Ngôi nhà đặc biệt

28/07/2015 07:16 GMT+7

Có một ngôi nhà đặc biệt tại TP.HCM chuyên điều trị tâm lý và giúp vực dậy những trẻ em bị khai thác, xâm hại tình dục .

Có một ngôi nhà đặc biệt tại TP.HCM chuyên điều trị tâm lý và giúp vực dậy những trẻ em bị khai thác, xâm hại tình dục.

Trẻ bị xâm hại sinh hoạt tại ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc - Ảnh: N.C.H.P cung cấp
Những câu chuyện đau lòng
Nằm ở một quận vùng ven TP.HCM, ngôi nhà có khuôn viên rộng, với dãy phòng khá khang trang. Trực tiếp điều hành hoạt động ngôi nhà này là Chi hội Khoa học tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc (thuộc T.Ư Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN).
Số điện thoại nóng của Chi hội Khoa học tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc để tư vấn, hỗ trợ trẻ bị khai thác, xâm hại tình dục: 0949754294.
“Con tên gì?”, tôi hỏi một bé chừng 6 tuổi. Bé im lặng, gương mặt u buồn, có phần ngơ ngác. Một người chăm sóc bé cho biết, đây là một trong những ca rất khó hòa nhập. Từ 5 tuổi, bé bị một người lớn tuổi, có chức vụ trong xã hội hãm hiếp. Gia đình đã gửi bé vào nơi này. Mấy tháng qua, bé nói rất ít và chỉ mới viết được 3 chữ cái. Gần đây, khi công an đến lấy lời khai, những người quản lý ngôi nhà đề nghị cho bé được làm việc trong quán cà phê, nhằm tránh bớt sự căng thẳng cho bé cũng như những trẻ khác trong nhà.
Một trong những trường hợp đau lòng khác là em N., người bị chính cha ruột của mình xâm hại lúc em mới 13 - 14 tuổi. Người cha mê cá độ bóng đá và nợ ngập đầu. Nghe bạn bè “tư vấn” nên tìm con gái còn trinh để “giải xui”, ông ta đã làm chuyện đồi bại ấy với con gái ruột của mình! Bà ngoại bé N. phát hiện và đâm đơn tố cáo. Người cha đi tù, còn người con phải bỏ xứ đến TP.HCM nương náu.
Bà Hồ Quỳnh Ngọc, quản lý ngôi nhà cho hay nơi đây đang nuôi dưỡng, chăm sóc miễn phí hơn 20 trẻ em gái trên cả nước từng bị xâm hại, khai thác tình dục. Bên cạnh đó, có một số trường hợp được giải cứu sau khi bị gia đình bán sang những nước khác để làm nô lệ tình dục. Ngoài ra, còn có những trẻ được hỗ trợ chữa trị, học chữ - học nghề ngay tại địa phương và những ca được hồi gia sau điều trị...
Gieo niềm hy vọng
Được biết, các gia đình tự nguyện gửi con em mình đến đây đều muốn cách ly nạn nhân ra khỏi môi trường đầy ám ảnh, dễ gợi lại vết thương lòng.
Sau khoảng 2 tuần, các em được khám tổng quát như (chụp phim, siêu âm). Những em nào nghi ngờ bị HIV thì đưa đi xét nghiệm. Đặc biệt, đội ngũ chuyên viên tâm lý cùng bác sĩ trị liệu trong và ngoài nước sẽ tích cực tham gia chữa trị về mặt tâm lý lẫn thể chất cho các em.
Tư vấn tâm lý cho trẻ - Ảnh: Như Lịch
Tư vấn tâm lý cho trẻ - Ảnh: Như Lịch
Trên thực tế, việc điều trị, chăm sóc và nuôi dạy số trẻ ở đây rất phức tạp và vất vả, nhất là trong giai đoạn đầu các em mới vào. Bởi khi mới đến ngôi nhà này, phần lớn các em đều có biểu hiện trầm cảm, sợ hãi hoặc la hét. Có những em chui vào những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường như muốn trốn tránh... Mặt khác, nhiều em đã bỏ học khá lâu vì mặc cảm và bị người khác soi mói, chế giễu. Trong khi đó, hầu hết các em đều thiếu nền tảng giáo dục và thiếu sự quan tâm từ gia đình. Vì thế, có không ít trường hợp, nhân viên dự án của Chi hội Nhịp cầu hạnh phúc gặp rất nhiều khó khăn, phải xuống tiếp cận gia đình và chính quyền địa phương nhiều lần để bổ túc giấy tờ cho trẻ nhập học trở lại.
“Đây chỉ là ngôi nhà nhận nuôi các em tạm thời. Dù vậy, mục đích chính của chúng tôi là giúp các em hòa nhập tốt và thay đổi tương lai của chính mình bằng học chữ, học nghề. Các em có sức học đến đâu, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình tới đó”, bà Nguyễn Yên Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Nhịp cầu hạnh phúc khẳng định.
Bà Ngọc nhìn nhận rằng, có những lúc bà và những người quản lý tỏ ra nghiêm khắc, kỷ luật để rèn các em vào nền nếp tập thể. Ấy vậy mà, các em vẫn gọi bà bằng từ “mẹ” hoặc “dì” trìu mến. Bà chia sẻ: “Các con khuyên chúng tôi từ bây giờ các mẹ hãy trồng thật nhiều cây ăn trái. Sau này con sẽ dắt con cái về thăm mẹ, nên mẹ đừng lo khi già sẽ cô đơn nhé!”. Mắt bà lấp lánh niềm vui: “Các con nói được như vậy tức là đã biết nuôi hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn”.
Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp
Hiện tại, đây là mô hình duy nhất của T.Ư Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN trong việc ứng dụng khoa học tâm lý, giáo dục để chăm sóc, giáo dục các cháu bị khai thác, xâm hại tình dục.
Các em được chữa trị về tâm lý, thể chất và được đi học. Tôi nhận thấy đội ngũ nhân viên ở đây chuyên nghiệp, được địa phương ủng hộ. Về phía văn phòng hội, chúng tôi sẽ hướng dẫn, quản lý chặt hồ sơ để ngăn ngừa những điều đáng tiếc có thể xảy ra cho các em.
Nguyễn Hoàng Lan
Phó chánh văn phòng T.Ư Hội Khoa học tâm lý - giáo dục VN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.