Máy thu hoạch lạc đầu tiên ở Việt Nam

07/05/2011 15:15 GMT+7

Giảng viên trẻ Trần Võ Văn May (30 tuổi), khoa Cơ khí - Công nghệ, trường ĐH Nông Lâm Huế, người sáng chế chiếc máy cho biết: "Chiếc máy này giúp giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí nhân công khoảng 500 ngàn đồng/ha diện tích thu hoạch".

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi lần về khảo nghiệm thực tế tại các vùng nông thôn, anh May không khỏi chạnh lòng với những vất vả của người trồng lạc (đậu phọng). Chăm sóc cây lạc phát triển tốt đã khó đến kỳ thu hoạch người nông dân lại phải chạy đôn chạy đáo để thuê cho đủ người đào lạc. Đó là chưa kể ở những vùng đất cứng, người trồng lạc "chai tay" bao đời mà vẫn chưa khá được.

 
Anh Trần Võ Văn May (bìa trái) bên chiếc máy đào lạc đang được gắn vào máy kéo -Ảnh do nhân vật cung cấp 

Anh May cho biết sau mỗi vụ thu hoạch phần tiền công cho việc thu hoạch là không hề nhỏ, nếu tiết kiệm được chi phí này thì người nông dân mới có lãi. Cứ nghĩ giúp những nông dân thì cũng như giúp ông bà mình ở quê nên anh bắt tay vào việc nghiên cứu, chế tạo chiếc máy.

"Trước khi thực hiện công trình này, tôi có tìm hiểu qua các máy đào lạc của nước ngoài. Tuy nhiên, những loại máy này không phù hợp với tập quán canh tác của nông dân nước ta. Người trồng lạc Việt Nam cần một chiếc máy có khả năng đào, xới, làm sạch đất mà không sót củ", anh May nói.

Sau 3 năm nghiên cứu chế tạo và đem khảo nghiệm hiện trường, Trần Võ Văn May cùng nhóm cộng sự đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Chiếc máy hoạt động tốt, dễ sử dụng và phù hợp với nhiều loại đất có độ cứng khác nhau. Đặc biệt là, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt, năng suất đào lạc đạt 0,32 ha/giờ (cao gấp 10 lần so với làm bằng tay). Cây lạc sau khi đào lên, cơ bản đã giũ sạch đất và rải đều trên đồng. Tỷ lệ đào sót từ 2,7% - 3,1%, độ sạch sản phẩm đạt 98%.

Chiếc máy đào lạc của anh May có nhiều tính năng vượt trội so với các máy nhập, phù hợp với quy mô sản xuất, tập quán trồng lạc của các nông hộ ở miền Trung hiện nay. Các thông số kỹ thuật làm nên thành công chiếc máy đó là: bộ phận đào kết hợp lưỡi đào phẳng, dày 6 mm, tôi cứng và góc mài cạnh sắc 300, sàng lắc thép carbon chất lượng tốt có O = 1,6 cm. Tiện dụng hơn, chiếc máy này còn có khả năng tăng biên độ dao động và tần số cho sàng lắc để phá vỡ liên kết lớp đất.

Anh May mô tả một người nông dân có thể dễ dàng ghép chiếc máy này với máy kéo ZL 2201G. Khi máy hoạt động, 8 lưỡi dao sẽ cắm sâu xuống đất, sau đó bật tung gốc lạc lên khỏi mặt đất. Tiếp đó cây lạc sẽ được đưa về phía sàng rung lắc nhằm loại bỏ đất, cát dính trên thân. Kết thúc một quá trình, thân cây lạc được nằm gọn trên mặt đất, người nông dân chỉ việc thu gom lại.

Bác Trần Thanh Thúc, trú tại xã Hương Vinh, H.Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cười nói: "Chạy thử chiếc máy này tôi thấy sướng quá. Chỉ chạy một vòng là lạc đã nằm sạch trơn trên đồng. Hy vọng chiếc máy này sớm ra thị trường để nông dân tụi tui bớt khổ".

Qua nhiều lần tính toán, anh May cho biết MĐL-1,2 sẽ có giá bán từ 9 - 10 triệu đồng. "Giá cả có phần hơi đắt so với mức sống của nông dân, tuy nhiên nếu 3 - 4 hộ gia đình cùng mua một máy thì mức giá đó không ảnh hưởng nhiều".

Hiện anh Trần Võ Văn May đang tiếp tục nghiên cứu bộ phận gom lạc và bứt quả lạc nhằm tạo ra mẫu máy liên hợp thu hoạch lạc, cơ khí hóa đồng bộ sản xuất lạc và hạ giá thành sản phẩm. 

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.