Nghề công tác xã hội

24/11/2009 17:14 GMT+7

Công tác xã hội hiện vẫn là một nghề khá xa lạ trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ.

Nhu cầu lớn

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 20.000 người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công tác xã hội (CTXH). Tuy nhiên, đa số (chiếm hơn 81%) là chưa qua đào tạo hoặc đào tạo trái ngành, chưa được học những kỹ năng khoa học cần thiết về CTXH. Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH, từ chỉ đạo của Chính phủ, đã xây dựng đề án phát triển nghề CTXH, thu hút sự quan tâm của xã hội dành cho ngành nghề này.  

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn nghề CTXH là làm những công việc công ích, hoặc làm từ thiện... Trong cuộc sống hiện tại, đây là một nghề nghiệp khá quan trọng. Quá trình phát triển, hội nhập kinh tế của Việt Nam đã nảy sinh những thách thức, sức ép lên cộng đồng, gia đình và cá nhân, đòi hỏi các dịch vụ bảo trợ xã hội và phúc lợi ngày càng chuyên nghiệp hơn để hỗ trợ và can thiệp kịp thời cho những đối tượng có hoàn cảnh bất hạnh, yếu thế trong cuộc sống hiện tại. Vì vậy, xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp trong lĩnh vực này vào thời điểm hiện tại là hết sức cần thiết. Theo các số liệu thống kê của các tổ chức, Việt Nam có khoảng 25% dân số cần những dịch vụ CTXH, gồm người người già cô đơn, người khuyết tật không có khả năng tự phục vụ và lao động, người thuộc diện khó khăn cần trợ cấp xã hội... Những đối tượng này đang cần một đội ngũ người làm CTXH chuyên nghiệp, hỗ trợ, giúp đỡ họ.

PGS-TS Nguyễn Tiệp - Hiệu trưởng trường ĐH Lao động - Xã hội có một thống kê cụ thể: trên cả nước có gần 10.000 xã, phường mỗi nơi cần một nhân viên xã hội; 625 quận, huyện mỗi nơi cần 2 nhân viên xã hội; 63 Sở LĐ-TB-XH tỉnh, thành phố và 317 trung tâm XH cần từ 2 đến 4 nhân viên xã hội... “Chỉ cần nhân những con số đó lên thì chỉ riêng ngành LĐ-TB-XH đã cần một lực lượng CTXH vô cùng hùng hậu... Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các tổ chức xã hội trong nước đang có nhu cầu lớn về cán bộ CTXH là người Việt Nam”.

Cần sự đào tạo chuyên nghiệp

Tính đến năm 2009, mới có khoảng 1.500 sinh viên tốt nghiệp cử nhân CTXH trên cả nước, được xem là lực lượng đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Còn hầu hết đều hoạt động tay ngang. Theo khảo sát của trường ĐH Lao động - Xã hội tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn, TP.HCM và Đồng Tháp thì hầu hết chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo của các cán bộ đang làm nghề CTXH đều ở các lĩnh vực như: y tế, điều dưỡng, giáo dục, luật, xã hội học, kế toán và thậm chí cả nông nghiệp... Chỉ một nửa trong số này đã qua các khóa tập huấn. Những người được khảo sát cũng thừa nhận rằng, một trong những khó khăn mà họ gặp phải trong công việc là thiếu kiến thức và kỹ năng trong công tác trợ giúp những nhóm đối tượng. Người hoạt động CTXH đều xuất phát từ cái tâm, tiếp cận giúp đỡ những đối tượng xã hội, nhưng sự trợ giúp cũng có giới hạn. Thực tế, rất nhiều trung tâm xã hội rất tích cực trong việc tạo điều kiện cho trẻ em, người già đơn độc, người có hoàn cảnh khó khăn có nơi nương tựa. Thế nhưng, do chưa được trang bị những kiến thức cơ bản, đặc biệt là những nguyên tắc nền tảng, các phương pháp và kỹ năng trong khi tiếp cận và trợ giúp cho thân chủ của mình, đã dẫn đến những kết quả tiêu cực nơi thân chủ như gây tổn thương, ỷ lại, hoặc giảm sự hợp tác.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam nhận xét: “Do CTXH ở Việt Nam vẫn chưa được coi là một nghề nên chúng ta có rất ít các dịch vụ CTXH và dịch vụ xã hội chuyên nghiệp”.

Mới đây, đề án “Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020” được Bộ LĐ-TB-XH soạn thảo, lấy ý kiến, chuẩn bị trình Chính phủ đã đưa ra mục tiêu phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Một số phương án như: tăng số lượng cán bộ, nhân viên CTXH lên 40.000 người; xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chí chuẩn nghiệp vụ ngạch viên chức CTXH, ngạch, bậc lương... Đồng thời hoàn chỉnh, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo và dạy nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ, ĐH và sau ĐH, nâng cao năng lực đội ngũ GV ngành CTXH.

Đã đến lúc CTXH trở thành một nghề được thừa nhận về tầm quan trọng và ảnh hưởng đối với sự phát triển xã hội. 

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.