Những câu chuyện cảm động của người lao động xa nhà

28/06/2015 10:18 GMT+7

(TNO) Những cảnh đời vất vả ngược xuôi mưu sinh, những nỗi âu lo xen lẫn niềm hạnh phúc đời thường giản dị… được tái hiện qua cuộc triển lãm ảnh Lao động xa nhà: Cuộc sống của tôi – câu chuyện của tôi , diễn ra tại TP.HCM. Và không chỉ có các bức ảnh...

(TNO) Những cảnh đời vất vả ngược xuôi mưu sinh, những nỗi âu lo xen lẫn niềm hạnh phúc đời thường giản dị… được tái hiện qua cuộc triển lãm ảnh Lao động xa nhà: Cuộc sống của tôi - câu chuyện của tôi”, diễn ra trong 2 ngày 27 và 28.6 tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM. Và không chỉ có các bức ảnh...

Chuyện đời qua những bức ảnh

Ảnh: Châu Mai Sang

Trên đường đi làm, anh công nhân Châu Mai Sang (TP.HCM) tình cờ gặp hai bà cháu. Anh đã xúc động kể lại câu chuyện qua bức ảnh chụp được: “Hình ảnh đứa cháu nhỏ hơn 5 tuổi giữ xe cho bà gom nhặt giấy bìa trong thùng rác khiến tôi thật sự không kìm được cảm xúc. Bố mẹ đi làm công nhân ở xa, để cháu cho bà tiện chăm sóc. Hằng ngày cháu nhỏ cứ rong ruổi theo bà mưu sinh khắp các đường phố. May mắn hôm nay kiếm được nhiều chai lọ, giấy báo cũ thì coi như cũng dư ra được vài ba chục phụ giúp phần nào cho việc chăm lo cho đứa cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn của bà”. Bức ảnh này đoạt giải nhất cuộc thi “Ảnh và cuộc sống người lao động di cư”.

                                                                                       Ảnh: Lê Mạnh Hùng
Với bức ảnh trên, tác giả Lê Mạnh Hùng kể: Những đứa trẻ nằm lăn lóc trên sàn, trong một nhà trẻ tự phát với hai bảo mẫu. Nhà trẻ ấy mọc lên chỉ để đáp ứng mong ước nhỏ nhoi của ông bố, bà mẹ làm việc trong khu công nghiệp rằng: "Cổ chăm sóc con mình cẩn thận, không té ngã, u đầu, trầy xước là mừng rồi".
                                                                                    Ảnh: Thảo Nhung
Và đây là nỗi lo canh cánh của cô công nhân Thảo Nhung: “Quãng đường từ nơi ở trọ đến công ty chúng tôi không xa, nhưng phải băng qua quốc lộ. Xe tải, xe container… qua lại rất nhiều, thậm chí tôi đã chứng kiến tai nạn xảy ra trên đường này. Vì vậy tôi và bạn bè rất lo sợ. Tôi chỉ mong có cầu vượt bắc qua đường, để công nhân chúng tôi và người dân khu vực xung quanh an tâm đi qua và cũng không còn những tai nạn thương tâm”.
Ảnh: Lê Minh Hải

Dẫu còn nhiều vất vả, cuộc sống cũng vẫn trôi đi cùng những niềm vui nho nhỏ, mộc mạc. Tác giả Lê Minh Hải đã chia sẻ bằng một lát cắt trong "cuộc sống của tôi - câu chuyện của tôi” như sau: “Ngày nghỉ ở xóm trọ của tôi, bố mẹ được ở nhà chăm sóc con cái. Đi làm cả tuần, con cái hoặc được gửi về quê, hoặc phải nhờ bà nội - bà ngoại lên trông, về đến nhà cũng không có nhiều thời gian chơi hay chăm sóc con. Ai cũng mong đến ngày cuối tuần, gia đình quây quần bên nhau. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản như thế!”.

