Cô đơn trong chính nhà mình

17/06/2011 15:33 GMT+7

Điều kiện sống ngày một nâng lên nhưng xu hướng trẻ cô đơn, có khoảng cách lớn với bố mẹ ngày một tăng. Điều này không có lợi cho sự phát triển nhân cách của vị thành niên, gây ra những hệ lụy đau lòng.

Không muốn sống trong gia đình

Một nam sinh lớp 10 tại Hà Nội lập topic tìm cha mẹ nuôi trên mạng trong khi người sinh ra cậu là những trí thức hoàn toàn khoẻ mạnh. Nam sinh này viết: “Chỉ vì con đi học nhảy mà bố chửi, mắng con. Chỉ vì con biết guitar, biết ảo thuật, bóng rổ mà bố mẹ mắng con bởi vì bảo rằng đó là lý do con học kém. Bố còn bảo những nhóm nhảy ở Hà Nội là những nhóm du côn, bọn vô văn hóa. Thử hỏi bố nói thế có ai chịu được không? Giờ đã vào hè, con đã xin phép bố mẹ đi chơi thể thao, nhưng bố mẹ cấm. Sao bố mẹ không hiểu con. Giờ con không muốn ở trong gia đình như thế nữa. Việc học của con đến nơi đến chốn. Nếu cha mẹ nào có thể cho con ở nhờ một thời gian, để bố mẹ con hiểu được con thì con xin cảm ơn. Mong có người chấp nhận quyết định này bởi con đã suy nghĩ rất kĩ”.

Hằng, nữ sinh lớp 11 ở Yên Bái kể, cô thường bị bố mẹ mắng nhiếc và đánh đòn mỗi khi họ không vừa lòng chuyện làm ăn. Cô tủi thân mỗi khi đến nhà các bạn chơi và ước rằng đấy là bố mẹ mình vì điều rất đơn giản: “Bố mẹ bạn nói chuyện với bạn ấy xưng “bố/mẹ - con”. Ở nhà tôi chỉ có “tao – mày”.

Hằng kể, ngay từ nhỏ nếu cô làm việc gì sai, mẹ cô không bao giờ phân tích cho cô hiểu sai ở đâu mà việc đầu tiên đánh đòn. Ngay cả lần đầu tiên cô trở thanh thiếu nữ, Hằng hoảng sợ nhưng không thể tâm sự, không nói cho mẹ biết. Cô tự vượt qua lo lắng, sợ hãi bằng những gì tự biết. “Chưa bao giờ mẹ trò chuyện với con. Bố mẹ biết không, con rất sợ khi phải về nhà. Con không muốn về vì con thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình. Khi đi học con rất năng nổ, vui vẻ, nhưng bước chân về nhà thì dường như con trở thành con người khác, buồn bã, cô đơn và rất ức chế. Con lầm lì, ít nói, hay cãi và luôn tìm cách chống đối lại bố mẹ. Chính vì vậy, bố mẹ và con khoảng cách ngày càng xa nhau hơn. Con hiểu rằng bố mẹ rất thương con nhưng bố mẹ quá vất vả. Con biết con cái không được lựa chọn bố mẹ”, Hằng viết.

