Kiếm tiền từ lá dừa

25/06/2011 18:09 GMT+7

Không chỉ trở về với những năm tháng tuổi thơ ở làng quê nông thôn qua những con cào cào, chim, cá được kết bằng lá dừa..., đây còn là nơi sinh viên kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học hành.

Đó là câu lạc bộ (CLB) của nhóm sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. CLB hiện có 15 thành viên do Trương Thị Thanh Trúc (SV năm 3, khoa Văn học và Ngôn ngữ) làm chủ nhiệm với mô hình hoạt động không khác gì một công ty chuyên làm quà lưu niệm.

Để làm được điều này, Trúc chia sẻ: "Khi các bạn gia nhập CLB, tụi em sẽ đào tạo cho các bạn biết làm tất cả các sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình học việc tụi em sẽ theo dõi xem thế mạnh và sở trường của từng người. Vì vậy, sau một thời gian được đào tạo, các bạn sẽ được phân thành những nhóm nhỏ khác nhau như: nhóm chuyên nghiên cứu tạo ra sản phẩm sao cho đa dạng và bắt mắt người xem; nhóm thì lo về nguồn nguyên liệu; nhóm thì làm truyền thông, quảng cáo tìm kiếm đối tác...".

"Lấy công làm lời", hơn nữa nguồn nguyên liệu chính là lá dừa nước để làm ra sản phẩm thì do các thành viên trong nhóm tự tìm nên giá thành của sản phẩm rất cạnh tranh. Trừ những sản phẩm quá khó và làm theo yêu cầu của khách hàng thì có giá cao, còn lại tất cả các sản phẩm như hoa hồng, cào cào, bọ ngựa, chim, cá giá bán 10 ngàn đồng/sản phẩm.

Trúc cho biết thêm, có những đơn đặt hàng với số lượng lớn hàng ngàn sản phẩm hoặc vào những dịp như: lễ Tình nhân (14.2), ngày Quốc tế Phụ nữ (8.3) hoặc Quốc tế Thiếu nhi (1.6)… thì các bạn nam phải chạy xe về các tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre... chặt lá mới đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu.

Lợi nhuận bán sản phẩm ngoài việc chia cho các bạn trực tiếp tham gia làm thì CLB sẽ trích ra một phần để bỏ vào quỹ chung. Số tiền này dùng cho những sinh viên khó khăn vay (không lấy lãi) sử dụng cho việc đóng tiền nhà trọ, tiền ăn, học phí… Không những thế, CLB còn trích một phần lợi nhuận để tặng quà cho các em thiếu nhi tại các mái ấm, nhà mở trong những dịp lễ, tết.

Cũng chính vì tính thiết thực của mô hình nên CLB ngày càng thu hút nhiều SV tham gia. Đánh giá về tính hiệu quả của mô hình này, anh Trần Nam - Bí thư Đoàn trường cho biết: "Không những giải quyết những khó khăn cho một số bạn SV mà CLB còn đóng góp với xã hội thông qua việc giúp đỡ, tặng quà cho các em thiếu nhi tại các mái ấm, nhà mở trên địa bàn thành phố".

Băn khoăn lớn nhất của các thành viên trong CLB là làm sao để giữ được màu sắc và độ bền của sản phẩm trong thời gian lâu hơn, vì hiện nay những sản phẩm làm từ lá dừa nước chỉ giữ được màu sắc đẹp trong khoảng thời gian hơn một tháng. Và điều quan trọng hơn là CLB đang tìm kiếm đối tác hoặc liên kết với những công ty, doanh nghiệp để mở rộng hơn nữa đầu ra của sản phẩm, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhiều SV hơn nữa.  

Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.