Mỗi năm 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em

16/02/2012 03:42 GMT+7

Số liệu báo cáo bước đầu từ các bộ, ngành tại phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của QH (Ủy ban) sáng 15.2, cho thấy tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đã đến mức nghiêm trọng.

Số liệu báo cáo bước đầu từ các bộ, ngành tại phiên giải trình của Chính phủ  trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của QH (Ủy ban) sáng 15.2, cho thấy tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đã đến mức nghiêm trọng.

 

Các đại biểu tại phiên giải trình - ảnh: N.M

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 - 2010, cho biết: mặc dù những năm qua, việc phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và những trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, bạo lực ngày càng được chú trọng hơn nhưng tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, tính chất cũng nghiêm trọng hơn.

Trung bình cứ 9 trường học thì xảy ra một vụ học sinh đánh nhau

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền

Số liệu đầu tiên được bà Chuyền dẫn tại phiên giải trình từ báo cáo của 63 tỉnh, thành là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trong 3 năm qua với số vụ được phát hiện lên tới 2.260 vụ, trung bình mỗi năm xảy ra 1.000 vụ. Trong đó, số vụ hiếp dâm trẻ em chiếm 65,9% số vụ xâm hại tình dục trẻ em..

Tình trạng bạo hành trẻ em cũng diễn ra với mức độ nghiêm trọng tương tự. Theo bà Chuyền, bình quân một năm giai đoạn 2008 - 2010 cả nước có khoảng 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em và khoảng 100 trẻ em bị giết. Tình trạng bạo lực học đường cũng gia tăng đáng báo động.  “Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2009 - 2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình cứ 9 trường học thì xảy ra một vụ học sinh đánh nhau”, bà Chuyền cho biết.

Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa được chú trọng

Báo cáo giám sát của Ủy ban do Phó chủ nhiệm Ngô Thị Minh trình tại phiên họp chỉ ra bên cạnh những nguyên nhân khách quan như mặt trái của kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập, sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại... thì tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại gia tăng còn do nhận thức về vai trò và trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng còn chưa đầy đủ, sâu sắc. Đặc biệt, theo bà Minh, việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định luật pháp của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và của người dân ở nhiều địa phương chưa nghiêm; hình thức xử lý vi phạm đối với người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ cũng như người có hành vi bạo lực trẻ em chưa kịp thời và chưa có tác dụng giáo dục, răn đe, dẫn đến biểu hiện coi thường pháp luật bảo vệ trẻ em.

Ở góc độ khác, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Lương Phan Cừ nhìn nhận trẻ em hiện nay chưa được coi trọng trong quá trình cơ quan nhà nước ban hành các chính sách, quyết sách, việc đổi giờ học giờ làm vừa qua ở Hà Nội là một ví dụ. Ông Cừ cho rằng, đáng lẽ một chính sách có tác động đến số đông như vậy, trước khi ban hành, cơ quan quản lý nhà nước phải khảo sát ý kiến các em học sinh vốn là những đối tượng chịu ảnh hưởng, tác động về giờ giấc, tâm sinh lý, hiệu quả học tập...

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.