'Giám đốc mù' và chuỗi cơ sở massage cho người khiếm thị

31/10/2013 03:00 GMT+7

Hai vợ chồng mù, đứa con trai sinh ra cũng bị mù nhưng không vì thế mà những khát vọng và ước mơ vỡ vụn trong gia đình bé nhỏ của anh Nguyễn Tấn Lợi.

Anh Nguyễn Tấn Lợi (trái) và gia đình hạnh phúc của mình - d
Anh Nguyễn Tấn Lợi (trái) và gia đình hạnh phúc của mình - Ảnh: Hải Quỳnh 

Gian khó chất chồng

Giờ đây, các thầy cô ở Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) thường kể cho học sinh nghe câu chuyện đầy nghị lực của một cặp vợ chồng mù, cũng là 2 cựu học sinh của trường. Đó là anh Nguyễn Tấn Lợi (32 tuổi) và chị Lê Thị Thanh Thủy (31 tuổi). Không ít lần, những rào cản từ gia đình, từ sự khuyết tật cơ thể đã đẩy họ đến ranh giới chia ly. Nhưng chính sự cảm thông cùng nghị lực đã giúp họ nắm chặt tay nhau, cùng nhau vượt qua trong sự hòa hợp và tình yêu chân thành.

Kết quả của mối tình cảm động ấy là một đám cưới được tổ chức vào năm 2004. Những vất vả chưa qua thì cuối năm đó, đôi vợ chồng trẻ lại gánh thêm nỗi bất hạnh khi đứa con trai đầu lòng Nguyễn Tấn Huy ra đời cũng bị mù. Anh Lợi tâm sự: “Khi hay tin con bị mù, em buồn lắm nhưng rồi nghĩ mình đã mù thế này thì con cũng có thể khó tránh khỏi. Xác định tư tưởng như vậy nên vợ chồng tôi cố gượng dậy, động viên nhau cùng vượt qua”.

Nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai, khi cháu Huy cứng cáp, vợ chồng anh Lợi mở một cơ sở massage với hy vọng có thu nhập đủ nuôi sống gia đình. Nghĩ là làm, anh Lợi đã tìm thuê mặt bằng tại Hội Chữ thập đỏ P.Tam Thuận (Q.Thanh Khê) nằm trên đường Trần Cao Vân để mở cơ sở. Như nhiều cơ sở massage của người khiếm thị khác, thời gian đầu thường vắng khách nhưng không vì thế mà anh Lợi nản lòng. Anh đã xoay đủ việc để kiếm tiền lo cho cơ sở và các nhân viên. Có lúc khó khăn quá, anh tính tới chuyện phải bán ngôi nhà nhỏ mình đang ở để trả nợ. Do không bán được, anh Lợi lại dồn tâm sức vượt khó. Nhờ đó cơ sở của anh từng bước đi vào quy củ, lượng khách tới ngày một đông.

Vươn lên mãnh liệt

Có thu nhập kha khá để trang trải nợ nần và lo cuộc sống gia đình, anh Lợi còn dành dụm được ít vốn liếng tiếp tục mở cơ sở 2. Bằng ý chí và sự quyết tâm, lần lượt các cơ sở masage của anh Lợi nối gót nhau khai trương ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Diệu, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Trung Trực. Năm 2007, anh Lợi mạnh dạn thành lập Công ty TNHH người khuyết tật Nhân Ái có trụ sở đặt tại nhà riêng. Anh Lợi kể, phải vất vả lắm mới xin được giấy phép, vì lúc đầu người ta đưa ra lý do mù thế thì làm sao ký được giấy tờ mà làm giám đốc. 

“Giám đốc mù” chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình đã khá lên, các cơ sở massage giải quyết việc làm cho gần 20 lao động khiếm thị với mức lương ổn định”. Và cũng rất đặc biệt, trong gần 20 nhân viên của anh Lợi, hầu hết đều trưởng thành từ Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có những em không chỉ mù mà còn bị thần kinh; ra trường, các em không biết làm ở đâu, vậy là lại nhờ thầy cô tìm tới Lợi.

Một gia đình người mù trong căn nhà nhỏ, tuy rằng tất cả với họ chỉ là bóng tối phủ quanh, nhưng trong tâm hồn luôn toát lên một khát vọng sống, khát vọng vươn lên mãnh liệt.

BTC cuộc thi “Gương nghị lực phi thường” tiếp tục nhận bài dự thi đến 31.12.2013. Email nhận bài: nghilucphithuong2013@gmail.com, nghilucphithuong@thanhnien.com.vn, hoặc địa chỉ: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM. Chi tiết thể lệ cuộc thi vui lòng xem trên www.thanhnien.com.vn hoặc toasangnghilucviet.vn.

Hải Quỳnh

>> Cuộc thi viết Gương nghị lực phi thường
>> Tỏa sáng nghị lực Việt
>> Nghị lực thí sinh không tay
>> Nước mắt của mẹ, nghị lực cho con
>> Nghị lực chiến thắng bệnh ung thư
>> Nghị lực phi thường của thầy giáo trẻ
>> Nghị lực của phụ nữ có HIV
>> Nỗi bất lực của người thầy nghị lực
>> Đứng lên bằng nghị lực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.