Học sinh khiếm thính học kịch

05/03/2009 15:41 GMT+7

Đó là đề tài "Biên soạn tài liệu giảng dạy nghệ thuật cho học sinh khiếm thính bậc tiểu học tại TP.HCM" do thạc sĩ Đào Thị Vân Anh - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục (trường ĐH Sư phạm TP.HCM) làm chủ nhiệm.

Trong đó, môn học được chọn lựa để thử nghiệm là kịch không lời và múa. "Học sinh khiếm thính bị hạn chế về cách tiếp cận với các môn nghệ thuật. Nhưng hai bộ môn này có thể giúp học sinh cảm nhận nghệ thuật thông qua hành vi của bản thân học sinh, từ đó tạo ra cảm xúc nghệ thuật và tác động tới quá trình nhận thức và quá trình phát triển tâm lý của trẻ", thạc sĩ Vân Anh cho biết. Ngoài ra, các môn học này còn giúp học sinh có thêm kiến thức, mang lại sân chơi giải trí bổ ích, rèn luyện sức khỏe cũng như phát triển kỹ năng giao tiếp...

Tuy nhiên, ở hầu hết các trường học khiếm thính hiện nay chưa có tài liệu hướng dẫn thực hành. Các trường khiếm thính ở TP.HCM dạy nghệ thuật cho học sinh khiếm thính qua các môn Mỹ thuật, m nhạc và Thủ công theo chương trình sách giáo khoa tiểu học. Trong đó, môn Múa và Kịch không lời không có trong giờ học chính thức, nếu có chỉ trong các giờ ngoại khóa, các giáo viên dạy múa theo hình thức hợp đồng, chỉ tập trung ở một nhóm học sinh được chọn lọc, mục đích là tham gia các buổi biểu diễn, hội thi văn nghệ trong trường hoặc ngoài trường.

Điểm đặc biệt của bộ tài liệu được biên soạn này là những giáo trình mở. Trong đó gồm có 10 bài học về các động tác cơ bản kèm theo các tiểu phẩm mẫu của bộ môn Kịch không lời, và 6 tổ hợp múa cơ bản của các dân tộc Việt Nam trong bộ môn Múa. Ngoài ra, còn có thêm 3 DVD minh họa các bài tập mẫu.

Từ những động tác và tổ hợp cơ bản này, trong quá trình giảng dạy các giáo viên có thể sáng tạo thêm tùy theo hoàn cảnh cụ thể về đội hình, bài hát, nhạc... để cho ra đời nhiều tiết mục nghệ thuật khác nhau. "Các môn học này được thiết kế ra không phải chỉ dành riêng cho những người chuyên sâu về nghệ thuật, mà nhằm mục đích tạo sân chơi, đem đến món ăn tinh thần cho tất cả các giáo viên và học sinh khiếm thính", thạc sĩ Vân Anh cho biết thêm.

Đánh giá về tài liệu đã được biên soạn cho bộ môn Kịch không lời, ông Nguyễn Đức Thành - giảng viên trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho rằng: "Các tiết mục mang tới niềm tin cho các em, cái thiện cái ác cũng được các em cảm nhận rõ ràng, rất lành mạnh, trong sáng, tạo cho các em sự khéo léo, có sức khỏe tốt hơn khi tham gia học môn nghệ thuật này.

Đó cũng là một sự bù đắp cho những thiếu sót trong cuộc sống của những em bị khiếm thính". Thạc sĩ Hoàng Thị Mai - giảng viên chính trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM có nhận xét về bộ môn Múa: "Tài liệu đã góp phần mở ra một hướng mới giáo dục trẻ khiếm thính. Sử dụng loại hình nghệ thuật về hình thể để giúp trẻ khiếm thính phát triển toàn diện là một trong những biện pháp phù hợp và sáng tạo".

Sau quá trình thử nghiệm, hai trường khiếm thính là trường Hy vọng quận 1 và trường Hy vọng quận 8 đã bắt đầu triển khai hai môn học này vào trong chương trình học của học sinh ngay từ lớp 1. Hội đồng khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đánh giá cao tính nhân văn và thực tiễn của đề tài, đề nghị triển khai xuống tất cả các trường khiếm thính tại TP.HCM.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.