Chuyện từ cổng làng

21/02/2010 17:54 GMT+7

Nhóm học trò cũ - cùng qua thời phổ thông, đang ngồi trên ghế giảng đường đại học có “mẫu số chung” là... nghèo, kiếm cái chữ trầy lên trật xuống - mời tôi dự liên hoan với tư cách là thầy giáo năm xưa. Vợ tôi can, rằng thanh niên bây giờ uống rượu như cọp, anh mà đi, chắc chết! Sẵn có chút “ga” từ đám tất niên của một người bạn, tôi “hiên ngang”: “Canh Dần mà em, không vào hang cọp sao bắt được cọp?”.

Không gian bữa tiệc cho tôi một cảm giác bình yên: quán cóc ven đường, cách không xa cổng làng với lũy tre xanh. Sau mấy cốc bia tươi nhắm với bánh phồng tôm, câu chuyện lan man về những vui buồn quê kiểng, chuyện học hành trên phố, chuyện cơm áo gạo tiền và chuyện Tết. Tôi im lặng nghe và ghi nhớ, thỉnh thoảng “phỏng vấn” bằng những lời hỏi thăm, trao đổi và chia sẻ. Những gì tôi tốc ký trong đầu chỉ là những chắp vá rời rạc, nhưng cũng đủ “vẽ” lên từng số phận, từng mảnh đời, những tâm hồn đẹp và những kỳ vọng của lớp trí thức xuất thân từ mái chèo và gốc rạ.

Q., SV năm thứ nhất ngành xây dựng, từng theo anh trai làm phụ hồ 2 năm, ban ngày “đánh bạn” với xi măng, sắt thép, tối về chong đèn học đến 2 giờ sáng. Cha mẹ Q. nhỏ nhiều giọt mồ hôi trên hai sào ruộng bạc màu nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh “đói nghèo trong rơm rạ”. Q. phải bươn chải từ rất sớm, vừa phụ giúp gia đình vừa nuôi mộng lớn bước vào cổng trường đại học, mơ được rày đây mai đó với màu áo xanh công nhân để xây nên những tòa nhà to đẹp. Tết Q. cũng bị “kẹt” tại một công trình xây dựng ở Bình Dương. Nào phải với tư cách là quản đốc hay chỉ huy công trường to tát gì cho cam, mà người ta thuê chàng kỹ sư tương lai này trông coi kho vật tư trong những ngày trước và sau Tết. Q. ừ ngay, vậy là lỗi hẹn với Tết quê nhà. Q. mạnh tay tạm ứng một triệu rưỡi tiền lương, gửi một triệu đồng về cho mẹ sắm sửa Tết.

Ở cái làng “nửa chèo nửa cuốc” này, dù đó đây vẫn còn lởn vởn bóng khổ nghèo nhưng số thanh niên lên phố học đại học ngày một nhiều. Cũng lạ, hầu hết những điểm sáng học hành đều thuộc diện con em của những gia đình neo đơn, thậm chí có cả những gia đình “ăn bữa trưa lo bữa tối”. Có lẽ cái nghèo không làm nhụt nổi cái chí vượt thoát, khát khao lập nghiệp của đám trai làng.

Nhiều tin vui còn đến trong buổi liên hoan: chính quyền đang chuẩn bị buổi giao lưu với SV nhân dịp đầu xuân. Từ diễn đàn này, những trí thức trẻ sẽ bộc lộ nguyện vọng, suy nghĩ, dự định của mình với quê hương. Vui hơn nữa là tin thể thao: Chiều mùng 3 Tết diễn ra trận bóng đá giao hữu giữa đội SV “làng ta” và đội tuyển thanh niên “làng mình”. Thanh Chi, cựu SV trường ĐH Bách khoa, cho biết: anh chị em SV và cựu SV đang học tập và sinh sống tại TP.HCM dù còn nhiều khó khăn vẫn động viên nhau lập quỹ khuyến học dành cho thế hệ đàn em ở quê nhà, coi như đó là bàn tay ấm áp dắt các em trên con đường học tập.

Tôi xúc động khi biết rằng trong số tiền nhỏ ấy có giọt mồ hôi của những SV vì lận đận áo cơm mà phải chấp nhận những mùa xuân xa xứ. Từ cổng làng đi ra rồi lại đau đáu ngày về, tình yêu làng xóm, quê hương của những SV nông thôn nhiều khi chỉ mộc mạc và giản đơn như thế.

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.