Nhà lãnh đạo trẻ và ngọn lửa say mê

11/03/2011 20:09 GMT+7

Vị GS trẻ tuổi Ngô Bảo Châu - người VN đầu tiên đạt tới đỉnh cao của nền toán học thế giới - đã trở thành động lực thúc đẩy cho rất nhiều bạn trẻ trên con đường học tập.

Luôn có điều mới để học

GS Ngô Bảo Châu cũng có tuổi học trò đơn sơ, ấm áp giống như rất nhiều bạn trẻ khác. Anh chia sẻ: “Tôi có những kỷ niệm rất sâu sắc mà tôi còn ghi trong tâm khảm của mình. Đó là ngày đầu tiên có mặt ở khối phổ thông chuyên Toán ĐH Quốc gia Hà Nội. Tôi gặp những người bạn đến từ các tỉnh. Thời đó kinh tế còn rất khó khăn, các bạn từ tỉnh về, bạn nào cũng gầy guộc, quần áo lôi thôi, dép đi loẹt quẹt, còn nói ngọng nữa! Nhưng trong ánh mắt các bạn như bừng sáng ngọn lửa say mê. Chỉ sau khoảng 2, 3 ngày, từ những trận bóng đá, chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết…”.

 
GS. Ngô Bảo Châu giao lưu với SV  ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: P.Nguyên

GS Ngô Bảo Châu vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán. GS Châu cũng là một trong số 190 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2011 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bầu chọn.  ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Giáo sư (GS) Annick Suzor - Weiner, nguyên Phó giám đốc ĐH Paris - Sud XI và GS Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago) vì những thành tựu khoa học xuất sắc và đóng góp cho sự phát triển của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Làm thế nào để đạt được thành công lớn như vậy là câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm. GS Ngô Bảo Châu tiết lộ một “bí mật” rất giản dị đó là phải nỗ lực mỗi ngày: “Mỗi ngày tôi luôn cố gắng học được một điều mới mẻ. Có thể trong một thời kỳ nào đó chúng ta phải nỗ lực rất lớn để vượt qua những khó khăn nhất định nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực hằng ngày”. Điều thứ hai mà GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh, đó là sự tự tin: “Khi tôi mới sang học ở Pháp, đầu tiên tôi cảm thấy kiến thức của mình còn khác biệt nhiều so với các bạn xung quanh. Sau này cũng thế, khi tôi đã thành danh, lúc nào tôi cũng có cảm tưởng mình hiểu một vấn đề không bằng người khác. Nhưng không vì thế mà tôi mất tự tin. Tôi nghĩ rằng điều mình chưa biết vì là mình chưa học thôi, còn nếu mình học rồi thì mình có thể giỏi hơn người khác, thậm chí tốt hơn”.

Theo đuổi đam mê

Tại buổi giao lưu với sinh viên (SV) ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào đầu tuần này, bạn Lưu Thị Thanh Hòa (khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học tự nhiên) bày tỏ băn khoăn rằng giới trẻ hiện nay thích học những ngành sau này ra trường dễ kiếm việc, lương cao, làm cho các công ty nước ngoài… mà “bỏ rơi” các ngành khoa học cơ bản. Với GS Ngô Bảo Châu, điều đó là hoàn toàn bình thường, phù hợp với nhu cầu của xã hội. “Việc SV hướng vào các ngành khoa học ứng dụng là đáng khuyến khích. Những người hướng vào khoa học cơ bản phải thật sự có niềm đam mê và số người đó không nhiều”. GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh mỗi người muốn thành công, không nên làm trái với sở nguyện của mình.

Băn khoăn về việc làm thế nào để phát triển tài năng của mỗi cá nhân, SV Nguyễn Thị Hà Phương đặt câu hỏi: “Khi một SV đã thể hiện năng khiếu của mình, thì SV đó cần được dạy dỗ như thế nào để đạt được tài năng như GS?”. Đứng ở góc độ người thầy, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Khi giáo viên phát hiện thấy tài năng ở SV thì điều đầu tiên giáo viên phải làm là không để cho SV biết điều đó. Bởi rất có thể sẽ gây tác hại, khiến SV sớm ảo tưởng về bản thân mình, không tốt cho sự phát triển lâu dài. Để nói về vấn đề đào tạo nhân tài thì vô cùng dài nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để người trò giỏi gặp được người thầy giỏi”.  

Cần tạo điều kiện để thu hút người tài

Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo UBND TP.HCM vào chiều ngày 10.3, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Tất cả các ngành khoa học hiện nay đều có những vấn đề rất lớn đó là lỗ hổng về thế hệ. Những nhà khoa học có những đóng góp và uy tín quốc tế đều đã đến tuổi về hưu rồi. Những người ở độ tuổi như tôi hoặc hơn tôi 5 - 10 tuổi hầu như không có. Tuy nhiên, hiện tại cũng có nhiều bạn trẻ rất giỏi nhưng đều đi học ở nước ngoài. Trong số những bạn trẻ đó, có người muốn về nước để cống hiến nhưng họ vẫn chưa nhìn thấy khả năng nào để họ có điều kiện tiếp tục phát triển học thuật và nghiên cứu. Làm sao phải tạo điều kiện để các bạn trẻ trở về nước thấy có một chân trời để nghiên cứu, tức là phải có khả năng hợp tác khoa học và có điều kiện làm việc. Riêng tôi, tôi sẽ cố gắng thu hút những bạn trẻ trong ngành toán lý thuyết về làm việc tại VN trong thời gian khoảng 1, 2 năm”.

Hà Ánh
(thực hiện)

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.