Ngấm lợi ích triết học

12/03/2015 05:35 GMT+7

Nguyễn Văn Hòa sở hữu tấm bằng thạc sĩ về quản trị nhân sự của ĐH Birmingham (Anh), nhưng có lẽ cũng vì vậy, khi Hòa được điều động về làm chủ tịch xã, anh không hề giống một ông chủ tịch xã thường thấy...

Nguyễn Văn Hòa sở hữu tấm bằng thạc sĩ về quản trị nhân sự của ĐH Birmingham (Anh), nhưng có lẽ cũng vì vậy, khi Hòa được điều động về làm chủ tịch xã, anh không hề giống một ông chủ tịch xã thường thấy...

Nguyễn Văn Hòa - Ảnh: Chi Mai
Nguyễn Văn Hòa - Ảnh: Chi Mai
Theo như một bài báo tôi có đọc gần đây, vị chủ tịch xã sinh năm 1978 này có thể gặt lúa thoăn thoắt nhưng cũng biết lái ô tô, vừa ngồi nói chuyện vừa gửi email nhoay nhoáy trên smartphone, và có thể nói về quá trình phát triển nông thôn mới của xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) cả ngày mà không cần cầm báo cáo.
Những tưởng bằng cấp nước ngoài như Hòa, lại học ở một nước khác nhau về thể chế chính trị, biết đâu vô tình trở thành rào cản nào đó khi anh đảm đương cương vị lãnh đạo ở một vùng núi cao. Song, thực tế đã cho thấy anh xử lý công việc khá trôi chảy và thuyết phục. Anh nói: “Cứ đặt mình vào vị trí của dân sẽ biết được những khó khăn, thuận lợi và tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó sẽ đưa ra những quyết sách trong lãnh đạo, điều hành đảm bảo đúng hướng theo mong muốn của dân và tránh được những bức xúc trong dân”.
Câu chuyện điều hành của Chủ tịch Hòa khá thú vị, nhất là cách “tư duy rất... triết học" của anh.
Anh Hòa nhớ lại: “Có 2 bài toán cần giải mà tôi và tập thể lãnh đạo xã rút ra sau khi rà soát, đánh giá một cách tổng thể về những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Đó là: đất sản xuất thiếu và tư duy, cách thức phát triển sản xuất còn nhiều lạc hậu”. Anh cũng đã phải giải quyết một việc rất nan giải là thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế của bà con. Như việc trồng trọt, chăn nuôi theo cách trước đây theo kiểu “mùa nào thức nấy”, mỗi loại cây, loại con đều có một ít, chủ yếu là phục vụ nhu cầu hằng ngày của gia đình, giờ chuyển sang tư duy sản xuất hàng hóa tập trung, làm ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Tâm sự với phóng viên của một tờ báo, anh trải lòng: “Có 3 môn mà khi đi học, sinh viên VN thường rất chán, chỉ học quấy quá cho qua, nhưng đến khi đi làm tôi lại thấy là 3 môn hữu dụng nhất. Đó là triết học, logic học và kinh tế chính trị. Giá mà thời sinh viên nhận thức rõ hơn về những môn học này thì sẽ tốt biết mấy”.
Câu chuyện của chàng thạc sĩ trẻ học bên trời Tây nhưng có thời gian học mấy môn khó “nuốt" trong trường đại học ở nước nhà, tôi thấy quả là quá đúng. Nó đúng với cả thế hệ chúng tôi xưa kia học đại học khoảng 40 năm trước. Rất ngán học mấy môn nói trên!
Liệu có thể thay đổi thời gian học mấy môn này khác đi một chút để nó dễ "tiêu hóa" với cánh sinh viên trẻ hiện nay được không?
Nên chăng chúng ta lùi học môn này sau ít năm, để sinh viên quen với cách học mới, không bị lối tư duy kiểu như phổ thông choán chỗ. Khi đó, cái tầm của sinh viên cũng đã khác xưa. Lúc đó, học triết và kinh tế chính trị thì cũng có sao? Đó là chưa kể, hiện nay chương trình giáo dục công dân lớp 10 đã đưa triết học vào học rồi, lớp 11 là phần kinh tế, lớp 12 là pháp luật. Nhưng rất tiếc, mục đích đưa xuống bậc học dưới là tốt nhưng hiệu quả không cao. Điều đó có lẽ cũng cần cân nhắc lại.
Đành rằng, để có thể làm cho sinh viên say mê, nó quả là điều rất khó, nhất là khi họ bị "ám ảnh" môn này khô cứng, trừu tượng, hay bị trượt... Hơn nữa, trong chương trình học của bậc đại học hiện tại, những gì thuộc về lịch sử triết học (một thứ thực ra lại khá hấp dẫn) thì nay không còn nữa, chỉ còn thuần túy triết học Mác - Lê Nin khiến các em càng ngại tìm tòi, phân tích trong thời điểm vừa rời trường phổ thông. Trong khi đó, triết học thực ra sẽ giúp con người có thể mở cửa bước ra thế giới với sự tự tin cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.