Kỳ 2: “Muốn bình thường hay muốn bệnh ?”

10/01/2013 03:00 GMT+7

Dù không có tên trong danh sách được khám, chứng nhận sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, song nhiều bệnh viện đa khoa tỉnh vẫn thoải mái bán hồ sơ và chứng nhận sức khỏe cho người dân.

Dù không có tên trong danh sách được khám, chứng nhận sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, song nhiều bệnh viện đa khoa tỉnh vẫn thoải mái bán hồ sơ và chứng nhận sức khỏe cho người dân.

Tờ khám mẫu

Chiều 26.12.2012, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đóng 910.000 đồng để mua hai loại hồ sơ khám sức khỏe. Trong đó, chi phí khám sức khỏe cho người lao động trong nước có giá 200.000 đồng và chi phí khám cho người đi làm việc, học tập ở nước ngoài là 710.000 đồng.

Tuy hình thức có vẻ khác nhau nhưng hai mẫu giấy đều hoàn toàn bằng tiếng Việt. Chúng tôi đều phải trải qua khâu xét nghiệm máu, nước tiểu và chụp X-quang tim phổi thẳng. Tuy nhiên, quy trình khám cho lao động đi nước ngoài có nhiều nội dung hơn, nhất là ở khâu khám cận lâm sàng. Đặc biệt, phần xét nghiệm máu không chỉ đề cập đến công thức máu, đường máu (như khám sức khỏe lao động làm việc trong nước) mà còn xác định nhóm máu, u rê máu, viêm gan B, HIV, giang mai, ký sinh trùng sốt rét trong máu. Bên cạnh đó, còn có thêm phần xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng.

Tại phòng số 34, những ai đi khám sức khỏe làm việc trong nước đều được phát cho một “tờ khám mẫu”. Trong đó, người ta đã đánh dấu sẵn vào ô chữ “không” đối với 36 câu hỏi trắc nghiệm về các loại bệnh hoặc tình trạng sức khỏe của bản thân. Chỉ có câu duy nhất: “Ông/bà có cảm thấy thật sự khỏe mạnh và phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ được giao không?” là đã được đánh dấu sẵn vào ô trả lời “có”. Tất cả người đi khám đều răm rắp điền y chang tờ giấy mẫu. Người nào lỡ bỏ sót mục nào, liền bị nhắc nhở bổ sung ngay.

 
Người lao động điền mẫu đơn khám sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Lê Thanh

 
PV Báo Thanh Niên (trái) khám sức khỏe đi xuất khẩu lao động tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Như Lịch

Với phần khám thể lực, lâm sàng; hầu như không có điểm gì khác biệt. Nhìn chung vẫn là sự sơ sài, qua loa, ngay cả khi khám cho người đăng ký đi lao động ở nước ngoài. Tại buồng khám nội số 32, bác sĩ hỏi tôi có bệnh gì không? Tôi trả lời: “Em hay bị nghẹt mũi, nhức đầu, không biết có sao?”. Bác sĩ nói: “Không vấn đề gì đâu”. Đến phòng 11 khám mắt, tôi cố tình đọc sai nhưng vẫn được nhận xét là thị lực hai mắt đều đạt 10/10. Đến phòng 23 khám tai - mũi - họng, tôi trình bày với người khám là bị dị ứng mũi. Một điều dưỡng trong phòng này ngay tức thì vặn lại: “Giờ muốn được bình thường hay muốn bệnh?”. Đến phòng khám da liễu, bác sĩ gần như áp một “bài khám” như nhau cho tất cả mọi người, lao động trong nước cũng như đi nước ngoài, nam cũng như nữ. Đầu tiên, bảo úp lại rồi ngửa hai bàn tay. Tiếp đó, bảo đưa hai bàn chân ra, một trong hai chúng tôi cảm thấy hơi lúng túng vì hai chân đang mang vớ kín mít. Dù vậy, bác sĩ cũng không nói gì và cho qua. Sau cùng, bác sĩ bảo chúng tôi xoay người lại, kéo lưng áo lên, thế là hoàn tất việc khám…

Cùng thời gian xuất phát như nhau, song một trong hai chúng tôi được trả kết quả vào cuối buổi chiều 26.12.2012 (đối với khám sức khỏe đi xin việc trong nước). Trong khi đó, người khám đi xuất khẩu lao động được hẹn trở lại vào lúc 14 giờ ngày 3.1.2013. Và kết luận chúng tôi nhận được là: “Đủ sức khỏe đi học tập, lao động nước ngoài” do Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai ký xác nhận.

Sáng 3.1, chúng tôi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương hỏi mua bộ hồ sơ khám sức khỏe đi làm việc tại Malaysia. Nhân viên y tế đưa chúng tôi 1 phiếu khám sức khỏe (bằng tiếng Việt) cùng một xấp phiếu xét nghiệm (HIV, nhóm máu, tổng phân tích, hóa sinh - miễn dịch; VDRL…) và phiếu chụp/chiếu X-quang tim phổi rồi bảo điền thông tin vào. Cô thu ngân cho biết, chi phí khám sức khỏe cho trường hợp của chúng tôi là 769.000 đồng.

