Chính sách giúp nhân tài phát huy năng lực tối đa

13/10/2015 07:33 GMT+7

Trí thức trẻ VN ra nước ngoài học tập khi trở về quê hương làm việc thì cơ sở hạ tầng KHKT trong nước không giúp họ phát huy hết kiến thức đã học. Do vậy, cần chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng, điều kiện làm việc để thu hút người tài về nước và phát huy tối đa năng lực của họ.

Trí thức trẻ VN ra nước ngoài học tập khi trở về quê hương làm việc thì cơ sở hạ tầng KHKT trong nước không giúp họ phát huy hết kiến thức đã học. Do vậy, cần chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng, điều kiện làm việc để thu hút người tài về nước và phát huy tối đa năng lực của họ. 

Sinh viên đóng góp ý kiến Dự thảo Văn kiện ĐH Đảng lần thứ XII - Ảnh: P.HậuSinh viên đóng góp ý kiến Dự thảo Văn kiện ĐH Đảng lần thứ XII - Ảnh: P.Hậu
Đó là ý kiến của nhiều giảng viên, trí thức trẻ và sinh viên tại Hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo Văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XII, do T.Ư Đoàn tổ chức ngày 12.10 tại Hà Nội.
Khuyến khích du học sinh về nước làm việc
Góp ý cho dự thảo ở nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, bạn Trần Trọng Biên (thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Dược Hà Nội) cho rằng việc thu hút và trọng dụng nhân tài đang cần những chính sách bền vững thay vì riêng lẻ ở mỗi địa phương. Trọng Biên cho rằng VN có lợi thế vì có lượng lớn du học sinh đang học tập ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Nếu trở về nước, đội ngũ này là lực lượng nhân sự quan trọng trong quản trị nhà nước, doanh nghiệp cũng như phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học.
Nhưng trong thực tế, nhiều du học sinh khi học xong tìm đường ở lại, không muốn về nước. Chảy máu chất xám đang là thách thức lớn với đất nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của dân tộc. Dẫn chứng ngay trong số 13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia thì có đến 12 người đã ở lại nước ngoài làm việc. “Cơ chế đãi ngộ nhân tài dù đã được quan tâm nhưng chỉ mang tính riêng lẻ, do địa phương đề ra tùy theo tình hình, điều kiện của mỗi nơi. Cần có chính sách quốc gia ở tầm vĩ mô, bền vững và thống nhất, có khả năng khuyến khích những người tài, có năng lực thực sự ở nước ngoài về nước làm việc”, Biên đề xuất.
Giảng viên Trường đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ Diệp Bình Nguyên cho rằng môi trường làm việc với cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu và yếu đang là trăn trở của nhiều tài năng trẻ. Theo Bình Nguyên, có nhiều trí thức trẻ hăm hở từ nước ngoài về VN làm việc nhưng sau đó họ lại xách ba lô ra nước ngoài, vì môi trường làm việc chưa thể giúp họ ứng dụng và phát triển kiến thức đã học. “Dự thảo phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm tới nếu xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ thì cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, đưa VN trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, tạo môi trường tốt phục vụ nghiên cứu khoa học là giải pháp tốt nhất thu hút trí thức trẻ tài năng trở về nước làm việc”, anh Nguyên nói.
Tăng mức đầu tư, hỗ trợ giáo dục
Kiến nghị Đảng, Nhà nước cần có chính sách nhất quán trong đổi mới giáo dục đào tạo cung cấp cho đất nước đội ngũ lao động trình độ cao, Ngô Thu Trang, thủ khoa tốt nghiệp Khoa Luật Trường đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng học phí đang trở thành gánh nặng của học sinh, sinh viên ở nhiều cấp học.
Theo Thu Trang, nếu so về tốc độ tăng học phí với chính sách của Chính phủ đang áp dụng hỗ trợ cho sinh viên, học sinh nghèo vay mức trên 1 triệu đồng/tháng thì khoản vay này không thể đáp ứng được chi phí học tập, chưa nói đến sinh hoạt. “Cần gia tăng mức đầu tư, hỗ trợ của ngân sách nhà nước vào giáo dục để đảm bảo quyền học tập của mọi công dân đã được quy định trong Hiến pháp, cũng như có thêm các chính sách hỗ trợ tương xứng trên mức sống bình thường giúp sinh viên, học sinh nghèo tiếp cận các cơ hội học tập”, Trang kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.