Đi học khám phá tư duy

02/08/2010 09:25 GMT+7

Mùa hè này 30 bạn nhỏ 5-12 tuổi đã đi tìm hiểu tư duy của chính mình tại PDP - Thinking school - chương trình đào tạo tư duy, trực thuộc khoa thương mại - du lịch - marketing, ĐH Kinh tế TP.HCM.

Trong lớp học đặc biệt này các bạn nhỏ được tự do ngồi, nằm dưới sàn và thì thầm trò chuyện suốt buổi học (vào mỗi sáng thứ bảy). Với phương pháp sáu chiếc nón tư duy (đỏ, đen, trắng, vàng, xanh lá, xanh dương), các bạn nhỏ học cách tư duy và vận dụng kiến thức chưa được phổ biến ở nhà trường.

Tập tách dòng suy nghĩ

Cô Lai Thị Hạnh, một trong số thầy cô giáo đứng lớp, mở đầu bài học bằng cách đội chiếc nón đen biểu trưng cho điểm xấu và hỏi: “Những con vật, đồ vật nào có hại, nguy hiểm?”. Quan sát các hình vẽ hồi lâu, Nhật Tân (7 tuổi) “phát pháo” đầu tiên: “Thưa cô, cái lưỡi câu. Nó móc vào tay thì mình sẽ bị chảy máu”. Lập tức lớp học “sôi” lên ngay tức khắc...

Cô Hạnh đưa thêm ví dụ để các bạn nhỏ tự nhận thấy mặt nguy hiểm của vật, con vật. Nhiều tiếng “à, ồ” khi hiểu rằng hạt đậu có hại nếu các bạn nghịch dại nhét chúng vào lỗ mũi hay lỗ tai, những loại nấm độc thường có nhiều màu sắc...

Rồi qua “nón vàng” (biểu trưng cho điểm tốt) các bạn nhỏ biết lưỡi câu giúp ta câu được cá... Cuối cùng cô Hạnh kết luận: “Bất cứ đồ vật hay con vật nào cũng có mặt tốt và mặt xấu, quan trọng là chúng ta biết cách sử dụng, thích nghi và cẩn trọng với chúng hay không”.

Cứ thế, với phương pháp “sáu chiếc nón tư duy” của giáo sư Edward de Bono, các bạn nhỏ được hướng dẫn “tách dòng suy nghĩ”, có cái nhìn nhiều chiều cho một việc và tôn trọng nhiều quan điểm khác nhau. TS Ngô Thị Ngọc Huyền, giám đốc điều hành chương trình đào tạo tư duy, chia sẻ: “Cách trả lời của các bé luôn được tôn trọng. Giáo viên chỉ hướng dẫn, gợi ý để các bé tư duy hệ thống”.

Học tư duy bài bản

TS Lê Tấn Bửu giải thích thêm: “Phương pháp tư duy sẽ trang bị cho trẻ khả năng suy nghĩ và rèn luyện trí thông minh. Ngoài ra, trẻ còn được rèn luyện sự tự tin, tinh thần tập thể, tập làm quen và thích nghi với môi trường sống luôn biến động, kỹ năng tư duy lãnh đạo, tự khám phá cuộc sống và hình thành lối tư duy có hệ thống. Thói quen nhìn nhận và khai thác vấn đề một cách toàn diện, nhiều chiều, trung lập và khách quan”.

Sau khi tham gia một số trò chơi vận động, các bạn nhỏ nhanh chân xếp hàng bước vào phần học tiếp theo với chiếc nón màu xanh lá biểu trưng cho sự sáng tạo. Cả lớp hí hoáy vẽ tranh từ hình số 3 ngược trong vòng mười phút. Bảo Ngọc (8 tuổi) vẽ hàng rào bao quanh một ngôi nhà. Khánh Hoàng (11 tuổi) vẽ ba cây đàn vĩ cầm. Minh Duy (12 tuổi) vẽ ba ngọn đồi. Duy Khang (9 tuổi) vẽ con nhện. Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói rèn luyện khả năng tưởng tượng nằm trong hệ thống tám loại trí thông minh theo phân loại của giáo sư Howard Gardner, Đại học Harvard, Mỹ.

Ngay khi nhận lời tham gia xây dựng chương trình, cô Diệp Bích Đào đã quyết định đưa con mình là bé Khánh Hoàng vào lớp thử nghiệm. Cô cho biết hiệu quả rõ rệt nhất là bé Hoàng đã hình thành thói quen trình bày ý tưởng qua nét vẽ và suy nghĩ nhiều chiều trước các vấn đề của cuộc sống.

TS Lê Tấn Bửu, trưởng khoa thương mại - du lịch - marketing, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết Thinking school cung cấp các khóa học chuyên sâu về tư duy, các hình thức nuôi dưỡng trí thông minh trải nghiệm, trí thông minh ngôn ngữ, kỹ năng mềm, nghệ thuật sống, kỹ năng phát triển và hoàn thiện cá nhân... Với sự hỗ trợ của UNESCO, chương trình dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên VN (dự kiến khóa học đầu tiên sẽ khai giảng ngày 14-8) theo bản quyền Edward De Bono Training Pte Ltd, Ingenio - US Patent & Trademark Office, Nurture Craft Singapore.

Bà Ying Koh (chuyên gia người Singapore, cố vấn triển khai chương trình Thinking school tại TP.HCM) từng ứng dụng phương pháp tư duy của giáo sư - bác sĩ Edward de Bono để kéo con trai mình thoát khỏi tự kỷ. Bà nói: “Tiềm năng tư duy của trẻ có thể bị mai một khi lớn lên nếu chúng ta không biết cách và không duy trì việc rèn luyện cho trẻ. Việc rèn luyện cần được làm một cách hệ thống, theo từng cấp độ từ thấp lên cao và nên bắt đầu từ nhỏ”.
 

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.