Chưa được công nhận, vẫn “vô tư” khám

Tìm đỏ con mắt trong danh sách 76 bệnh viện đủ tiêu chuẩn được khám, chứng nhận sức khỏe cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đăng công khai trên website Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ LĐ-TB-XH (www.dolab.gov.vn), chúng tôi không hề thấy có tên Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cũng như Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.

Theo Thông tư liên tịch số 10/2004/TTLT - BYT - BLĐTBXH - BTC ngày 16.12.2004 của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tài chính, chỉ những bệnh viện đủ tiêu chuẩn và điều kiện đã được Bộ Y tế, Sở Y tế công nhận mới được tổ chức khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cũng theo quy định trong thông tư trên, việc khám sức khỏe có thể thực hiện tập trung thông qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động với bệnh viện khám sức khỏe hoặc do người lao động tự đi khám. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào, bệnh viện khám sức khỏe phải chịu trách nhiệm về kết luận sức khỏe của người lao động. Nếu người lao động bị trả về nước do kết luận khám và chứng nhận sức khỏe của bệnh viện không đúng thì bệnh viện đó phải bồi hoàn cho người lao động mọi khoản kinh phí bằng một lượt vé máy bay (hạng phổ thông) từ nước mà người lao động bị trả về Việt Nam. Trường hợp người lao động bị mắc các bệnh cấp tính, các bệnh có thời gian cửa sổ hoặc lao động nữ có thai sau thời gian bệnh viện khám và chứng nhận sức khỏe, thì người lao động phải tự chịu trách nhiệm.

Gần đây, dư luận rất quan tâm đến vụ việc anh Đinh Văn Bé (34 tuổi, ở thôn Làng Rí, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) và 16 thanh niên khác trong huyện Sơn Hà sau khi được Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi khám và cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe sang lao động tại Malaysia, đã bị trả về nước trước thời hạn. Lý do, các doanh nghiệp sử dụng lao động tại Malaysia tiến hành kiểm tra sức khỏe và phát hiện tất cả những thanh niên trên đều không đạt yêu cầu. Điều đáng nói, dù đã có quy định rằng bệnh viện phải chịu trách nhiệm về kết luận sức khỏe của người lao động, thế nhưng, rốt cuộc những người lao động như trên phải gánh chịu toàn bộ thiệt thòi, phí tổn. Bởi lẽ, trên thực tế, không ít bệnh viện - trong đó có Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi - đã vin vào kẽ hở của pháp luật, đổ lỗi cho người lao động “bị mắc các bệnh cấp tính, các bệnh có thời gian cửa sổ…” nhằm thoái thác trách nhiệm, ngay cả khi công tác khám sức khỏe của họ bị đánh giá là còn dễ dãi, hời hợt hoặc không đúng chức năng.

Không có giá trị

Theo ông Lê Văn Thanh, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB -XH), việc khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 10/2004/TTLT- BYT - BLĐTBXH - BTC giữa Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế và Bộ Tài Chính ban hành năm 2004. Trong đó quy định cụ thể về mẫu giấy khám sức khỏe, điều kiện sức khỏe như thế nào mới được đi làm việc, những bệnh viện nào được khám và có biểu phí chung... Theo thông tư này, hồ sơ khám sức khỏe cấp quận, huyện và một số bệnh viện cấp tỉnh không nằm trong danh sách 76 bệnh viện được phép sẽ không có giá trị.

Ông Lê Văn Thanh cho hay, việc lao động không đủ điều kiện sức khỏe “chạy” hồ sơ khám bệnh chỉ là trường hợp cá biệt, không phổ biến. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp vì lợi nhuận, thiếu lao động nên đã thông đồng, hướng dẫn người lao động tới những địa chỉ không đáng tin cậy. Thông thường, những doanh nghiệp xuất khẩu lao động sẽ hướng dẫn cho người lao động đi khám tại các bệnh viện quen biết. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh đi lại nhiều lần, người lao động cũng có thể tự tìm đến các bệnh viện gần nhất trong số các bệnh viện được cấp phép. Danh sách các bệnh viện khám chữa bệnh, chứng nhận sức khỏe cho lao động đi làm việc ở nước ngoài được đăng tải trên trang web của Cục tại địa chỉ http://dolab.gov.vn/index.aspx?mid=1173&sid=11&nid=1777 

Thu Hằng

Như Lịch - Lê Thanh

>> Tùy tiện như khám sức khỏe!
>> Khi trăn đi khám sức khỏe
>> Đổ bệnh vì chờ khám bệnh
>> Lập lờ phiếu khám bệnh “đồng giá”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.