Cử nhân đi... học lại

24/11/2009 23:26 GMT+7

Không chỉ thiếu thốn về kiến thức chuyên môn, điểm yếu nhất của sinh viên hiện nay là các kỹ năng mềm cho nên bản thân họ cũng không đủ tự tin để đối diện với các yêu cầu của nhà tuyển dụng. * Kiến thức từ giảng đường chưa đủ * 50% SV phải đào tạo lại

Kiến thức từ giảng đường chưa đủ

Các nhà khoa học đã công bố những con số đáng giật mình về định hướng tương lai của sinh viên tại một hội thảo do Viện Nghiên cứu giáo dục - trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.

Sinh viên thiếu tự tin

Tháng 10 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên (HS-SV) về định hướng tương lai” do Viện Nghiên cứu giáo dục - trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức. Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Phó viện trưởng của viện cho biết: kết quả nghiên cứu cho thấy 86% HS-SV có nhiều ước mơ đẹp nhưng lại ít HS-SV cho rằng có thể lập kế hoạch để biến ước mơ thành sự thật. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 75,4% HS-SV chỉ thích học lên cao (trong đó đa phần lại là sinh viên), 23,2% thích du học và cho rằng đó là một cách trang bị cho tương lai.

Tiến sĩ Dung cho rằng: “Sự thích học này đã cho thấy các em chưa có thái độ dám dấn thân vào đời và chưa muốn thiết lập cuộc sống độc lập. Đồng thời kết quả này cũng cho thấy những kiến thức mà nhà trường trang bị cho HS-SV chưa đủ giúp các em tự tin để bước vào đời”. 

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hầu hết HS-SV Việt Nam vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình như để chuẩn bị cho sự nghiệp các em còn nhận thức mơ hồ về các yêu cầu mà việc làm đòi hỏi; chỉ biết tập trung vào học các kiến thức chuyên môn mà chưa coi trọng các kỹ năng mềm. Kết quả cho thấy hơn 83% HS-SV cho biết, dự định tương lai của mình là học giỏi các môn học tại trường; 91,6% cho biết cần học giỏi ngoại ngữ. Các em chưa đánh giá cao việc tham gia các hoạt động xã hội giúp phát triển kỹ năng mềm.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận: HS-SV Việt Nam rất lạc quan nhưng lại thiếu hẳn khả năng hoạch định tương lai, đặc biệt là kỹ năng mềm và thái độ dám dấn thân vào đời.

Chưa có phương pháp dạy học tích cực

Việc SV không được trang bị đầy đủ kiến thức để phục vụ cho công việc không chỉ là “lỗi” của nhà trường. Thực tế cho thấy một bộ phận lớn SV đã không tìm được một phương pháp học thích hợp cũng như khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế. Kỹ sư Trần Thanh Hải - Trung tâm đảm bảo chất lượng (trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: trong một điều tra đối với gần 500 SV trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ có 36% SV được khảo sát cho rằng mình đã tìm được những phương pháp học phù hợp với đặc điểm nhận thức của cá nhân; 64% SV còn lại là mơ hồ về phương pháp học.

Đáng lưu ý là SV đã chú ý đến việc xây dựng phương pháp học nhưng gần 2/3 số SV được điều tra đã không làm được điều đó. Tuy nhiên ông Hải cho biết, cũng tại cuộc điều tra này cho thấy nhà trường chưa có phương pháp dạy học tích cực để giúp SV có phương pháp học tập thích hợp. Ví dụ, có tới 88,8% SV muốn bài giảng của giảng viên đề cập đến những tri thức mới không có trong giáo trình; 82,4% SV thích giảng viên hỏi, khuyến khích SV đặt câu hỏi, hướng dẫn SV đào sâu suy nghĩ để hiểu bản chất hơn là thuyết trình suốt cả tiết học...

Một điều đáng lưu ý nữa là có rất nhiều môn mà SV cảm thấy học xong không biết để làm gì. Một phần nguyên nhân do chương trình đào tạo của nhà trường chưa phù hợp thì còn có nguyên nhân quan trọng là SV đã không biết vận dụng kiến thức vào thực tế.           

