Mùa nhân công "chảnh"

19/03/2007 22:07 GMT+7

Mía xuống giá, người trồng mía ở Kiên Giang năn nỉ người làm thuê: "Mía sắp khô hết, chặt bán đi rồi mình… chia hai". Người làm thuê lắc đầu... Nhiều chủ ruộng muối ở Bạc Liêu than đứt ruột: "Mùa muối có 4-5 tháng nhưng tôi phải trả lương cho nhân công suốt cả năm. Có khi chỉ cần 1, 2 người làm nhưng phải thuê cả gia đình họ". Vậy mà không phải lúc nào kiếm cũng có người làm. Nhiều người phải méo mặt khi tới mùa nhân công bắt đầu... chảnh.

"Đỏ mắt" tìm nhân công

Một tháng trước khi vào mùa thu hoạch mía, bà Nguyễn Thị Hương, ấp 3, xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau) xách nón lá đi rảo khắp đầu trên xóm dưới để tìm người làm. Đi cả ngày bà không tìm được ai "ở không" để chặt 13 công mía cho gia đình bà.

Bà thở dài: "Đi đâu cũng nghe nói người ta đã "có chỗ" hết rồi. Người làm công phải "ưu tiên" trong dòng họ trước rồi mới tới người ngoài". Qua cái thời người làm thuê sắp hàng chờ việc mà bây giờ ở đây chủ phải sắp hàng chờ người làm thuê. Ông Nguyễn Văn Tùng, một người trồng mía ở huyện Thới Bình cho biết những lúc mía xuống giá, nhiều người trồng mía đàm phán với nhân công: chặt mía đi, bán được rồi chia hai tiền. Cái điều khoản ngỡ như quá béo bở này không ngờ lại bị người làm công từ chối.

Tại tỉnh Kiên Giang cũng vậy. Nhiều rẫy mía phải chịu chết khô do xuống giá, do không có người mua và nhiều nơi cũng do không có người chặt mía. Giá nhân công chặt mía cứ nhích lên dần: từ 40.000 đồng/ngày/người lên 50 rồi 60, 70 ngàn đồng nhưng những rẫy mía cũng vẫn phải rơi vào cảnh "khát" nhân công. Qua tết, nhiều ghe thu mua mía phải nằm không chờ vì nhân công còn bận... ăn Tết. Đợi một ngày thì mía càng khô càng xuống giá...

Anh Hồ Minh Chiến, một chủ ruộng muối ở ấp Bửu Hai, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết: năm nào ở đây chủ đồng muối cũng phải chạy đi kiếm nhân công. Nhà anh Chiến là một trong ít gia đình thuê người ổn định nhất. Gia đình ông Sáu Văn đã làm công 10 năm rồi không bỏ anh mà đi. Cũng do anh Chiến cư xử quá "đẹp".

Nhà anh có 8 ha đất canh tác muối và nuôi trồng thủy sản. Công việc thường ngày chỉ 2-3 người là được, nhưng anh vẫn thuê luôn cả gia đình 6 người, trả lương, bao cơm nước cho 6 tháng mùa thu hoạch muối. Còn 6 tháng mùa mưa, anh cho mượn 4 ha đất phía sau hậu để gia đình ông Sáu nuôi tôm, nuôi cá kèo... chỉ riêng khoản thu nhập này có khi đã vượt xa số tiền công làm thuê cho anh Chiến.


Những cánh đồng muối không thuê được nhân công làm

Nắng chang chang, tôi gặp ông Ngô Ái Nam giữa đồng muối Long Điền, Bạc Liêu, lúc ông Nam đang hì hục cào muối. Thở dốc, ông nói: khó kiếm nhân công, kiếm được thì người ta bảo không cào muối mà chỉ vác thôi. Vì cào nó lâu, vác muối tính từng giạ mau kiếm tiền hơn. Ông Nam cho biết vậy là "đỡ" lắm, còn hơn nhà ông Tư B. xóm ngoài tới giờ không tìm được nhân công, đồng muối phải phơi trắng, thất thu là cái chắc. Hoặc như nhà ông Hai Th. làm giữa chừng thì nhân công “tự ái" bỏ việc đi lên TP.HCM làm thuê, để lại ruộng muối phơi nắng tới đáy mà vẫn không có ai làm.

