Muôn nẻo việc làm tết

18/01/2012 01:23 GMT+7

Những ngày cận tết, nhiều bạn trẻ làm thêm kiếm tiền, học hỏi kinh nghiệm… Tất cả tạo nên hương sắc xuân thi vị và an bình. Đây chỉ là những “nét cắt” trong muôn vàn việc làm tết.

Những ngày cận tết, nhiều bạn trẻ làm thêm kiếm tiền, học hỏi kinh nghiệm… Tất cả tạo nên hương sắc xuân thi vị và an bình. Đây chỉ là những “nét cắt” trong muôn vàn việc làm tết.

Làm đẹp cho xe

Những tiệm sơn sửa, dán keo, đánh bóng xe máy tại TP.HCM những ngày cuối năm trở nên nhộn nhịp hơn vì nhu cầu “tút” xe của bạn trẻ đi chơi tết tăng cao, theo tâm lý “năm mới, cái gì cũng phải mới thì mới hên”.

Nổi bật phải kể đến các tiệm trên đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn giáp ranh giữa Q.5 và Q.10), Phan Đăng Lưu, Hoàng Hoa Thám, Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh)... Tại đây, “thượng đế” có thể yêu cầu thợ làm đẹp cho “con ngựa sắt” theo ý muốn của mình.

Dọc những tuyến đường nói trên, chúng tôi thấy nhiều bạn trẻ dựng xe ngồi chờ đến lượt. Do nhu cầu tăng cao nên giá dán keo những ngày cận tết cũng tăng hơn ngày thường chút đỉnh. Hiện giá dán keo xe tại khu vực này dao động từ 120 ngàn đồng đến 350 ngàn đồng/chiếc (tùy loại). Cụ thể, đối với những loại xe số, nếu dán keo thường (mờ) giá 120 ngàn đồng/chiếc; keo tốt (bóng loáng) thì 200 ngàn đồng/chiếc. Còn với các loại xe tay ga, dán keo thường 220 ngàn đồng/chiếc, keo tốt là 350 ngàn đồng/chiếc.

Thấy chúng tôi hỏi giá nhưng còn chần chừ, một chủ tiệm dán keo xe trên đường Hoàng Hoa Thám thúc giục: “Anh làm xe vào những ngày này giá rẻ, lại nhanh lấy hơn. Càng để sát tết, không những giá cao mà còn phải xếp hàng chờ có khi cả buổi mới đến lượt”.


Những “ông đồ” trẻ viết thư pháp trước Cung văn hóa Lao động TP.HCM trưa 13.1.2012 - Ảnh: Lê Thanh
 

“Ông đồ” sinh viên

“Trong năm học, vào những dịp lễ hội, hoạt động ngoại khóa ở nhiều trường, chúng mình đều tham gia gian hàng thư pháp. Nhờ vậy cũng kiếm được vài khoản kha khá. Nhưng tết mới chính là thời điểm vào “mùa làm ăn” của những người thích múa bút như mình” - Khải Hưng, sinh viên (SV) Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM hồ hởi nói.

Đây cũng là chia sẻ của nhiều bạn có khiếu viết thư pháp. Lâm Hoài, SV Trường ĐH kinh tế TP.HCM bày tỏ: “Tết là dịp mình có thể mưu sinh bằng niềm đam mê chơi chữ”. Bởi lẽ, với không ít người, những bức họa, những dòng thư pháp trở thành món quà độc đáo dành tặng bạn bè trong dịp xuân về.

Chính vì thế, từ đầu tháng 12.2011 đến nay, tại nhiều diễn đàn SV, đặc biệt là những trang rao vặt, mạng xã hội…, xuất hiện hàng loạt thông tin: “Nhận viết thư pháp theo yêu cầu”, “Nhận viết thư pháp xuân 2012”… Và người đăng tin hầu hết là SV.


Anh Nguyễn Lưu Phát trong lễ hội “Ngày tết quê em” tại Nhà thiếu nhi TP.HCM tối 12.1.2012 - Ảnh: Như Lịch 

Đa số những “ông đồ” SV đều không khăn đóng áo dài, bày mực tàu giấy đỏ trên phố đông, không có cửa hàng hay một không gian riêng để viết chữ mà thường nhận đơn đặt hàng qua mạng rồi tự viết, vẽ ở nhà hay phòng trọ. “Tùy vào chất liệu, kiểu chữ, mỗi bức thư pháp có giá dao động từ 20 ngàn - 200 ngàn đồng. Nửa tháng nay, mình nhận đơn đặt hàng chủ yếu từ những công ty yêu cầu viết thư pháp để tặng cho nhân viên của họ. Cũng có nhiều cá nhân đặt hàng để trang trí cho phòng/nhà ở thêm không khí hoài cổ, thanh tịnh khi tết đến” - Lâm Hoài nói.

