Lối đi ngay dưới chân mình

09/11/2012 03:10 GMT+7

Chàng trai Triệu Xành Quấy đã tự gầy dựng hợp tác xã chế biến chè, giúp thanh niên vùng rẻo cao xã Hồ Thầu, H.Hoàng Su Phì, Hà Giang có việc làm ổn định, gắn bó với quê hương.

Triệu Xành Quấy thành lập Hợp tác xã chế biến chè Chiêu Lầu Thí cách đây gần 3 năm, ngoài khó khăn về vốn, anh còn gặp không ít sự chèn ép của nhóm tư thương vốn lắm chiêu nhiều trò từng nhiều năm thao túng giá thu mua chè nguyên liệu ở xã Hồ Thầu.

Quấy kể bà con Hồ Thầu trồng chè trên núi cao vất vả quanh năm. Tư thương lợi dụng địa hình xuống vùng xuôi còn trắc trở, khu vực quanh xã Hồ Thầu lại chưa có nhiều cơ sở chế biến chè nên hễ trúng mùa là người nông dân chịu thiệt vì bị ép giá. Ngay cả khi mất mùa, chè ở Chiêu Lầu Thí dù có chất lượng tốt hơn hẳn nhưng bao giờ cũng thấp hơn vài giá so với nhiều xã dưới vùng đồng bằng.

 Lối đi ngay dưới chân mình
Triệu Xành Quấy chia sẻ kinh nghiệm với nhiều thanh niên - Ảnh: P.Hậu

Để có nguyên liệu cho các phân xưởng hoạt động, Quấy và xã viên có vốn đầu tư phải đến từng hộ giải thích, vận động bà con bán nguyên liệu cho hợp tác xã. Ngoài bao tiêu toàn bộ chè nguyên liệu cho bà con, Quấy còn tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật hái chè đúng tiêu chuẩn, mời chuyên gia về hướng dẫn, đưa xã viên đi tham quan học hỏi mô hình ở các địa phương khác. Nhờ cách làm này, Triệu Xành Quấy tạo được niềm tin với người nông dân trồng chè ở Hồ Thầu. Đến nay, Hợp tác xã chế biến chè Chiêu Lầu Thí ký hợp đồng mua nguyên liệu với 80 gia đình trong xã. Ngoài ra, mô hình chế biến chè sạch do Triệu Xành Quấy gây dựng và chèo lái tạo ra việc làm trực tiếp cho 35 lao động thanh niên.

Triệu Xành Quấy cho biết thanh niên Chiêu Lầu Thí trước đây ít người ở lại bám trụ quê hương khởi nghiệp, đa phần chỉ thích ra ngoài tìm việc làm. Trong khi đó, Chiêu Lầu Thí là mảnh đất hợp với cây chè từ bao đời nay nhưng lao động trẻ không mặn mà chí thú khiến cây chè dần mai một. Đó là lý do khiến Quấy quyết định tìm học kỹ thuật chế biến chè, vay vốn mở hợp tác xã vực dậy nghề trồng chè, giúp thanh niên có việc làm ổn định ngay trên quê hương. Và xa hơn nữa, Triệu Xành Quấy muốn đưa thương hiệu chè sạch trồng trên núi Chiêu Lầu Thí trở thành đặc sản khi nhắc đến mảnh đất Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Thời điểm quyết tâm khởi nghiệp với mô hình chế biến chè sạch, Triệu Xành Quấy không đủ vốn. Ngoài tiền vay mượn ngân hàng, Quấy vận động thêm vài thanh niên có chí tiến thủ, chủ yếu là bí thư chi Đoàn ở các thôn, bản cùng nhau gây dựng hợp tác xã, chủ động tạo ra việc làm cho bản thân và giúp bà con nông dân yên tâm gắn bó với nghề trồng chè. Quấy cho rằng nếu cứ vin vào cớ mình ở vùng sâu vùng xa để đổ lỗi, giải thích cho sự nghèo khó là không khách quan. Đành rằng, thanh niên ở vùng này còn thiệt thòi bởi trình độ thấp, ít có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật. “Mình cứ nghĩ rằng, ngay ở mảnh đất Hồ Thầu này, nằm ở khu vực vùng cao và xa xôi nhất của huyện Hoàng Su Phì vẫn có tiềm năng từ cây chè thì ở nhiều nơi khác cũng thế, đều có những lợi thế nhất định. Điều quan trọng là mỗi người cân nhắc, chọn lĩnh vực phù hợp mà mình có đủ quyết tâm theo đuổi hay không”, Quấy chia sẻ.

Cũng theo Quấy, hiện tại thanh niên vùng nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa luôn gặp nhiều khó khăn về vốn vay để tự tạo việc làm, khởi nghiệp. Trên thực tế, nhiều thanh niên đi lao động nơi khác khi có đủ vốn đều quay về quê nhà đầu tư mô hình sản xuất do mình làm chủ. Nếu đẩy mạnh hỗ trợ vốn vay giúp thanh niên, chắc chắn sẽ không có nhiều thanh niên muốn rời bỏ làng quê đi tìm kế sinh nhai.

Phan Hậu

>> Hướng FDI vào công nghệ chế biến, chế tạo
>> Trồng trà ô long tại Kon Tum
>> Hạt trân châu trong trà bán tại Đức chứa chất gây ung thư

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.