Hướng đến sức khỏe con người

11/01/2012 00:06 GMT+7

Không hẹn mà gặp, nhiều sinh viên đã có những đề tài nghiên cứu khoa học hướng đến sức khỏe con người.

Không hẹn mà gặp, nhiều sinh viên đã có những đề tài nghiên cứu khoa học hướng đến sức khỏe con người.

Liệu pháp trị bệnh run tay

Với đề tài "Tạo mô hình ruồi giấm chuyển gien SNCA biểu hiện protein α-synuclein nhằm ứng dụng trong nghiên cứu cơ chế phát sinh bệnh Parkinson”, Nguyễn Thị Mai - Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - đã nhận giải đặc biệt Euréka vào ngày 5.1.

 
Nguyễn Thị Mai trong phòng thí nghiệm... - Ảnh: nhân vật cung cấp 

Đề cập lý do chọn đề tài trên, Mai giải thích: Parkinson thường được biết đến là bệnh liệt rung hay gặp ở người già (có người gọi nôm na là bệnh run tay). Đây là một trong những bệnh về rối loạn thần kinh khá phổ biến. Hiện nay, nhiều nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền tác động không nhỏ tới sự tiến triển của căn bệnh vốn được xem là nan y. Trong nhiều năm qua, các nghiên cứu nhằm tìm ra mối liên hệ giữa α-synuclein với bệnh Parkinson được thực hiện khá nhiều nhưng vẫn chưa xác định được cơ chế gây bệnh. Chính vì vậy, theo Mai, việc xây dựng mô hình nghiên cứu sự tác động của gien SNCA lên hệ thần kinh có vai trò then chốt trong việc tìm ra cơ chế phân tử phát sinh bệnh Parkinson. Và xa hơn nữa, đó là thử nghiệm các liệu pháp gien nhằm ức chế con đường tiến triển của căn bệnh này.

Cũng theo tác giả, trong số các mô hình động vật chuyển gien, ruồi giấm Drosophila melanogaster là mô hình được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu y - sinh học hiện nay vì nó có những ưu điểm vượt trội. Do vậy, chủ nhân đề tài trên đã tiến hành thí nghiệm chuyển gien liên quan đến bệnh Parkinson của người vào loại ruồi giấm này, từ đó có sự đánh giá và tìm hiểu sâu hơn cơ chế phân tử gây bệnh Parkinson.

 
... và nhận giải đặc biệt Euréka 2011 - Ảnh: Lê Thanh

Đề tài này được tác giả dốc tâm huyết nghiên cứu trong vòng 1 năm. Bên cạnh đó, nhờ mối quan hệ của giáo viên hướng dẫn đề tài - TS Đặng Thị Phương Thảo (Phó trưởng Khoa sinh học của trường) nên công đoạn vi tiêm trong nghiên cứu đã được thực hiện tại Phòng thí nghiệm công nghệ nhiễm sắc thể, Viện Công nghệ kỹ thuật Kyoto, Nhật Bản. Ngoài ra, đơn vị bạn còn cung cấp một số dòng ruồi phục vụ đề tài. “Nhìn chung, khó khăn chính là phải vượt qua bản thân mình. Bởi làm thí nghiệm sinh học phân tử không hề đơn giản. Rất nhiều lần em làm thí nghiệm không ra kết quả và rất buồn. Nhờ sự động viên của bạn bè, thầy cô cũng như sự tích lũy kinh nghiệm từ những thất bại đã giúp em hoàn thành được đề tài” - cô gái trẻ đúc kết.

Theo tác giả trẻ, nghiên cứu này là tiền đề mở ra nhiều liệu pháp điều trị mới, hiệu quả hơn trong tương lai, trong đó có liệu pháp trị bệnh

Parkinson. Cô lưu ý: “Không phải chỉ người già mắc bệnh Parkinson mà bệnh này cũng gặp ở người trẻ, dù số lượng ít. Đây không phải là bệnh biểu hiện ngay khi vừa khởi phát mà có sự tích lũy dần qua tuổi tác. Cũng như bệnh ung thư, khi bệnh bắt đầu chuyển biến nặng tức là đã đến giai đoạn cuối rồi. Song song đó, yếu tố di truyền cũng có thể dẫn tới bệnh Parkinson. Do vậy, những người có nguy cơ mắc bệnh cao cần chú trọng việc chữa trị từ khi còn trẻ”.

