Nghỉ hè kiểu "VIP"

02/04/2011 00:43 GMT+7

Vài năm gần đây, các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn Hà Nội đang đua nhau tổ chức dịch vụ du học hè, trại hè quốc tế dành cho học sinh phổ thông

Ngoài việc quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin, con đường ngắn nhất mà các trung tâm lựa chọn là kết hợp với các trường dân lập chất lượng cao, nơi có nhiều học sinh con nhà khá giả. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, không ít gia đình có thu nhập cao đã hào hứng đón nhận dịch vụ này với khá nhiều kỳ vọng, nào là khả năng tự lập, khả năng giao tiếp tiếng Anh, trang bị kỹ năng sống.

Cuối tháng 3 vừa qua, con gái chị N.L (ở khu đô thị Mỹ Đình) đang học lớp 2 trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn mang tờ thông báo (thư mời) tham gia trại hè ở Singapore của môt trung tâm Anh ngữ về nhà và thuyết phục bố mẹ với lời lẽ hệt như... quảng cáo: “đi trại hè này sẽ giúp chúng con tăng khả năng tự lập đấy” hoặc: “khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh sẽ tốt hơn hẳn”...

Trong khi đó, phụ huynh Q.T (khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính) cho biết, sẽ cố gắng cho con đi trại hè ở Singapore, Úc... mỗi năm một lần để đến khi cháu học đến THPT sẽ cho du học. “Đây là một hình thức rất cần thiết để cháu cọ xát với môi trường học tập ở nước ngoài”, anh Q.T nói.

 
 Một nhóm học sinh Hà Nội tại Singapore - Ảnh T.L

Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả có như mong đợi hay không thì lại còn tùy thuộc vào mỗi học sinh chứ không phải từ ý muốn chủ quan hoặc số tiền mà các phụ huynh đầu tư cho các cháu.

H.T, học sinh lớp 8 trường Trung học dân lập Lomonoxop hè năm 2010 đã được gia đình cho đi trại hè tại Singapore 2 tuần do một trung tâm ngoại ngữ phối hợp với nhà trường tổ chức. Em cho biết: ấn tượng nhất của em chỉ là được vui chơi thoải mái với các bạn, được đi tham quan khắp nơi và không lo bị bố mẹ... quản thúc.

Về khả năng tự lập, theo H.T thì “cũng tùy tính nết từng bạn, như em thì quần áo thay ra lại cho vào túi để hết 2 tuần mang về nhà giặt, ăn uống thì đến giờ là có người gọi đi; còn mọi thứ khác đã có thầy cô đi cùng đoàn lo cho”, nên cũng ít có cơ hội để tự lập như mọi người vẫn nghĩ.

Để hấp dẫn phụ huynh, các trung tâm đưa ra rất nhiều khuyến mãi, ví dụ đăng ký trong tháng 3 thì giảm được 100 USD, tháng tư là 50 USD; thậm chí có trung tâm còn tặng 1 triệu đồng/học sinh nếu hai học sinh là... hàng xóm cùng đi.

Kinh phí của các trung tâm khá khác nhau, cũng với một lịch trình giống nhau nhưng có trung tâm thì mức chi phí là 2.600 USD nhưng có trung tâm thì chỉ là 1.600-1.700 USD/học sinh.

Khi phối hợp với các các trường có “điều kiện” thì ngoài một khoản “bồi dưỡng” dành cho trường, các trung tâm còn phải lo toàn bộ chi phí cho những giáo viên (thường là giáo viên dạy tiếng Anh) đi cùng nên đã được các trường rất nhiệt tình hợp tác. Không ít học sinh và gia đình còn lầm tưởng đây là hoạt động ngoại khóa nên rất băn khoăn khi không đủ điều kiện tham gia.

Chị Nguyệt, một phụ huynh có con học tại trường Lomonoxop nói với PV Thanh Niên: “tôi đã cố gắng giải thích để con hiểu rằng gia đình không có điều kiện để bỏ ra 40-50 triệu đồng cho một chuyến nghỉ hè, nhưng cháu vẫn khóc vì các bạn ở lớp con được đi mà con không được đi”.

Từ thực tế này, các nhà trường cũng cần cân nhắc khi cho phép hoặc phối hợp với các công ty, các trung tâm để quảng bá các dịch vụ trong nhà trường, tránh để phụ huynh rơi vào tình huống khó xử, còn học sinh thì “bỗng dưng” phải chịu cảm giác tủi thân vì thua bạn, kém bè.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.