Làm mướn thì làm cho xa

Không riêng gì người trồng mía, làm muối mà trên những đồng lúa tỉnh Sóc Trăng cũng thường rơi vào tình trạng thiếu người. Đến mùa gặt đông ken, người trồng lúa phải đi thật xa để kiếm công gặt. Còn nhân công tại chỗ thì sao? Ông Nguyễn Văn Ngàn, Phó văn phòng phụ trách nghiên cứu, UBND huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng lắc đầu: "Ở nông thôn bây giờ kiếm người làm khó lắm. Do thanh niên ở đây không có việc là lên TP.HCM làm trong các khu công nghiệp, số thì đi xuất khẩu lao động. Nhiều thanh niên chê làm công ở nông thôn thiếu ổn định, thường thì tới những tháng vào vụ mới có việc làm mà thu nhập lại không cao. Như lao động phổ thông tại các vuông tôm, rẫy mà... bình quân với giá 30.000 đồng/người/ngày. Gặt lúa thì có khá hơn, từ 70 - 80 ngàn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, đó là những tháng vào mùa, còn những tháng nông nhàn thì người làm công rảnh việc".

Trong khi đó, thông tin tuyển người từ các thành phố lớn vọng về đến tận xóm ấp. Áp lực về thiếu nhân công và nhu cầu cần việc ở nông thôn đôi khi chưa gặp nhau. Cuộc sống mới mẻ ở những đô thị lớn đã như thỏi nam châm thu hút lao động phổ thông từ các vùng nông thôn tìm đến thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội.

Trở lại cánh đồng muối ở Bạc Liêu, anh Hồ Minh Chiến đúc kết: người làm thuê ở nông thôn bây giờ dễ... tự ái lắm. Chủ ruộng muối sơ suất là mất nhân công ngay. Ông Tạ Tấn Minh, một nông dân ăn nên làm ra tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) chỉ cho tôi đến nhà hàng xóm cách nhà ông gần 1 cây số, mà theo ông là... bị bệnh "sĩ", không muốn làm thuê.

Theo lời, tôi tìm đến nhà ông Lê Hữu Q., nhà ông có 10 công đất, nuôi tôm thất bát. Nhưng cả 6 lao động nhà ông đều trong cảnh thất nghiệp. Người con gái út của ông, cô T. than: "Khổ lắm, không biết làm gì ra tiền". Cô này lại chỉ tôi qua nhà hàng xóm, bảo: "Em định đặt rượu để bán cho nhà ông T., anh qua coi tối ngày nhậu không hà...". Nhà ông Lê Minh T. cách đó 2 dãy đất.

Gia đình có 9 lao động nhưng cũng chỉ dựa vào đồng tôm 10 công. Vợ ông than: "Mấy tháng rồi vuông tôm chỉ kiếm được 50 ngàn đồng". Trong lúc vợ ông T. đang nói chuyện với tôi thì người con 26 tuổi của bà cặp chiếc vỏ lãi composite dưới bờ sông, lảo đảo đi lên.  Nghe hỏi về việc làm, anh này tặc lưỡi: "Làm thì phải làm cho xa, làm ở đây quen mặt, người ta làm chủ mình, quê lắm! Tôi định đi TP.HCM làm, nhưng chưa... biết chỗ" (!).

Không có chuyện chủ với tớ giữa người làm công và người thuê nhân công. Cũng không có chuyện người thuê nhân công đứng "chỉ tay năm ngón" với người làm thuê. Người thuê lao động phần lớn cũng là những nông dân tần tảo, cũng thấp thỏm lo mùa màng thất thu, cũng canh cánh chén cơm manh áo, cũng cắn răng với những đồng lương trả cho nhân công... đôi khi họ chấp nhận lỗ lã thuê người làm để cứu khỏi một mùa trắng tay.

Khi lao động thuê càng trở nên quan trọng trong đời sống nông thôn ĐBSCL thì việc làm nông lại không còn là sự lựa chọn duy nhất của thanh niên ở đây. Nhân công "chảnh" càng "chảnh", người thất nghiệp lại cứ còn đầy. Đó là bài toán nan giải hiện nay của thanh niên vùng sâu miền Tây.

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.