Như Lịch

Vỏ chuối trị bệnh

“Trong một lần về quê, tôi thấy mẹ ăn chuối xong thì dùng mặt trong của vỏ chuối cau chà xát lên vết nứt ở gót chân. Hỏi mẹ kết quả thế nào, mẹ nói vết nứt sẽ lành sau vài lần chà xát như vậy”. 

Cũng đạt Giải thưởng Euréka, Hoàng Thị Minh Hằng - sinh viên (SV) Khoa Công nghệ sinh học và môi trường, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM - cho biết cơ duyên khiến cô và nhóm bạn cùng trường thực hiện đề tài nghiên cứu “Tận dụng vỏ chuối để trị bệnh”.

 Trở lại trường học, Minh Hằng rủ nhóm bạn trong lớp mình gồm Lê Phương Dung, Lê Duy Hoàng Mai, Lương Thị Thu Hằng tìm gặp cô giáo chủ nhiệm là PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Ẩn - Trưởng khoa Công nghệ sinh học và môi trường, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng - để trình bày nguyện vọng nghiên cứu chuyên sâu về vỏ chuối để trị bệnh. Không những được động viên, khích lệ, nhóm còn được cô Ẩn cùng GS-TS Nguyễn Kim Phi Phụng - Trưởng khoa Hóa, Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM - hướng dẫn tận tình.

 
Nhóm thực hiện đề tài (từ trái sang): Thu Hằng, Minh Hằng, Hoàng Mai, Phương Dung - Ảnh: Tuyết Trang

Bằng những cơ sở khoa học, nhóm tác giả trên đã chứng minh vỏ chuối có giá trị y học rất cao. Theo đó, trong vỏ chuối cau có chứa những hoạt chất sinh học như: tanin, saponin, acid uronic, acid hữu cơ, tinh dầu, phytosteron… Đặc biệt, vỏ chuối không chứa acid béo nên khi dùng không bị tác dụng phụ và rất tốt cho sức khỏe con người. Hơn nữa, chất tanin làm kết tủa protein và là chất dùng để chữa bệnh tiêu chảy, diệt vi trùng kiết lỵ rất hiệu quả. Vỏ chuối phơi khô nấu nước uống còn giúp chữa viêm loét miệng, kháng viêm, tiêu độc và có tác dụng nhuận tràng. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng ức chế sự sinh sản của vi khuẩn và nấm da. Kết quả thử nghiệm cho thấy bệnh hôi chân, nứt nẻ, ghẻ lở, phù nề, nấm da, ngứa do vi khuẩn gây nên… đều có thể chữa được bằng vỏ chuối. Người bệnh có thể lựa chọn vỏ chuối tươi xát nhiều lần tại vùng ngứa, nấm hoặc đun thành nước lau rửa mỗi ngày. Không những thế, với những người có làn da mặt khô, nếu dùng mặt trong của vỏ chuối đắp lên sẽ có làn da mịn màng.

“Mặc dù có nhiều công dụng như thế nhưng rất nhiều người chưa biết dùng vỏ chuối trong việc điều trị bệnh. Vì vậy, mình muốn nghiên cứu và phát triển đề tài này để những công ty đông dược quan tâm đến, từ đó tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào để bào chế ra những loại dược phẩm có giá thành rẻ nhưng điều trị được nhiều chứng bệnh cho mọi người” - Hoàng Mai nói.

Chưa dừng lại đây, nhóm tác giả trẻ chia sẻ dự định: “Sắp tới, tụi mình muốn nghiên cứu sâu hơn về công dụng trị bệnh của nhiều loại vỏ chuối khác nhau. Qua đó, nhằm tìm ra những hợp chất thiên nhiên hữu dụng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.