50% SV phải đào tạo lại

Việc nhà trường chỉ đào tạo những gì mình có chứ chưa đào tạo cái xã hội cần là một thực trạng đáng báo động hiện nay.

Thời lượng thực tập của sinh viên là quá ít

Theo kết quả khảo sát từ đề tài trọng điểm cấp Bộ do trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện, các nhà tuyển dụng phải đào tạo lại cho hơn 50% SV tốt nghiệp, vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Đơn cử trường hợp tuyển dụng của Tập đoàn Intel. Giám đốc kỹ thuật Michael Lương cho biết, đầu năm 2007, tập đoàn này sử dụng bài test đối với 2.000 SV năm cuối tại 5 ĐH lớn ở TP.HCM. Kết quả, chỉ có 90 SV đáp ứng trên 60% yêu cầu theo quy định tuyển dụng. "Chúng tôi cần ở SV kỹ năng thực hành, tính sáng tạo, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc linh hoạt độc lập, hoặc theo nhóm chứ không chỉ những kiến thức lý thuyết", ông Michael Lương nói.

Theo TS Trần Lương Sơn, Giám đốc Công ty Vietsoftware: khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty đó là tuyển được nhân lực. Sau mỗi lần tuyển dụng, công ty thường mất từ 3 - 6 tháng để đào tạo lại nhân viên, kể cả những người từng tốt nghiệp tại những trường “top”. Những năm đầu thành lập, tiêu chí tuyển nhân lực của Vietsoftware là tiếng Anh phải tốt và quy định khi vào công ty là giao tiếp bằng tiếng Anh, e-mail bằng tiếng Anh, nói chuyện với đối tác cũng bằng tiếng Anh. Nhưng qua thời gian, cho đến bây giờ, ông Sơn cho biết, công ty đang ngày càng “bị” tiếng Việt “hóa”.

Kỹ sư Phan Chí Dũng, Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ PETECH cho rằng, thời lượng thực tập của sinh viên là quá ít. Giáo viên truyền thụ kỹ năng vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp khi nhận SV về phải đào tạo lại để thích hợp với các dự án bởi kiến thức nền của SV khi ra trường chưa chắc. Kỹ sư Dũng đánh giá, SV hiện nay khi ra trường không chỉ yếu về thực hành mà yếu cả về lý thuyết. Kỹ sư Dũng cũng cho biết, có đến 80% SV không hiểu đầy đủ những bài lý thuyết mà mình được học. Cụ thể đối với SV ngành Điện tử, chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao diode phát ra ánh sáng? Hoặc tại sao anten lại biến dòng điện cao tần ra điện từ trường và biến từ trường thành dòng điện cao tần?... thì chỉ có 1% số lượng SV được hỏi trả lời tương đối đúng!

Thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực tế

Theo đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, Công ty Sadaco, Ngân hàng Eximbank..., SV mới ra trường thường quá hãnh tiến hoặc quá tự ty, mặc cảm do thiếu các kỹ năng "mềm" bổ trợ công tác chuyên môn; khả năng bắt nhịp vào thực tế nghề nghiệp chậm. Nhiều tân cử nhân không thực hành được những kỹ năng cơ bản như sử dụng các thiết bị, vật dụng văn phòng, soạn thảo văn bản...

Ông Đỗ Đăng Khoa, đại diện Ngân hàng Eximbank phân tích, nội dung và lĩnh vực đào tạo trong nhà trường còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với sự chuyển động của doanh nghiệp. Các ĐH cần nghiên cứu đổi mới chương trình theo chuẩn quốc tế kết hợp thực tiễn tại Việt Nam. "Chương trình ĐH cần nâng cao thời lượng thực hành, giảm lý thuyết, tăng tính ứng dụng", ông Khoa kiến nghị.

Tại buổi ký kết các văn bản thỏa thuận đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội, do ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức, hầu hết đại diện doanh nghiệp đề nghị các ĐH-CĐ nên tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, sắp xếp chương trình thực tập sớm cho SV. Các đơn vị này cho rằng được tiếp xúc với lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sẽ giúp SV có thêm kiến thức không nằm trong chương trình chính khóa. Việc được thực tập sớm sẽ giúp SV dạn dĩ hơn khi đi làm.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.