Chiến dịch 350.org

21/09/2011 17:01 GMT+7

Với nhiều hoạt động khác nhau, hơn 2.000 bạn trẻ đến từ hơn 16 tỉnh thành trên cả nước cùng chung tay tham gia chiến dịch 350.org toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Theo Nguyễn Thanh Ngân, thành viên Ban Điều phối nhóm tình nguyện viên 350.org tại Việt Nam, chiến dịch đã thu hút hơn 10.000 chữ ký ủng hộ 350.org và cam kết hành động vì một tương lai bền vững hơn. “Đây là cơ hội tốt giúp người dân hiểu và có trách nhiệm hơn với môi trường, đồng thời kéo gần khoảng cách giữa 350.org và cộng đồng hơn nữa”, Thanh Ngân cho biết.

Từ ngày 5.9 đến nay, chiến dịch đã vận động hơn 1.000 quán cà phê trên toàn quốc ký cam kết hạn chế sử dụng và cho thu gom ống hút nhựa trong “Tuần lễ không ống hút nhựa”. Tổ chức cuộc thi ảnh “Ấn tượng 350 - Chung tay chống biến đổi khí hậu” cổ động mọi người ghi lại khoảnh khắc hưởng ứng chiến dịch 350.org, với những hoạt động không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một hoạt động khác là sản xuất quà lưu niệm thủ công từ vật liệu tái sử dụng vì môi trường, hướng đến mục tiêu hình thành ý thức về tái chế từ những sản phẩm đã bỏ đi thành những vật dụng hữu ích.


Thành viên 350.org dán giấy tạo logo của chiến dịch - Ảnh: CTV

Nguyễn Hồng Anh Khoa, Trưởng nhóm điều phối miền Trung cho biết, chiến dịch 350.org đã thu hút được trên 200 tình nguyện viên, thực hiện nhiều hoạt động như làm album gồm 350 tấm ảnh chụp xếp hình con số 350 tại Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam gắn liền với các di sản thế giới như thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế, phố cổ Hội An… Đây là món quà đặc biệt gửi đến bạn bè quốc tế về một chiến dịch 350.org tại Việt Nam. Ngoài ra, thông tin về biến đổi khí hậu và 350 cùng ngày sự kiện “Hành tinh chuyển động” sẽ đến gần với người dân Đà Nẵng một cách thân thiện nhất thông qua các video phát thường xuyên trên các màn hình LCD trên xe buýt.

Tại Hà Nội, 350.org tổ chức chương trình “Green Pause” kêu gọi người tham gia giao thông bằng xe gắn máy tắt máy khi dừng đèn đỏ trên 20 giây; tuyên truyền, nâng cao ý thức về cách sử dụng phương tiện giao thông để bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu lượng CO2 độc hại thải ra.

Tại TP.HCM, 350.org thực hiện dự án “Thu gom giấy” nhằm quyên góp tất cả các loại giấy không còn sử dụng từ các tình nguyện viên, các cơ quan nhà nước, trường học, hộ dân, các công ty, văn phòng… để sau đó tập trung về Công ty giấy Sài Gòn tiến hành tái chế, góp phần giảm lượng cây bị đốn cho việc sản xuất giấy. 350.org cũng đã thực hiện dự án “Tháng hành động vì màu xanh học đường”, “Trường học và 350.org”, “Hành động nhỏ, giá trị lớn”… nhằm tuyên truyền, phát động thu gom giấy, sinh hoạt ngoại khóa chủ đề môi trường, hướng dẫn làm túi giấy và tái chế các loại giấy tại trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), TH Đoàn Thị Điểm (Q.1). Được biết, đây là sự kiện cho chuỗi hoạt động dự kiến sẽ đi qua 30 trường học các cấp trên cả nước từ nay đến hết tháng 10.2011.

Vào ngày sự kiện chính 24.9 - “Moving Art - Nghệ thuật chuyển động vì môi trường”, chiến dịch sẽ phát động trong phạm vi toàn quốc, diễn ra ở cả Hà Nội và TP.HCM với nhiều hoạt động như tham gia đạp xe để hưởng ứng chủ đề toàn cầu là “Ngày hành tinh chuyển động không nhiên liệu hóa thạch”. Có nhiều hoạt động khác hướng tới mục tiêu giảm thải, như làm đồ thủ công từ nguyên liệu tái chế, xếp túi giấy... và nhiều hoạt động như trình diễn trượt ván, trượt patin, xe đạp BMX, múa sạp..., 350 tình nguyện viên với nón lá xếp hình số 350, chung kết cuộc thi “Hip hop và biến đổi khí hậu”, trưng bày bức tranh môi trường khổng lồ làm từ ống hút đã qua sử dụng…

Chiến dịch 350.org là chiến dịch chống biến đổi khí hậu có quy mô lớn nhất toàn cầu. Được khởi xướng từ năm 2007 tại Mỹ. Trong 3 năm qua, chiến dịch đã thu hút hàng triệu người của 188 quốc gia tham gia, trở thành chiến dịch chống biến đổi khí hậu có sức lan tỏa lớn nhất từ trước tới nay. Chiến dịch được đặt tên 350.org, để nhắc đến con số 350ppm (phần triệu) - mức an toàn tối đa cho nồng độ dioxit cacbon (CO2) trong bầu khí quyển theo tính toán mới nhất của các nhà khoa học. Vào thời điểm hiện tại, con số này đang ở mức 393ppm - và những hành động của 350.org trên toàn cầu đều hướng đến mục tiêu cao nhất là đưa lượng CO2 về lại mức 350ppm, để tránh các hậu quả nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra khắp nơi.

Nguyễn Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.