Cho con cơ hội vượt khó

07/04/2012 09:57 GMT+7

Không ít ông bố bà mẹ nhận thức cuộc sống là chuỗi thành công và thất bại. Tuy nhiên, do quá kỳ vọng vào con cái, nhiều người không chấp nhận việc con mình bị thua cuộc hay vấp ngã.

Không ít ông bố bà mẹ nhận thức cuộc sống là chuỗi thành công và thất bại. Tuy nhiên, do quá kỳ vọng vào con cái, nhiều người không chấp nhận việc con mình bị thua cuộc hay vấp ngã.

 
Cho trẻ “vượt qua chính mình” bằng cách thử những trò chơi mạo hiểm một chút nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn - Ảnh: T.T.D.

Vì thế, các bậc phụ huynh thường tìm kiếm các phương pháp dạy con đạt được cái này cái kia mà quên không dạy cho trẻ cách đối mặt khi vấp ngã. Hậu quả là khi gặp phải thất bại, con trẻ thường có những biểu hiện tâm lý như hằn học, bi quan, tức tối, ấm ức, trầm trọng hơn trẻ sẽ bị suy sụp tinh thần dẫn đến trầm cảm. Như vậy, thái độ chấp nhận thất bại và thua cuộc cũng cần phải học.

Tính cách hình thành từ tuổi ấu thơ

Một lần người viết nghe được chuyện của phụ huynh em Hoàng An 14 tuổi (Biên Hòa, Đồng Nai): “Tuy đã học lớp 7 nhưng An không thể tự tham gia trò chơi cùng nhóm bạn, ở nhà không thể tự làm vệ sinh cá nhân, trước khi đến trường vẫn phải có người giúp việc thay đồng phục. Khi gặp khó khăn trong học tập, sinh hoạt thì hay khóc lóc, than phiền, cầu cứu sự giúp đỡ của người lớn”...

Trường hợp của Thi Nga (Dĩ An, Bình Dương) thì ngược lại. Nga học lớp 9, gia đình khó khăn hơn so với bạn bè, cha mẹ làm công nhân cho một công ty. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình Nga đều đảm nhận và hoàn thành khá tốt, từ việc kèm em học tập đến cơm nước, giặt giũ, đi chợ, và nhiều năm liền Nga còn đạt học sinh giỏi.

Dưới góc độ tâm lý, thời thơ ấu có vai trò hết sức quan trọng đối với sự hình thành những đặc điểm tâm lý cá nhân, có thể quyết định nét tính cách riêng biệt, tạo ra mỗi đứa trẻ những kiểu nhân cách. Theo luận thuyết này, những bạn trẻ thời ấu thơ được cha mẹ rèn tính tự lập thì sau này sẽ thích ứng với những thất bại, gian truân, đồng thời cũng hình thành tính kiên cường, dũng cảm, biết vượt qua thất bại để vươn lên. Ngược lại, ở những trẻ trong mấy năm đầu đời được chăm bẵm quá mức, không bao giờ tự giải quyết khó khăn, sẽ hình thành thói quen dựa dẫm, ủy mị, lo sợ, mất niềm tin, mất dũng khí, không có khả năng tự đề kháng cũng như độc lập giải quyết vấn đề. Và như vậy trẻ dễ hình thành tính nhu nhược khi trưởng thành.

Học cách chấp nhận thất bại

Để cùng trẻ đối mặt thử thách, nếm trải mùi vị thất bại, các bậc cha mẹ cần:

1. Tạo ra những tình huống phức tạp (tùy tâm lý lứa tuổi của trẻ), hãy để bé trải nghiệm, rèn luyện sự gian khổ một chút trong các tình huống đó (có sự kiểm soát của người lớn). Việc làm này giúp trẻ nhận thấy cuộc sống không chỉ toàn màu hồng với những thuận lợi, mà còn chứa đựng khó khăn, trở ngại. Quan trọng hơn, điều này hình thành cho trẻ sự tự tin, dũng cảm, không ngại khó ngại khổ, lạc quan trước mọi tình huống, biết suy nghĩ tích cực.

2. Khi gặp thất bại, cha mẹ cần để trẻ tâm sự, giãi bày những nguyên nhân khách quan và chủ quan, giúp trẻ suy nghĩ nghiêm túc về các nguyên nhân đó. Đặc biệt, không quát tháo ầm ĩ, đổ lỗi thất bại là hoàn toàn do trẻ. Cùng gợi ý cho trẻ thấy nguyên nhân chủ quan trực tiếp gây ra thất bại để trẻ thấy được trách nhiệm của bản thân.

Cha mẹ giúp trẻ nhận ra trước thử thách trong cuộc sống, thất bại hay thành công là chuyện bình thường. Đừng để trẻ quá luyến tiếc đến việc đã thất bại, dẫn tới thái độ cay cú, hiếu thắng trong những việc làm sau đó. Chỉ dẫn cho trẻ thấy làm sai một bài toán hay bị điểm kém là thất bại, vậy trẻ phải làm sao. Cha mẹ giao nhiệm vụ mà không hoàn thành là thua cuộc. Qua đó cha mẹ xem xét thái độ, hành vi trẻ phản ứng và có cách định hướng để trẻ vượt qua được thất bại, hoàn thành tốt những việc sau này.

3. Thay vì buộc trẻ hoàn thành tốt việc này đến việc khác, các bậc phụ huynh nên đề cập những thất bại ở các mức độ khác nhau. Qua đó hãy lắng nghe cách giải quyết của trẻ và để trẻ đối mặt với sự thua cuộc. Đó chính là một trong những kỹ năng cần thiết trẻ phải hình thành. Đồng thời, trẻ sẽ phát triển được các phẩm chất như thận trọng, tỉ mỉ, chu đáo hơn trong khi làm việc.

4. Mạnh dạn cùng trẻ thể hiện khả năng trên những lĩnh vực khác có cơ hội thành công hơn. Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, nếu trẻ không thành công ở lĩnh vực này thì cha mẹ chớ bi quan, có thể trẻ sẽ gặt hái thành công ở lĩnh vực khác. Chẳng hạn, cha mẹ muốn con trở thành nhạc sĩ hay ca sĩ đã cho trẻ học nhạc. Qua một thời gian, trẻ không chơi được một bản nhạc đơn giản nhất cũng không nên bi quan, có thể cho con thử thách với môn vẽ biết đâu trẻ có năng khiếu hội họa.

Một lần nữa, người lớn cần biết lắng nghe để biết trẻ thích làm gì. Nếu bắt đầu từ sở thích của trẻ sẽ giúp trẻ hạn chế những thất bại không đáng có.

Không để con thua cuộc quá nhiều

Một trách nhiệm quan trọng của phụ huynh là đừng để trẻ đối mặt quá nhiều với thất bại. Khi trẻ toàn gặp phải thua cuộc sẽ thường trơ lỳ, khó bảo, nhụt chí, tự ti về bản thân, không hứng thú để phấn đấu. Tùy thuộc khí chất của từng đứa trẻ để tạo những tình huống thử thách cho phù hợp. Bởi cùng một lứa tuổi nhưng trẻ có khí chất linh hoạt vẫn dễ dạy bảo hơn đứa trẻ ưu tư.

Với một đứa trẻ có khí chất nóng nảy, thường hấp tấp, vội vàng thì cha mẹ thường xuyên xen kẽ các tình huống khó ở các mức độ khác nhau để rèn luyện cho trẻ khả năng kiềm chế, cân nhắc khi đưa ra quyết định cuối cùng. Sau một chuỗi khó khăn nếm trải, trẻ sẽ phản ứng điềm đạm và bình tĩnh hơn.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.