Làm than từ bã thải dong riềng

06/05/2011 08:20 GMT+7

Từ bã thải dong riềng, chàng trai mới học hết lớp 12 Nguyễn Phi Trường đã sản xuất ra loại than bán hữu cơ thân thiện với môi trường.

Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức quê Trường là làng nghề truyền thống chuyên làm miến. Theo thống kê của UBND xã, vào những tháng cao điểm, mỗi ngày các cơ sở làm miến thải ra hơn 300 tấn bã dong riềng nhưng chỉ một phần rất nhỏ được gom lại để làm phân bón sinh học. Không có điểm tập kết, bã dong riềng thường được đổ xuống kênh mương, ao hồ hay chất bên vệ đường, khi phân hủy sinh mùi xú uế nồng nặc.

Trường kể lại, khi còn nhỏ thường cùng chúng bạn nắm bã thải dong riềng thành từng viên rồi đem phơi nắng cho khô. Khi đốt, lửa từ từ bén vào trong, trông như một quả cầu lửa khá đẹp mắt. Lớn lên, thấy bã thải dong riềng chất đống khắp làng, Trường bắt đầu nghiên cứu cách sản xuất nhiên liệu từ chất thải này. Sau nhiều lần thử nghiệm, Trường đã tìm ra công thức pha trộn nguyên liệu và quy trình làm than bán hữu cơ từ bã thải dong riềng. Theo đó, bã thải sau khi thu gom được phơi sấy cho thật tơi, khô rồi trộn đều với than cám với tỉ lệ nhất định, sau đó dùng máy ép chặt rồi cắt thành từng viên như than tổ ong bình thường.

 
Nguyễn Phi Trường cùng sản phẩm than tổ ong làm từ bã dong riềng - Ảnh: Phan Hậu

Trừ mọi chi phí, mỗi viên than của Trường có giá từ 1.700 - 1.800 đồng, rẻ hơn từ 500 - 600 đồng so với viên than tổ ong thông thường, lại dễ bén lửa, ít khói và cháy lâu, khoảng 4 - 5 tiếng. Vì vậy, hàng chục hộ gia đình, cơ sở sản xuất tại xã Dương Liễu đã chuyển sang sử dụng và rất hào hứng với sản phẩm thân thiện này. “Trước đây, mỗi tháng nhà tôi dùng 120 viên than tổ ong, nay chỉ cần 90 viên than loại này. Vừa tiết kiệm, vừa dễ chịu vì khi cháy, loại than này không nặng mùi như than tổ ong thường”, ông Nguyễn Xuân Hưởng, nhà ở đội 12A, nhận xét.

Theo kết quả kiểm định và chứng nhận của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) sản phẩm than bán hữu cơ của Nguyễn Phi Trường thỏa mãn các điều kiện trong TCVN 5815 – 2001. Cụ thể, mỗi kg than bán hữu cơ khi cháy sản sinh ra năng lượng 4.404 kcalo, tỉ lệ này của than tổ ong thông thường là 3.671 kcalo. Ngoài ra, trong muội than còn có một lượng kali đáng kể, có thể sử dụng làm phân bón. Tại cuộc thi Ý tưởng xanh 2010 do Công ty Toyota Việt Nam, Tổng cục Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức, ý tưởng sản xuất kinh doanh than bán hữu cơ sinh học từ bã thải dong riềng của Trường đã giành giải ba và được tài trợ 250 triệu đồng để triển khai trong thực tế.

Hiện tại, cơ sở sản xuất than của Nguyễn Phi Trường tiêu thụ hơn 30 tấn bã thải dong riềng mỗi tháng, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động. Sản phẩm này thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp tại các làng nghề trong huyện Hoài Đức. Trường bắt đầu nhận được những hợp đồng lớn cung ứng hàng nghìn viên than mỗi ngày. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình, Trường mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu mở rộng nhà xưởng, mua thêm máy móc và thực hiện các thủ tục mở doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm.

Chia sẻ dự định trong tương lai, Trường cho biết, ngoài thị trường nông thôn bạn còn chuẩn bị kế hoạch tiếp thị sản phẩm tại khu vực nội thành Hà Nội, nơi vẫn còn nhiều gia đình sử dụng loại bếp than tổ ong. “Ngoài xây dựng mạng lưới phân phối, mình sẽ có chính sách giảm giá hoặc tặng sản phẩm để khuyến khích các hộ gia đình giữ lại muội than để tận dụng kali làm phân bón hữu cơ”, Trường cho biết.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.