Theo công bố mới đây của điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2), có những khía cạnh trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không có lợi cho sự phát triển nhân cách của vị thành niên. Có tới 41% vị thành niên “đồng ý” và 29% “đồng ý một phần” với nhận định “lúc khó khăn bạn cảm thấy nói chuyện với người ngoài dễ hơn với người trong gia đình”. Xu hướng khó tâm sự, chia sẻ giữa cha mẹ với con cái ngày càng gia tăng.
N.N.H, nữ sinh lớp 9 ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) luôn bị mẹ hắt hủi bằng những câu: “Cái ngữ mày”; “Nuôi bò cũng không tốn như mày”. Chiếc áo đồng phục đã chật, H xin mẹ 40 ngàn đồng mua áo liền bị mẹ trừng mắt lên: “Tiền, tiền. Lúc nào cũng tiền. Ngu như mày thì cần gì phải mặc đẹp. Tiền ấy để tao mua cám cho lợn còn giá trị hơn là nuôi cái ngữ mày”. Hân rơm rớm nước mắt: “Nhưng cái áo mẹ mua cho con đầu năm học lớp 8, bây giờ đã chật rồi, con không mặc vừa nữa”. Mẹ Hân đập mạnh tay xuống bàn: “Không phải cãi lại. Cố mặc cho hết năm nay rồi nghỉ. Mua cái mới, năm sau không học, để cho phí à?” Sáng hôm sau không thấy con đi học, cả nhà đi tìm, thấy mảnh giấy để trên bàn: “Mẹ. Con học dốt nhưng con vẫn là một con người - biết suy nghĩ và hành động. Con dù ngu thì con vẫn là con của mẹ. Xin hãy hiểu con dù chỉ 5% thôi cũng được. Đừng bao giờ tìm con”.

Nỗi khổ con nhà giàu

H.L.M, 14 tuổi, con trai ông chủ tập đoàn H.P nổi tiếng cho biết cậu đang rất chán đời. Vì hết sức chịu đựng nên cậu đăng ký thành viên trên website lamchame kiếm sự chia sẻ. “Cuộc sống của con nhà giàu thật chả vui vẻ chút nào. Nhà cách trường có mấy dãy phố, là con trai học lớp 9 rồi mà bắt người đi kèm. Cháu đi đá bóng với bạn, đi tham quan cùng cả lớp cũng có chú lái xe kè kè bên cạnh. Một lần cháu bắt xe ôm đến chỗ học thêm, bố mẹ cháu phi xe tới giữa sân chửi um tỏi khiến cháu mất mặt và phải nghỉ học mấy ngày vì xấu hổ. Cháu không muốn sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng giống nhà tù thế này. Cháu phải làm sao, các cô chú ơi?”

Trong cuốn nhật ký có tiêu đề Con ghét mẹ, T.V, cô nữ sinh lớp 11 trường chuyên có tiếng Hà Nội tâm sự: “Chắc chắn khi lớn lên con sẽ không bao giờ DẠY CON như cách của mẹ, bỏ bê các con muốn sống chết, ăn uống như thế nào cũng mặc. Con sẽ không bao giờ ĐỐI XỬ với con như cách của mẹ, suốt này chửi rủa, xúc phạm con cái trước mặt bao người. Lúc này con đang rất ức chế, con xin lỗi mẹ nhiều nhưng con chỉ muốn nói: “CON GHÉT MẸ, CON GHÉT MẸ, CON GHÉT MẸ VÔ CÙNG, CON GHÉT MẸ...”.

Cậu học sinh 13 tuổi ở thành phố Vũng Tàu than thở: “Bố mẹ tui rất khó tính. Dù chỉ là một việc nhỏ nhặt cũng có thể lên tiếng la mắng. Có nhiều trường hợp tui coi là quá đáng. Ví như cất chén đĩa làm đụng vào nhau gây tiếng động cũng chửi. Nhiều lần vì quá bức xúc nên tui nghĩ mình sinh ra chỉ để sai khiến, bố mẹ chửi bới cho sướng! Tối hôm rồi tui xin đi đưa thằng bạn cuốn sách để chúng tôi cùng học thì bố mẹ bảo là lấy lý do đi chơi. Thế mà chửi tui tới số rồi bắt viết bản kiểm điểm. Vô lý! Tui suy nghĩ hay bây giờ đi kiếm nhà nào cần ô sin rồi xin ở đó làm không công. Nuôi ngày 2 bữa cơm cho xong đời...”.

Lắng nghe rất nhiều câu chuyện của giới trẻ, một quản trị mạng của trang web lamchame thốt lên, thời nay có quá nhiều điều khiến trẻ rơi vào cô đơn, khó khăn mà không biết chia sẻ với ai. Con nhà nghèo có nỗi khổ con nhà nghèo, con nhà giàu cũng chẳng sung sướng gì.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.