Người trẻ ở Bạch Long Vĩ

20/04/2010 21:58 GMT+7

Hàng trăm thanh niên xung phong ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đang ngày đêm bảo vệ vững chắc các hòn đảo thân yêu của Tổ quốc. >> Tìm kiếm cứu nạn vùng biển đảo Trường Sa

Đội thanh niên xung phong của đảo Bạch Long Vĩ thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng. Cả đội có 62 đội viên, tuổi đời còn rất trẻ, chỉ 18-35 tuổi, đa phần là con gái. Công việc của những thanh niên xung phong trên đảo trong mười mấy năm qua chủ yếu là trồng cây trái, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá và cứu nạn tàu thuyền.

Chị Vũ Thị Ngân - Liên đội trưởng thanh niên xung phong - kể: “Họ làm những công việc như khai hoang, phát dọn lấy đất trồng rau, trồng cỏ nuôi gia súc, trồng rừng chắn sóng”. Gai xương rồng đâm thủng bàn tay thiếu nữ, thân cỏ xước cào xé nhức buốt bàn chân nhưng không làm lung lay ý chí của những TNXP đã tình nguyện   ra đảo.

Giữa đảo Bạch Long Vĩ lại có một “ốc đảo” cực kỳ lãng mạn với những quy ước được cả đất trời và thần biển chứng giám: Chỉ những đôi ở trên đảo 3 tháng và yêu nhau chân tình mới được đặt chân đến. Đó là Thung lũng tình yêu.

Những ngày trên đảo, chúng tôi nghe kể nhiều về Thung lũng tình yêu với những quy ước như  “lời nguyền” huyền bí. Khi nhờ Vũ Thị Ngọc Bích, cô thanh niên xung phong là “hoa hậu” tại đảo, dẫn ra thăm thung lũng, cô lắc đầu từ chối vì “chỉ những ai ở đảo tối thiểu 3 tháng mới được cùng người yêu ra đó”. Cô giải thích rằng quy định như thế để Thung lũng tình yêu là nơi vun đắp, chứng kiến tình yêu chân thành và bền lâu chứ không phải là nơi các cô gái phải khóc vì những gã sở khanh lừa dối, ở đó không có chỗ cho mối tình “mì ăn liền”. Tôi mới lên đảo có 1 ngày, vài ngày nữa lại về, vậy làm sao có thể thám hiểm Thung lũng tình yêu? Năn nỉ mãi, cuối cùng Bích mới miễn cưỡng gật đầu với điều kiện chúng tôi phải rủ cả nhóm anh em báo chí cùng đi.

Trên con đường đầy hoa dại, Bích kể: “Một buổi tối năm 2006, trăng rất đẹp, khi đi quanh đảo, 6 chị em phát hiện một thung lũng cỏ xanh rì, vừa thơ mộng, vừa yên tĩnh, thế là chúng em quyết định cải tạo nó, đặt tên là Thung lũng tình yêu, dù khi đó cả 6 chị em chưa ai có mảnh tình vắt vai”. Theo chân Bích, chúng tôi đến một thung lũng nhỏ có nhiều hoa, cỏ xanh rì, Bích chỉ vào vạt hoa dại kể: “Ngay sau đó, chúng em dựng cái chòi và mang một số loài hoa ra trồng. Những ngày trăng sáng, mấy chị em rủ nhau ra ngồi tâm sự, và ít lâu sau, ai có người yêu thì đưa ra đây để sẻ chia, cùng ngắm trăng trên trời, ngắm trăng dưới mặt nước”. Theo nhiều cư dân trên đảo, không biết có phải tấc đất tiền tiêu của Tổ quốc linh thiêng, hay thủy thần nghe lời cầu nguyện mà rất nhiều đôi trai gái ở đảo Bạch Long Vĩ đã đến được với nhau, cùng gắn bó nhau trọn đời xây dựng đảo.

Khó khăn, gian khổ nhưng các thanh niên xung phong vẫn luôn cất tiếng hát để át tiếng sóng. Đội vẫn duy trì đều đặn phong trào: “Hát cho nhau nghe”, sinh hoạt vào tối thứ bảy hằng tuần. Một trong những “cây” văn nghệ của đội, chị Nguyễn Thanh Nga, cho biết: “Những đêm bão biển, sóng đập ầm ầm, chúng tôi vẫn cất cao tiếng hát”.

Anh bộ đội 26 tuổi Phạm Hữu Cường tâm sự: “Em thích nhất là tình cảm của người dân đảo đối với bộ đội: chân tình và giản dị. Nhiều lúc em cũng muốn trở về sống ở đất liền, nhưng nhìn cư dân đảo vẫn còn bộn bề khó khăn em lại quyết tâm gắn bó với nơi này hơn”.

Những khó khăn thiếu thốn giờ đã dần xa vào lòng biển. Bây giờ thuyền buôn, thuyền cá ra vào thường xuyên nên mớ rau, miếng thịt không còn quá hiếm. Để gắn bó với đảo thân yêu, nhiều đôi thanh niên xung phong, bộ đội đã yêu nhau, cùng hẹn thề xây đắp tổ ấm tình yêu trên đảo. Không cỗ bàn, không phông bạt, không váy cưới, hoa hồng..., đám cưới nào cũng giản dị như chính những chị thanh niên xung phong, anh bộ đội ngày đêm “mặc áo mới” cho đảo. “Có đám cưới là cả đảo đến dự. Hoa cưới được kết từ những bông hoa dại mọc trên đảo. Không linh đình cỗ bàn gì đâu, chỉ liên hoan văn nghệ với bánh kẹo, nước chè nhưng đám nào cũng vui lắm”, chị Thu Định - một thanh niên xung phong vừa mới tổ chức đám cưới hồi tháng 8.2009, cho biết. Anh là bộ đội biên phòng, trong một lần ra đảo làm công tác cứu hộ, gặp chị là thanh niên xung phong, hai người yêu nhau, đến Thung lũng tình yêu... rồi cưới.

Ý kiến

* “Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta bắt đầu làm tốt từ những việc nhỏ thì xã hội sẽ tốt hơn. Thế nhưng, có những điều thực tế khác lý thuyết. Tôi nhận thấy, dường như chỉ có những người khó khăn về kinh tế mới tiết kiệm điện, nước; còn những người khá giả rất ít thực hiện. Nạn ùn tắc giao thông cũng do lỗi con người là chính vì không ai nhường ai, vượt đèn đỏ lung tung... Mặt khác, nếu quá chú ý đến toàn những điều nhỏ thì đôi khi lại quên làm việc lớn. Ví dụ, việc chấp hành giao thông ở nước ta còn phụ thuộc vào tính nghiêm minh của pháp luật. Theo tôi, nhà trường nên dạy học sinh từ bậc mầm non về ý thức trách nhiệm với cộng đồng”.

Phan Thị Lệ Quyên (Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

* Quan niệm việc nhỏ là tầm thường và chỉ người tầm thường mới làm việc nhỏ là không đúng, vì chỉ có việc có ích và việc không có ích mà thôi. Mà đã là việc có ích thì dù nhỏ hay lớn vẫn đáng được hoan nghênh. Tôi nghĩ nếu có năng lực thì hãy làm cả việc nhỏ lẫn việc lớn chứ đừng làm việc lớn mà quên đi việc nhỏ vì thật ra nó rất quan trọng và cần thiết.

Đặng Thị Bảo Lâm (Tuy An - Phú Yên)

Thanh Phong - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.