Máu lại đổ trong cuộc chiến với “cái chết trắng”

27/09/2010 13:56 GMT+7

Thắp nén hương trước linh vị thượng tá Hứa Văn Tấn (Công an Lạng Sơn), anh Hứa Văn Hướng (em trai anh Tấn) nghẹn ngào: “Lúc nhận tin chỉ nghĩ anh bị thương, không ngờ anh ra đi mà cả nhà không ai kịp nhìn mặt”.

Tin thượng tá Tấn hi sinh trong khi đấu tranh với tội phạm ma túy không chỉ làm người thân, đồng đội của anh bàng hoàng mà hàng xóm láng giềng đều không ai tin đó là sự thật.

Một sĩ quan công an ngoan cường

Sớm 26-9, cả ngõ 3 phố Lý Thường Kiệt, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn như chìm trong khói hương. Thượng tá Hứa Văn Tấn trong lúc đấu tranh chống tội phạm đã trúng loạt đạn điên cuồng của đối tượng buôn bán ma túy và hi sinh sau đó vài giờ.

Truy phong thượng tá

Thượng tá Hứa Văn Tấn sinh ngày 11-7-1966 tại xã Đại An, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Tháng 2-1988, anh hoàn thành khóa học tại Trường sơ cấp Công an nhân dân tỉnh Lạng Sơn, sau đó được phân công công tác tại công an tỉnh.

Ngày 25-9-2010, trung tá Hứa Văn Tấn đã được truy phong từ trung tá lên thượng tá.

Thiếu tá Vũ Văn Học, đội trưởng đội tổng hợp Công an TP Lạng Sơn, cho biết ngày 25-9, ban chuyên án 910M của Công an Lạng Sơn tổ chức triệt phá đường dây buôn bán ma túy nguy hiểm tại khu vực thu phí cầu Lường Mẹt, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn do Trần Đức Nghĩa (35 tuổi, trú tại thôn Quan Kênh, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cầm đầu.

Trong khi tấn công tội phạm, lực lượng công an phát hiện Nghĩa và nghi phạm tên Sơn (biệt hiệu Sơn “trọc”) mang theo tang vật và vũ khí nên ập vào khống chế, bắt giữ Nghĩa tại chỗ.

Trong lúc này, Sơn “trọc” phát hiện bị tấn công đã bỏ chạy lên khu vực đồi và xả hàng loạt đạn vào lực lượng công an để mở đường máu hòng thoát thân. Loạt đạn oan nghiệt của Sơn nã thẳng vào người anh Tấn và anh Đinh Ngọc Hòa (cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Lạng Sơn) làm cả hai bị thương. N

gay lúc đó, đồng đội đã đưa hai chiến sĩ đến Bệnh viện Hữu Lũng cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, bị mất máu nhiều, anh Tấn đã hi sinh hồi 13g cùng ngày.

Một đồng đội của anh Tấn kể lại phút giây anh ngã xuống: “Sau loạt đạn đầu tiên, nghe anh em kêu lên “anh Tấn trúng đạn rồi” nhưng tôi không thể đỡ anh được vì đối tượng đang bắn rất rát.

Ngưng loạt đạn, một số đồng đội phía sau tức thì đưa hai anh đi cấp cứu, còn anh em lao lên bám sát, truy bắt đối tượng”.

Khi lực lượng công an phát hiện Sơn “trọc” đã tự sát, anh em mới có thời gian điện thoại về để hỏi tình hình hai đồng đội bị thương. Cả tổ chuyên án lúc đó sững sờ khi nghe đồng đội báo lại: Anh Tấn vừa chào chúng ta và ra đi rồi...”.

Dù đã bắt được tội phạm nhưng những chiến sĩ còn lại trên đồi vẫn rưng rưng nước mắt, họ mất đi không chỉ một người đồng đội chiến đấu mà đó còn là người anh của đơn vị, người đã cùng họ trăn trở mỗi khi có một chuyên án chưa được phá, người từng vào bếp nấu bữa cơm liên hoan cho anh em mỗi khi thắng lợi trở về.

