Ngư dân trẻ trên biển Đông

26/01/2012 00:52 GMT+7

Trong lực lượng lao động hành nghề đánh bắt hải sản trên biển Đông, ngư dân trẻ chiếm phần lớn.

Trụ cột của gia đình

Cuối năm vừa qua, tôi có dịp được cùng 19 ngư dân trẻ trên chiếc tàu đánh bắt xa bờ mang số hiệu BĐ 94439 TS của thuyền trưởng Nguyễn Công Tý ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (H.Phù Mỹ, Bình Định) lênh đênh trên biển Đông suốt gần 1 tháng trời. Thời gian không dài, nhưng những câu chuyện của cuộc đời mỗi ngư dân đều để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc với tất cả lòng cảm phục.

 
Các ngư dân trẻ của tàu cá BĐ 94439 TS kéo lưới - Ảnh: Võ Đình

Người “bắt mắt” tôi đầu tiên trong chuyến đi là một ngư dân “nhí” tên Nguyễn Văn Tiến. Ngoài làm những công việc bình thường trong hoạt động đánh bắt, Tiến còn có nhiệm vụ làm “anh nuôi” cho tất cả thuyền viên trên tàu. Làm “anh nuôi” cho một đại gia đình kiểu này không phải là chuyện đơn giản. Nhìn thân người nhỏ thó của Tiến mà mỗi bữa phải vật lộn với một nồi cơm nấu hơn 20 lon gạo và những chảo đồ ăn to tướng mà tôi thấy ngưỡng mộ thật lòng. Mới 18 tuổi mà gương mặt Tiến đã già dặn lắm. Tiến chỉ trẻ con khi cười, nụ cười sau 2 năm lăn lộn ngoài biển khơi vẫn chưa mất vẻ hồn nhiên. Tiến quê thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An. “Ba cháu đã lớn tuổi, một mình làm không đủ nuôi mẹ và 3 đứa con đi học nên học chưa hết lớp 9 cháu đã nghỉ học theo cha làm nghề biển kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Từ khi cháu làm có tiền, 2 đứa em của cháu yên tâm học hành hơn”, Tiến tâm sự, rồi khoe: “Làm chỉ có 2 tháng mà phần cháu được nhận 41 triệu đồng, còn ba cháu được nhận gần 70 triệu đồng nữa. Mẹ cháu vui lắm”. 

Niềm hạnh phúc mà Tiến đang có cũng là niềm hạnh phúc của 18 ngư dân trẻ khác trên tàu. Ngoài Tiến, Tư, Đạt, Ky và Út cũng là “trai tơ”, hầu hết ngư dân trên tàu đã làm cha của 1, 2 đứa con. Và họ đều có một niềm tự hào chung là “trụ cột” của gia đình, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ. Với thu nhập từ những chuyến biển, những người vợ của họ ở nhà có điều kiện chăm sóc cha mẹ già, nuôi con ăn học và xây dựng nhà cửa. Ngư dân Tuân (35 tuổi) cho biết: “Sau nhiều năm dành dụm, hầu hết các thuyền viên trên tàu đều xây dựng được nhà cửa khang trang. Vợ con có cuộc sống ổn định, tụi tui càng yên tâm ra khơi bám biển”.

Sức trai trên đầu sóng

Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc hẳn không bao giờ tôi có thể hình dung ra công việc của họ trên biển cơ cực đến dường ấy. Tàu tôi đi theo làm nghề lưới vây rút chì và chỉ hoạt động vào ban ngày (có nghề vây rút chì đêm). Công việc của họ bắt đầu từ 4 giờ sáng mỗi ngày với tấm lưới nặng hàng tấn. “Tấm lưới dài 600 sải, chiều đứng 70 sải. Đáy lưới được gắn 120 khoen bằng chì, mỗi khoen nặng 10 kg để kéo lưới chìm sâu xuống biển. Trọng lượng của tấm gần 7 tấn, trong đó khoen chì 1,2 tấn, lưới nặng 5 tấn, còn lại là dây cáp”, thuyền trưởng Nguyễn Công Tý cho biết. 

Sau khi bủa, tấm lưới “khủng” nói trên được kéo lên cùng với hàng tấn cá dính theo chủ yếu chỉ bằng những đôi tay của các ngư dân. Công việc kéo lưới nặng nhọc; dù đã được 1 máy kéo bằng ru lô trợ giúp nhưng tấm lưới vẫn chỉ nhích lên từng chút, ì ạch. 19 ngư dân đứng cạnh nhau, không ai nói với ai lời nào, họ đăm đăm tập trung vào công việc. “Bình thường, từ 4 giờ sáng đến 2-3 giờ chiều là hoàn tất một mẻ cá. Gặp mẻ cá khẳm, anh em phải làm đến tối mịt, vừa làm vừa bẻ mì gói khô ăn cho đỡ đói”, tài công Nguyễn Minh Vương kể. 

Nhìn những thân thể cường tráng, những gương mặt tươi tắn hồn nhiên và mối gắn bó không thể dứt rời giữa họ với biển, tôi hiểu đó là sức mạnh để những ngư dân trẻ chinh phục được sóng to gió dữ trong cuộc mưu sinh giữa biển Đông đầy cam go.  

Câu mực khơi là nghề vất vả nhất trong các nghề đánh bắt trên biển Đông. Từ 4 giờ chiều, mỗi ngư dân đơn độc trên mỗi chiếc thúng bên chiếc đèn tù mù, thức thâu đêm câu mực cho đến 4 giờ sáng hôm sau. Thức trắng đêm là vậy nhưng khi về tàu họ còn phải mổ, phơi mực cho đến trưa. Ăn xong, ngủ được một giấc vài ba tiếng đồng hồ, đến 4 giờ chiều lại xuống thúng. Anh Nguyễn Ngọc Vinh (36 tuổi), thuyền trưởng tàu QNa 91225 TS cho biết: “Mỗi chuyến biển của nghề câu mực khơi kéo dài đến 90 ngày. Khi đạt 20-30 tấn mực khô tụi tui mới về bờ. Bán mực xong lại sắm sửa, tiếp tục ra khơi. Có khi cả năm mới về thăm nhà một lần”.

Võ Đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.