ngậm ngùi nói.

Giống như Phận và Thảo, mùa hè này, rất nhiều học sinh có gia cảnh khó khăn cũng phải mưu sinh cùng bố mẹ, hoặc tự mình mưu sinh để có thêm tiền cho năm học mới.

Huỳnh Trọng Nghĩa, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Tân Quý Tây 3, Bình Chánh (TP.HCM), cũng không được may mắn như nhiều em nhỏ khác. Mồ côi cha từ nhỏ, ngoài giờ học, Nghĩa còn phụ mẹ dán giấy tiền vàng mã để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Hay như Trần Thị Bích Tuyền, học sinh lớp 8, Trường THCS Gò Xoài, Bình Chánh (TP.HCM) cũng có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba thường xuyên đi làm xa, mẹ buôn bán cả ngày bên ngoài. Một mình Tuyền ở nhà chăm sóc bà ngoại bị ốm nặng. Mỗi dịp hè đến, Tuyền lại tranh thủ đi nhặt hạt điều thuê hoặc nhận hạt cườm về nhà đơm để kiếm tiền phụ gia đình.

Có một điểm chung là dù cuộc sống vất vả, nhưng các em đều là những học sinh giỏi nhiều năm liền. Cả 4 em: Phận, Thảo, Nghĩa, Tuyền đều nằm trong số 40 thiếu nhi biểu của TP.HCM năm 2012 trong phong trào vượt khó học giỏi được Hội Đồng Đội thành phố tuyên dương.

Hoàng Quyên

>> Thay đổi số phận
>> 30 năm đưa trẻ vượt sông tìm chữ
>> Tôi sẽ trở thành một giáo viên thật giỏi
>> Ông giáo trên chiếc xe lăn
>> Những đứa con tiêu biểu của bản làng
>> Mùa hè, học sinh lại... đến trường
>> Lớp học... trong container

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.