Đối phó với bạo lực học đường

06/04/2010 14:49 GMT+7

Các bậc phụ huynh phải làm gì để con mình không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường?

Trước hết hãy giúp trẻ có thói quen biết nói thẳng một cách tự tin nếu nó không thích điều gì mà bạn nó đang nói hay đang làm đối với nó. Thường thì những kẻ bắt nạt ít chọn những đứa trẻ quyết đoán. Hướng dẫn con mình rằng khi cháu cảm thấy sắp bị bắt nạt, tốt nhất là nên bỏ đi và tìm sự giúp đỡ của thầy cô hơn là đối đầu.

Thực tế cho thấy nhiều trẻ không dám tố cáo kẻ bắt nạt vì sợ trả thù, thậm chí không dám nói lại với bố mẹ. Do vậy, cha mẹ nên cởi mở để con cái đủ tin tưởng giãi bày tâm sự. Cho trẻ nhiều cơ hội tranh luận những suy nghĩ của mình, đặc biệt khi bạn cảm nhận con có gì đang lo lắng ở trường. Sau đó, bạn hãy đến gặp giám thị nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để cảnh báo các khó khăn của trẻ và đề nghị họ giúp đỡ.

Khi con bạn là kẻ bắt nạt

Một trong những điều quan trọng bạn có thể làm là dạy trẻ tình thương với người khác. Giúp con hiểu việc trêu chọc bạn là làm tổn thương đến bạn đó, phải hiểu rằng bắt nạt là vấn đề nghiêm trọng. Khi một học sinh lớp 1 đánh chửi bạn nó, phụ huynh thường hay nghĩ rằng “đó chỉ là trò trẻ con”. Nhưng những điều bạn dạy con ở tuổi này sẽ ảnh hưởng đến việc nó cư xử với người khác sau này.

Nếu trẻ dễ nổi giận, hay đánh nhau ở trường và bị bạn bè tẩy chay vì tính nóng nảy, bạn hãy trình bày với thầy cô để có được những lời khuyên nhằm kiềm chế khuynh hướng bạo lực của trẻ.

Trẻ hung hăng có thể do bắt chước những hình ảnh bạo lực qua phim ảnh, truyện tranh không thích hợp. Do vậy hãy lưu ý đến các chương trình ti vi, sách mà trẻ xem.

Nhà trường có thể làm gì?

Có thể lắp camera quan sát, tăng cường lực lượng bảo vệ, nhưng căn bản là cần sự can thiệp sớm đối với những học sinh cá biệt. Nhà trường cần tự hỏi:

- Thầy cô giáo và học sinh có được huấn luyện biết cách nhận ra những tín hiệu cảnh báo bất thường không?

- Trách nhiệm của thầy cô khi nghe học sinh kể nó bị bạn bè khác hiếp đáp là gì?

- Có ứng phó nhanh khi xung đột xảy ra không?

- Có những can thiệp như tư vấn hơn là xử phạt, đối với các học sinh có cư xử xấu?

Nhà trường cũng nên thường xuyên có những buổi cho học sinh ngồi vòng tròn với nhau kể ra những hoàn cảnh làm phiền trẻ. Điều này giúp chúng hiểu cảm xúc của người khác. Giáo viên phải khéo léo điều khiển buổi tranh luận này nhằm hiểu được học trò của mình hơn. Nên có những chương trình hòa giải bạn bè, giúp chúng tự giải quyết những khác biệt.

Nhà trường cũng nên bàn với phụ huynh để có sự hỗ trợ phát triển các hoạt động ngoại khóa để trẻ có những hoạt động tích cực cũng như cung cấp những địa chỉ tư vấn tâm lý trẻ và gia đình khi cần thiết.

Lê Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.