Mùa hè, cảnh giác tai nạn ở trẻ em

20/06/2012 08:15 GMT+7

(TNO) Các bác sĩ cảnh báo những trường hợp vui chơi nguy hiểm đến tính mạng luôn "được mùa" gia tăng vào những ngày hè.

(TNO) Mới đầu hè nhưng các bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn ở trẻ em do chơi đùa bất cẩn. Các bác sĩ cảnh báo những trường hợp vui chơi nguy hiểm đến tính mạng luôn "được mùa" gia tăng vào những ngày hè.

Chơi cũng nguy hiểm đến tính mạng

Đầu tháng 6, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận cấp cứu cho bé trai N.T.N (11 tuổi, nhà ở Lâm Đồng) trong tình trạnh phỏng nặng do điện giật.

Theo lời người nhà bệnh nhi, bé bị điện giật do chơi thả diều cùng với em họ. Đặc biệt, dây thả diều không phải bằng cước mà lại bằng… đồng. Trong khi chơi, dây diều vướng vào dây điện ngoài trời đã truyền điện làm bé cháy xém hết cả quần áo, phần lớn da vùng ngực và hai đùi, phỏng nặng toàn thân.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Hải, khoa Phỏng, Bệnh viện Nhi đồng 2, nếu lớp da này không lành thì bệnh viện phải tiến hành ghép da cho bệnh nhi.

Trẻ em bị tai nạn chết đuối
Bệnh nhi đuối nước được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: Nguyên Mi

Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ cũng đang tích cực điều trị cho trường hợp bé trai V.C.D (8 tuổi, nhà ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn còn trong tình trạng hôn mê, tổn thương não do bị ngạt nước.

Những ngày nghỉ, bé được gia đình đưa đến hồ bơi. Thay vì bơi ở hồ trẻ em theo như quy định thì bé lại bơi sang hồ dành cho người lớn và bị chìm. Khi được phát hiện và vớt lên thì bé đã tím tái, ngưng thở, không bắt được mạch.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2, trong hai tuần đầu tháng 6, bệnh viện đã liên tục tiếp nhận hai ca ngạt nước do bị chìm ở hồ bơi.

Trong khi đó, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: chết đuối, phỏng, điện giật, té ngã do bất cẩn, rắn hoặc côn trùng cắn, mắc dị vật là những tai nạn ở trẻ em thường gia tăng vào mùa hè.

Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi năm, trung bình bệnh viện tiếp nhận 20 trường hợp ngạt nước, trong đó luôn có 2-3 ca chết đuối rất thương tâm; 2.000 ca khám, với 500 trường hợp phỏng nặng phải nhập viện. Đặc biệt, hầu hết các tai nạn này đều tập trung vào những tháng hè.

Cấp cứu đúng cách

Theo các bác sĩ, phỏng điện là một trong các loại phỏng gây tác hại nặng nề và khó điều trị nhất. Đa số trường hợp đều bị đốt cháy toàn bộ gân cơ, thậm chí cả xương ở những nơi điện đi qua.

Ngoài ra, dòng điện còn gây tác động lên hệ tim mạch, thần kinh. Thêm vào đó, di chứng sau phỏng gây sẹo co rút, khủng hoảng tâm lý cho bé.

 Trẻ em vui chơi an toàn
Phụ huynh cần giám sát cho trẻ chơi an toàn để tránh tai nạn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Trong khi đó, những bất cẩn dẫn đến phỏng, điện giật lại nằm rất gần tầm tay của trẻ nhỏ. Bác sĩ Phương cho biết, nhiều trường hợp trẻ em bị điện giật do nghịch những bóng đèn điện màu ở bàn thờ ông Địa nằm dưới đất, các ổ cắm điện, những thiết bị điện trong nhà bị tróc vỏ bọc, rò rỉ điện, không sử dụng nhưng lại không ngắt điện. Ngoài phỏng do điện giật, các bệnh viện nhi cũng thường xuyên cấp cứu những trường hợp trẻ bị phỏng nước sôi, pô xe.

Đặc biệt, mùa hè có thời gian rỗi, thời tiết nóng bức, trẻ thường đi chơi ở hồ bơi, sông, suối… nên tai nạn ngạt nước cũng xảy ra nhiều.

 

Đối với các trường hợp bị phỏng, phụ huynh cần giữ sạch vết thương, không bôi đắp thuốc dân gian, các loại hóa chất như kem đánh răng, giấm mà chỉ cần rửa vết bỏng bằng nước sạch. Vì việc đắp, bôi các hóa chất chẳng giúp ích được gì mà còn gây nhiễm trùng.

Đối với những trường hợp đuối nước thì quan trọng nhất là phải nhanh chóng hồi sức tim, phổi cho nạn nhân để có không khí và máu lên não trước. Thực hiện sơ cứu bằng cách: vớt nạn nhân lên khỏi mặt nước, để nằm ở chỗ khô ráo, hà hơi thổi ngạt, ấn tim.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1

Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết những trường hợp ngạt nước được đưa đến bệnh viện, hầu như khả năng hồi phục là rất ít.

“Khi bị ngạt nước, chỉ có 4 phút “thời gian vàng” để kích thích tim, phổi của bệnh nhân hoạt động lại. Vì nếu để tim bệnh nhân ngừng đập, thiếu máu và oxy lên não sẽ gây tổn thương não. Khi đó, dù sau bệnh nhân có mạch lại thì cũng rơi vào tình trạng hại não, hôn mê sâu rất khó phục hồi”, bác sĩ Nguyên Anh nói.

Trong khi đó, thường nhanh nhất thì phải mất 20 phút bệnh nhân mới được đưa đến bệnh viện. Vì vậy, sơ cấp cứu ban đầu là cực kỳ quan trọng.

Tuy nhiên, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt nước được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tím tái, ngưng thở, da phồng rộp vì phỏng hay đa chấn thương. Các tổn thương này gây ra bởi những “pha cấp cứu” không đúng cách theo kiểu dân gian như lăn lu, sốc nước hoặc ôm, vác dốc ngược đầu bệnh nhân xuống chạy vòng vòng.

“Làm như thế vừa không giúp tim, phổi bệnh nhân hoạt động lại vừa gây nhiều tai biến. Bệnh nhân không chết vì đuối nước mà chết vì phỏng hay bị chấn thương”, bác sĩ Phương nói.

Vì vậy, bác sĩ Phương khuyên, với những trường hợp đuối nước thì quan trọng nhất là phải hồi sức tim, phổi cho nạn nhân để có không khí và máu lên não trước. Thực hiện sơ cứu cho nạn nhân bằng cách: vớt nạn nhân lên khỏi mặt nước, để chỗ khô ráo, hà hơi thổi ngạt, ấn tim.

“Trẻ không nên bơi tắm ở vùng sông nước và cần có sự giám sát của người lớn trong các hoạt động bơi lội”, bác sĩ Phương khuyến cáo.

Nguyên Mi

>> Thông ống nước, suýt chết vì điện giật
>> Sấy tóc bị điện giật chết
>> Phỏng nặng thêm vì sơ cứu sai
>> Hai học sinh lớp 12 chết đuối
>> Một người bị chết ngạt dưới giếng
>> 8 học sinh chết đuối
>> Rủ nhau tắm sông, 3 trẻ chết đuối
>> Đi bắt cá, 2 người chết đuối
>> 4 trẻ cùng chết đuối dưới ao
>> 5 học sinh bị chết đuối
>> Đi xe đạp lọt kênh chết đuối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.