Cô giáo Nhật ở VN

25/11/2009 22:46 GMT+7

Michiko và Hisane đang là tình nguyện viên hợp tác hải ngoại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hoạt động tại VN, tham gia giảng dạy môn thể dục và mỹ thuật theo chương trình của Bộ GD-ĐT cho học sinh tiểu học tại Bắc Giang.

Michiko - "Hãy dùng nó nhé!"

Hơn một năm nay, người dân cạnh trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang) đã quen với hình ảnh cô giáo người Nhật gặp ai cũng đứng lại “sửa mình” ngay ngắn rồi cúi chào lễ phép bằng tiếng Việt. Đó là cô Michiko.

Trước khi sang VN, Michiko từng là giáo viên trường Trung học Sakae và trường Tiểu học Kutsukake (đều ở thành phố Toyoeke, tỉnh Aichi). Trong số các quốc gia JICA triển khai tình nguyện viên, Michiko “chấm” VN vì một lý do đơn giản là đến đất nước này, cô sẽ được trực tiếp đứng lớp giảng bài cho học sinh chứ không đơn thuần chia sẻ phương pháp giảng dạy cho đồng nghiệp, nếu như chọn quốc gia khác.

Tiếp xúc với chúng tôi, cô Hoàng Thị Minh, Hiệu trưởng trưởng Tiểu học Tân Mỹ, kể: “Không khí lớp học có Michiko đứng lớp bao giờ cũng vui nhộn, thoải mái nhưng vẫn đảm bảo sự tập trung say sưa theo dõi của học sinh”. Theo cô Minh, trước đây nhà trường không có giáo viên chuyên môn cho hai môn học thể dục và mỹ thuật. Để đảm bảo chương trình, giáo viên bộ môn khác phải kiêm nhiệm hai môn học này. Do có chuyên môn từ Nhật Bản nên Michiko được phân công giảng dạy 14/23 tiết học/tuần.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ, Michiko thích nghi với công việc rất nhanh. Chứng kiến một giờ học thể dục ngẫu nhiên, không hề được sắp đặt, các nhóm học sinh khác nhau thực hiện rất ăn ý từng động tác thể dục theo hướng dẫn tỉ mỉ của Michiko. Thì ra, trong chiếc ba lô Michiko khoác trên vai mỗi lần đến trường là vài quả bóng ném, mớ dây cao su cho học sinh nhảy dây khởi động, vài chiếc mũ đồng phục dùng chia nhóm trong lớp học, vài ba xấp giấy gấp dành cho môn mỹ thuật...

Michiko tự bỏ tiền mua tất cả dụng cụ phục vụ học sinh. Cứ mỗi lần, bạn bè người thân sang thăm, trong ba lô thế nào cũng có một, hai gói kẹo Nhật Bản chia cho từng học sinh.

Chia tay chúng tôi, Michiko dúi vào tay mỗi người một tờ rơi và khẽ nói: "Hãy dùng nó nhé!". Đọc tờ giấy mới biết, “cô giáo Nhật Bản” đang tiếp thị cho hai loại bánh quy do người nông dân Thái Bình tự làm và nón lá làm thủ công tại tỉnh Phú Thọ. Michiko có hai người bạn đang làm tình nguyện tại hai tỉnh này.

Hisane hướng dẫn học sinh dán hình các con vật

Hisane - phải sống thật có ích!

Quyết định sang VN làm tình nguyện của Hisane đã nảy sinh trong một hoàn cảnh đặc biệt. Khoảng 6 năm về trước, Hisane bị ốm nặng, hai lần phải phẫu thuật não. Chi phí phẫu thuật quá lớn, gia đình không kham nổi. Thời gian nằm viện, có rất nhiều người Hisane chưa từng gặp mặt, tìm tới bệnh viện động viên, cho tiền chữa bệnh. Nhờ số tiền mọi người quyên góp, Hisane được cứu chữa kịp thời. Sau khi ra viện, Hisane tự nhủ,  bản thân phải sống thật có ích. Suy nghĩ như thế nên khi sức khỏe ổn định, Hisane âm thầm gửi hồ sơ cho JICA xin sang VN làm tình nguyện, dù có phải chấm dứt công việc đang có ở Nhật Bản. Ước nguyện của Hisane trở thành hiện thực, JICA thông báo Hisane  được tiếp nhận làm tình nguyện viên dạy học tại trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, TP Bắc Giang.

Thời gian làm việc chưa dài, nhưng cách tổ chức lớp học của Hisane để tạo không khí thoải mái, thân thiện giữa học sinh và cô giáo đang được nhiều giáo viên trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên quan tâm. “Không những thế, Hisane thường chủ động tìm gặp hiệu trưởng, chân thành đóng góp ý kiến. Đó là điều rất ít khi xảy ra nếu là giáo viên VN”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên cho biết.

Từng tham dự khóa tập huấn về phương pháp dạy học của nền giáo dục Nhật Bản, và với mong muốn giáo viên trường mình có cơ hội học hỏi phần nào, năm học 2004 - 2005 nhân có dự án hợp tác giáo dục giữa VN và Nhật Bản, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên chủ động viết đơn gửi văn phòng JICA tại VN để “xin” tình nguyện viên về trường giảng dạy. Chính tinh thần cầu thị đó của người đứng đầu nhà trường là một trong những động lực thôi thúc Hisane đem hết sức mình ra truyền thụ lại những kinh nghiệm sư phạm tích lũy được từ môi trường giáo dục Nhật Bản cho các đồng nghiệp và học sinh VN.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.