Theo những thành viên CLB Thư pháp Trường ĐH kinh tế TP.HCM, năm nay là năm Rồng nên chắc chắn khách sẽ yêu cầu những phác họa, kiểu chữ phảng phất dáng rồng. Vì thế cả tháng nay, các bạn phải mày mò trên mạng, suy nghĩ, tập viết… để có thể làm vừa lòng khách với những bức thư pháp độc đáo.

Được biết, không chỉ nhận đặt hàng viết thư pháp tại nhà, nhiều SV còn “chạy sô” kiếm thêm thu nhập khi nhận lời làm ông đồ tham gia chương trình mừng xuân tại một số điểm văn hóa hay ngồi trước sảnh khách sạn để cho chữ nếu có khách yêu cầu.

Bảo vệ thời vụ

Một trong những việc làm thời vụ mùa tết cần tuyển nhiều nhất là bảo vệ.

Ông Võ Công Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin triển lãm TP.HCM cho hay: Năm nay trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều phố hoa rải ở nhiều quận, huyện như: đường hoa Nguyễn Huệ; công viên như 23 tháng 9, Gia Định, Tao Đàn; bến thuyền hoa Q.8, khu Phú Mỹ Hưng. Do đó, công tác bảo vệ an ninh cho người dân đi tham quan cần được tăng cường.

Theo anh Dương Trọng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM, công việc bảo vệ đường hoa năm nay đang cần tuyển 300 nhân viên làm thời vụ với mức lương từ 12 ngàn - 25 ngàn đồng/giờ. Anh Phúc giải thích, vào dịp tết hằng năm, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp phải tăng cường cho các điểm trọng yếu. Vì vậy, rất cần bổ sung đội ngũ bảo vệ không chuyên cho những vị trí đơn giản, chẳng hạn: nhắc nhở du khách không giẫm đạp lên cỏ, không hái hoa hay không cho chạy xe vào… “Công việc bảo vệ những tòa nhà, siêu thị cũng cần tăng cường từ 100 đến 200 người với mức lương 250 ngàn đồng/ca (12 giờ). Loại việc này đòi hỏi ứng viên phải có sức khỏe tốt để đảm bảo các ca trực 24/24” - anh Phúc thông tin thêm.

Khúc biến tấu từ lá dừa

Mang bộ quần áo màu nâu đất, khăn rằn vắt cổ, ngồi xếp bằng trên chõng tre, anh Nguyễn Lưu Phát (27 tuổi) thoăn thoắt biến những chiếc lá dừa nước thành những bông hồng hay những con vật nhỏ xinh. Phát quê Hải Dương, từ năm 2003 anh vào TP.HCM lập nghiệp. Tình cờ thấy người ta xếp lá dừa thành những con chim, cào cào phục vụ trò chơi dân gian, anh đã say mê học lóm. Đến nay, anh tự tết lá dừa thành hơn 30 loại hình dạng khác nhau, từ con cua, con rồng đến máy bay, tàu hỏa, ngôi nhà…

Theo Phát, đây chỉ là “nghề tay trái”, còn công việc chính của anh là hỗ trợ phát triển thị trường cho một hãng điện thoại di động. Tuy vậy, vào những dịp lễ hội, đặc biệt là tết Nguyên đán, anh thường sống hết mình với… những chiếc lá dừa nước. Nhiều khi sản phẩm anh làm ra chỉ để tặng trong những sự kiện bởi đơn vị tổ chức đã thuê anh với mức giá khoảng 300 ngàn đồng/giờ. Bù lại, bình quân 1 phút anh cho ra 1 sản phẩm (không tính một số sản phẩm cầu kỳ như con rồng). Với một số chương trình đơn lẻ khác, anh thường bán 1 sản phẩm với giá 10 ngàn đồng.

Tết này, chàng trai Bắc này rất "đắt sô”, từ lễ hội "Ngày tết quê em" tại Nhà thiếu nhi TP.HCM đến đường hoa Nguyễn Huệ, rồi Công viên văn hóa Đầm Sen… Anh Phát khẳng định nghề tết lá dừa mang lại cho anh cảm giác thoải mái, vui hơn và trẻ hơn, đó là nhờ tiếp xúc nhiều với trẻ con.

N.Lịch - L.Thanh - T.Nam - H.Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.