Nhớ về anh Tấn, thiếu tá Vũ Văn Học kể: “Anh là một trinh sát giỏi của Công an Lạng Sơn với thâm niên gần mười năm công tác phòng chống ma túy. Mới tháng 5-2010, anh được chuyển sang đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội nhưng với kinh nghiệm “cái mũi thính” của trinh sát ma túy, mỗi khi có chuyên án lớn anh Tấn đều được điều động tham gia”.

Gần mười năm đấu tranh với tội phạm ma túy, anh Tấn đã nhiều lần va chạm với tội phạm, vật lộn để bắt giữ đối tượng. Có những lần anh còn bị đối tượng nhiễm HIV đe dọa trả thù. Điển hình nhất là năm 2005, đối tượng Tú tại phường Tam Thanh đe dọa sẽ đâm kim tiêm vào anh, vào thân nhân của anh để trả thù.

Sao bố lại bỏ con...

Mặc dù là vợ của sĩ quan công an nhưng chị Nguyễn Thị Tiếp - vợ anh Tấn - lại là lao động chính nuôi con cái. Ngoài công việc nội trợ, hằng ngày chị Tiếp tranh thủ đi lấy hàng tạp hóa bỏ mối cho những cửa hàng nhỏ lẻ để kiếm thêm thu nhập nuôi cả nhà.

“Cả xóm này nhà chú Tấn là bé nhất. Lúc chú ấy mất tôi không tin đâu, thấy bảo chỉ bị tai nạn. Mọi người còn định tối vào viện thăm nhưng chỉ chốc lát, nghe tiếng khóc bên nhà mới biết chú ấy đi rồi” - bà Dương Thị Vinh, hàng xóm nhà anh Tấn, kể. “Tội nghiệp hai đứa nhỏ, từ hôm qua đến giờ chúng nó khóc khô cả nước mắt, con Thơm cứ bò ra ôm lấy áo quan, không ai dứt ra được. Cả nhà giờ chỉ còn trông cậy vào hai mẹ con nó, thằng nhỏ thì bé quá” - bà Vinh rưng rức.

Cả ngõ 3 phố Lý Thường Kiệt đều coi anh Tấn như người “đầu trò” trong mọi công việc của xóm. Từ chuyện lát lại đường ngõ xóm đến từng bữa liên hoan trong khu phố, lúc nào anh Tấn cũng là người đi đầu.

Bà Vinh kể: “Năm nào cũng thế, liên hoan Tết độc lập 2-9 hay ngày 8-3, chú ấy đều hô hào mọi người trong xóm liên hoan rồi tự tay vào bếp nấu món ăn. Đảm đang lắm”.

Sự đảm đang ấy không chỉ hàng xóm nhận định mà ngay trong gia đình, anh Tấn cũng luôn chăm chút vợ con mỗi khi rảnh rỗi. Do đặc thù công việc đi đêm về hôm nên mỗi khi về nhà, dù mệt mỏi anh cũng dành thời gian kiểm tra bài vở, nhắc nhở hai con học hành chăm chỉ.

Kể về hai cháu của mình, anh Hứa Văn Hướng nghẹn ngào: “Cháu lớn Hứa Thị Thơm học trung cấp y mới ra trường còn chưa xin được việc làm, cháu Hứa Thành Nam đang học lớp 7, hai đứa giờ thành mồ côi, mất cha mà không được gặp cha lần cuối”.

Những khó khăn ấy hiển hiện rõ nhất trên khuôn mặt Hứa Thị Thơm. Chiều 26-9, trời Lạng Sơn mưa như trút, Thơm vẫn đăm đăm đôi mắt đỏ hoe nhìn vào di ảnh cha mình, nấc lên từng tiếng: “Bố ơi, sao bố lại bỏ con...”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.