Ảnh: Vũ Huyền Trang

Tác giả Vũ Huyền Trang lạc quan: “Đi làm xa nhà, công nhân nữ phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những việc nhỏ ví dụ như tự tay sửa quạt, đồ điện gia đụng - thường được cho là việc của nam giới - cũng góp phần giúp họ trưởng thành hơn, chủ động hơn trong cuộc sống hằng ngày”…

Đối thoại ngoài đời

Xen vào trong cuộc triển lãm trên là chương trình đối thoại với “người thật, việc thật” - những người lao động xa nhà ở ngoài đời. Đó là các anh: Phan Đức Gia Định (công nhân một trung tâm kiểm định tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai), Đỗ Văn Hùng (công nhân ngành cơ khí tại Biên Hòa, Đồng Nai) và chị Nguyễn Thị Loan (lao động tự do, tạm trú tại P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM).

Anh Phan Đức Gia Định (giữa) và một số công nhân đối thoại cùng ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban chính sách pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (bìa trái) - Ảnh: Như Lịch

Anh Đỗ Văn Hùng phản ánh:Có những công ty ký hợp đồng không thời hạn với công nhân nhưng sau đó đã ép xuống chỉ còn hợp đồng 6 tháng. Một vấn đề khác là nhiều người lao động không muốn giữ con ở trường công vì vợ chồng đều tăng ca hết, không ai đưa đón.

“Rất nhiều gia đình công nhân phải gửi con về quê tuy ông bà đã 60, 70 tuổi. Bởi vì họ bị ám ảnh khi nghe những vụ trẻ bị bạo hành ở những nhà trẻ tư thục. Cực chẳng đã mới cho con đi nhà trẻ ở đây, nhưng thấy con bị bầm tím cũng xót xa”, anh Hùng ngậm ngùi.

Trong khi đó, anh Gia Định bức xúc trước thực tế: “Chủ nhà trọ hay tăng tiền trọ vô tội vạ. Giá xăng tăng là họ tăng. Lương rục rịch lên là họ tăng. Không những vậy, hằng năm họ còn tăng giá 1 lần, gọi ‘tăng thường niên’. Bên cạnh đó, chủ nhà còn dùng nhiều chiêu để tăng tiền nước, tiền điện”.

Anh Định tâm tư thêm: “Công nhân ở nhiều khu nhà trọ không có nơi vui chơi giải trí. Nhiều công viên ghế đá, chúng tôi chưa kịp ngồi xuống thì đã bị yêu cầu uống nước. Công nhân không đủ tái tạo sức lao động và giải tỏa căng thẳng”.

Mưu sinh bằng việc bán cà phê dạo, chị Nguyễn Thị Loan bộc bạch: “Tôi buôn bán bữa đắt bữa ế, thường xuyên bị phạt tiền vì ‘đậu xe trái quy định’ nên cuộc sống rất bấp bênh. Mỗi năm, chủ nhà trọ tăng tiền phòng 2 lần, một lần 200.000 đồng. Giá nước họ lấy tới 20.000 đồng/m3”...

Chăm chú lắng nghe những ý kiến trên, ông Đặng Quang Điều - Trưởng Ban chính sách pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - phản hồi: “Tổng Liên đoàn đã tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hội đồng này họp mỗi năm một lần để bàn về mức lương tối thiểu, từ đó kiến nghị chính phủ nâng mức lương tối thiểu lên dần bằng với mức sống tối thiểu”.

Ông Điều cho hay, mức lương tối thiểu của người lao đồng hiện nay khoảng 3,1 triệu đồng/tháng trong khi mức sống tối thiểu khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Ông Điều thừa nhận: “Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người lao động gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tiền lương thấp nên họ phải tăng ca nhiều, dẫn đến việc không có thời gian nghỉ ngơi. Ở nhiều khu nhà trọ, tivi không có, báo chí không có…”.

Vị cán bộ này hứa hẹn rằng, sắp tới, hệ thống công đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các ban ngành để phát triển những sân chơi nhỏ, nhà văn hóa nhỏ và lưu động, nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thể tiếp cận được những hoạt động vui chơi giải trí.

Cuộc triển lãm trên do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) tổ chức. Triển lãm trưng bày gần 60 bức ảnh tiêu biểu được tuyển chọn từ 540 bức ảnh của 250 tay máy không chuyên - vốn là những lao động xa nhà trên cả nước - đã tham gia cuộc thi: “Ảnh và cuộc sống của người lao động di cư” (do CDI tổ chức trong 6 tháng qua, với sự tài trợ của Quỹ châu Á).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.