Kỳ tích ở cổng trời Tây Giang

08/06/2009 21:16 GMT+7

Mọi người gọi câu chuyện chàng trai C’ Tu - Alăng Lơ mồ côi cha mẹ, sống nơi rừng núi heo hút sát biên giới Lào, trở thành sinh viên khoa Kinh tế phát triển trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng là một kỳ tích giữa đại ngàn.

Ở cổng trời Tây Giang (Quảng Nam), chuyện học đại học không chỉ là niềm mơ ước mà đôi khi, đó còn là điều không tưởng của không ít người.

Đèn sách giữa đại ngàn

Với Alăng Lơ, hình ảnh bố chỉ tồn tại trong đầu óc tưởng tượng trẻ thơ bởi ông đã mãi mãi ra đi khi Lơ còn nằm trong bụng mẹ.  Lơ lớn lên trên chiếc địu sau lưng mẹ, theo bước chân mẹ băng rừng, vượt suối đi làm rẫy, lên nương. Ngày Lơ còn nhỏ, trường học là điều xa lạ đối với nhiều trẻ con C’Tu bởi với ba mẹ chúng, cái chữ không thể làm no cái bụng. Ở thôn Achoong, nếu muốn đến lớp ở trung tâm xã phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ băng rừng vượt suối. Với anh chị Lơ, cái rìu, cung tên đã thay cho cây viết, cái rẫy thay cho trường học. Lơ được ưu tiên cho đi học. Ở lớp, Lơ luôn được điểm cao, cô giáo người Kinh thường khen Lơ sáng dạ.

Rồi tai họa một lần nữa ập đến khi người mẹ qua đời sau một trận đau bụng dữ dội. Thời ấy, ở quê Lơ đâu có điều kiện thuốc men mà chỉ biết chữa bệnh bằng lá rừng. Lơ và các anh chị đành đau đớn, bất lực chứng kiến sự ra đi của mẹ. Cuộc sống lại càng khắc nghiệt hơn khi rẫy liên tiếp mất mùa, cái đói trở thành người bạn thường xuyên ở trong nhà. Vượt qua mọi khó khăn, Lơ vẫn siêng năng đến lớp. Ở nơi độ cao hơn 1.300m, quanh năm mây phủ trắng các dãy núi, trời lạnh căm mà Lơ đến trường chỉ với chiếc quần đùi...

Nỗi niềm của chàng trai C’Tu

“Có được cuộc sống như hiện nay, còn hơn cả giấc mơ chị ạ, vì đó là điều mà trước kia, chưa bao giờ em dám mơ tới”, cậu sinh viên năm 2 khoa Kinh tế phát triển của trường ĐH Kinh tế (Đà Nẵng) Alăng Lơ tâm sự... Ngày có giấy gọi đi học của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Lơ băn khoăn mãi bởi đã 7 năm qua, gia đình chú Bưng đã cưu mang cho Lơ ăn học. Bây giờ học ở Đà Nẵng, chi phí tốn kém hơn rất nhiều, sao nỡ phiền cô chú thêm được. Hiểu mối bận tâm của Lơ, vợ chồng Alăng Bưng động viên, khuyên Lơ cố gắng đi học. Ngày Lơ lên đường, hai vợ chồng chú Bưng chạy đôn chạy đáo mượn tiền cho Lơ xuống đồng bằng học đại học. Năm ngoái, khi trời mưa bão, đường lên Tây Giang sạt lở nặng, nương rẫy mất mùa. Hai tháng ròng, Lơ ăn cơm nhờ những người bạn tốt bụng ở Đà Nẵng. Khi Lơ định nghỉ học, vợ chồng Alăng Bưng không đồng ý, bảo Lơ cố gắng chờ để cô chú vay mượn mỗi người mỗi ít, góp tiền gửi xuống cho Lơ. “Nhiều lần về nhà, chứng kiến cảnh cô Nghim chạy đi mượn tiền để em xuống trường ăn học, thấy xót xa lắm”, Lơ kể.

Điều kỳ lạ hơn là anh chị Lơ và chú Bưng chưa hề gặp nhau lần nào để nói lời cảm ơn dù Lơ đã được chú Bưng cưu mang gần chục năm nay. Chỉ có Lơ là sợi dây liên lạc, kết nối thông tin giữa hai gia đình vì anh chị Lơ quá nghèo khó, chỉ biết bám rẫy, bám rừng. Vậy mà gia đình Alăng Bưng vẫn một lòng nuôi nấng, lo cho Lơ. Bởi, suy cho cùng, cái nghèo và lòng tốt của người C’Tu đã khiến họ cảm thông, bỏ qua mọi khoảng cách lễ nghĩa. Vừa rồi Lơ còn được vợ chồng chú Bưng mua điện thoại để liên lạc mỗi lúc nhớ. Trong sân trường ĐH Kinh tế, Lơ tâm sự mà như tự hứa với lòng mình: Chỉ có cách em học tập thật tốt, làm con người tốt để xứng đáng với sự yêu thương đùm bọc của chú Bưng, cô Nghim và mọi người. Dù sắp tới, cuộc sống có khó khăn đến mấy, em cũng sẽ vượt qua.

Tôi tin điều Lơ nói, cũng như nhiều người dân C’Tu đã từng tin vào kỳ tích giữa đại ngàn của Lơ.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.