Giã từ những đêm đen

23/07/2010 17:42 GMT+7

5 bạn trẻ khiếm thị đã vượt lên số phận, cùng nhau tạo lập nên cơ sở xoa bóp cổ truyền Hừng Đông (84 Hùng Vương, TP Pleiku, Gia Lai). Ở đó, họ cùng sẻ chia buồn vui, khát vọng sống.

Cách đây 21 năm, cậu bé Nguyễn Quang Đông đang tung tăng với bạn bè đến lớp thì họa lớn đổ xuống: mọi vật trước mắt cậu cứ mờ dần. Lúc đầu mọi người trong gia đình nghĩ đó là tật hoa mắt bình thường nhưng tình trạng trên cứ ngày thêm trầm trọng. Bốn năm sau thì mắt của Đông mù hẳn, dù gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi.  

Sau khi kể về đoạn trường của đời mình, anh Đông, năm nay 37 tuổi, chủ cơ sở xoa bóp cổ truyền Hừng Đông cho biết: "Năm 25 tuổi, mình vào TP.HCM học ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật của chùa Kỳ Quang 2. Từ đây, mình đã học được nhiều kỹ năng hòa nhập cộng đồng, một số nghề như làm chổi, tăm tre, xoa bóp cổ truyền. Sau hơn ba năm vào trung tâm, mình "bôn tẩu" mưu sinh từ bắc chí nam".

Tình cờ trong cuộc mưu sinh đầy vất vả ấy, anh Đông quen với chị Nguyễn Thị Định, một cô gái cùng quê Quảng Nam. Dần dà, giữa họ nảy sinh tình cảm đôi lứa. Người thân của chị Định ra sức ngăn cản khi biết chuyện bởi sợ anh Đông sẽ là gánh nặng cho chị. Nhưng tình yêu chân thành của đôi trẻ sau sáu năm gắn bó cuối cùng đã chiến thắng, họ đã tổ chức đám cưới. Một năm sau, vợ chồng anh mừng vui đón đứa con gái đầu lòng. Bản lĩnh, nghị lực sống của anh Đông khiến gia đình bên vợ hoàn toàn yên tâm. Sau đó, tổ ấm của anh chị đón thêm một thành viên mới là một chú nhóc kháu khỉnh.

Cơ sở xoa bóp cổ truyền Hừng Đông còn có bốn người khác cũng bị khiếm thị. Đó là Nguyễn Thị Hải (23 tuổi) ở Thừa Thiên - Huế, Bùi Thị Lệ Hồng Vương (27 tuổi) ở Kon Tum và Huỳnh Thị Ly (35 tuổi), Trương Đắc Toàn (27 tuổi) cùng quê Lâm Đồng… Anh Đông là người mở ra cơ sở này và đưa mọi người vào làm chung. Sau khi trừ tiền thuê nhà và các khoản chi phí khác, thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi người khoảng 1,5-2 triệu đồng.

Thiên Trúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.