Chàng trai vượt qua quá khứ

24/10/2008 17:07 GMT+7

Bị đuổi học, phải đi tù vì tội thi thuê, cánh cửa như đóng sập trước mặt chàng trai nhà nghèo Phạm Văn Phú. Không gục ngã, "thằng tù" quay về quê và làm nên một bất ngờ...

Tàn một giấc mơ đẹp

Phú nổi tiếng từ thuở còn ngồi trên ghế trường phổ thông vì năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm 1999, Phú vào Khoa Xây dựng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Giấc mơ đẹp nơi giảng đường bắt đầu cùng những tháng ngày đánh vật với cái dạ dày luôn rỗng và thiếu thốn ở đất Hà thành.

Năm Phú vào ĐH cũng là lúc đồng tiền trở nên hiếm hoi trong ngôi nhà nhỏ nghèo nàn ở cuối xóm 13, xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An. Những đồng tiền còm cõi kiếm được từ tấm lưng còng của bố mẹ già gần 70 tuổi  dồn hết cho giấc mơ thành kiến trúc sư của anh trai Phú. Phú ăn học trong cảnh túng thiếu đủ đường. Năm học thứ ba, đang lúc túng quẫn vì túi lúc nào cũng sạch nhẵn, Phú gặp T. ở gần trường, một tay có máu mặt và luôn thể hiện lúc nào tiền cũng rủng rỉnh. T. mở cho Phú một "con đường sống đàng hoàng mà không tốn sức", đó là thi thuê. Tay này thuyết phục rất giỏi và sau buổi gặp gỡ đó, Phú gật đầu nhận lời ngay.

Thời đó, chưa ai bị bắt đi tù vì thi thuê cả, nhưng đuổi học thì có. Không đắn đo, Phú bắt đầu một cuộc mạo hiểm. Cách này đúng là kiếm tiền dễ. Sau mỗi lần thi, Phú được trả công từ 3-5 triệu đồng. Thế nhưng điều Phú không ngờ rồi cũng tới. Lần đó, đang thi hộ cho một thí sinh vào trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang thì bị công an bắt giữ. Đó cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục tuyên chiến với nạn thi hộ, thi thuê. Phú bị bắt, ra tòa và bị tuyên 9 tháng tù giam. Cánh cửa như khép lại trước mặt Phú. Thế là tàn một giấc mơ đẹp!

 
Vợ chồng Phú

Tìm cánh cửa mới

Phú trở thành phạm nhân của trại Kế (Bắc Giang). Hồi còn đi học, Phú quen và yêu cô gái Nguyễn Thanh Trà, người xứ Đoài, là sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế. Mỗi tuần một bận, Trà lặn lội lên tận Bắc Giang để thăm, động viên người yêu. Những cuộc viếng thăm này đã thành động lực cho Phú cải tạo và bớt đơn độc hơn trong chuỗi ngày dài nơi trại giam.

Ra tù, Phú về TP Vinh (Nghệ An) làm thuê kiếm sống. Thương người yêu, Thanh Trà bàn với Phú ra Ứng Hòa (Hà Nội) quê của cô để tìm công việc. Đắn đo mãi vì mặc cảm "thằng tù" vẫn luôn ám ảnh, sau cùng Phú cũng chiều người yêu. Cuối năm 2004, họ cưới nhau. Vợ chồng Phú dự tính sẽ đi xuất khẩu lao động, nhưng lập tức ý định này bị "phá sản" bởi bản lý lịch của Phú đã bị bôi đen vì tù tội.

Thất vọng, Phú xoay sang tìm hướng khác. Vùng quê Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa từ lâu nổi tiếng với nghề mây tre đan và sản xuất tăm hương (nhang). Trong đầu chàng trai 24 tuổi này lúc đó lóe lên tia hy vọng. Cánh cửa mới mở ra trước mắt. Phú về Nghệ An, dò tìm nguyên liệu và phát hiện loài cây lùng có rất nhiều ở rừng Quế Phong, một huyện miền tây Nghệ An, rất thích hợp để làm tăm hương. Mừng nhưng Phú vẫn lo vì có sản phẩm rồi thì bán đi đâu? Những ngày sau đó là cuộc lặn lội dò tìm thị trường, từ Thanh Hóa đến tận Huế và sau chuyến đi này đã gieo thêm niềm hy vọng cho Phú.

Phú về thuyết phục anh em, người quen để vay vốn. Nhiều người nghi ngờ "thằng tù" và tính khả thi của dự án. Phú đành nhờ cả vào người thân và đưa hết danh dự ra để đảm bảo sự thành công. Đầu năm 2005, cơ sở sản xuất tăm hương ra đời với hơn chục triệu tiền vốn. Mảnh sân trước căn nhà nghèo nàn mà cậu từng lớn lên trở thành nhà xưởng. Hai vợ chồng từ đó suốt ngày thâu đêm cần mẫn bên cái máy cưa và con dao để sản xuất tăm hương. Những người hàng xóm cũng bắt đầu được hướng dẫn kỹ thuật làm tăm và nhận về nhà làm.

Tăm hương làm ra bán được, nhưng tính lại vẫn lỗ. Bài toán kinh doanh đúng là không dễ. Mò mẫm phân tích, vợ chồng phát hiện ra khâu chi phí quá lớn và phải tìm cách giảm xuống. Bắt đúng mạch, cây tăm bắt đầu cho lãi, vợ chồng Phú mở rộng quy mô cơ sở. Người dân quanh vùng thấy làm tăm khỏe, mỗi ngày ngồi nhà chẻ cũng kiếm được dăm bảy chục nghìn nên kéo nhau đến xin nhận về làm. Vài chục nhà ban đầu cứ nhân lên nhanh chóng, đến nay sau 3 năm, đã có gần 500 hộ dân của 3 xã nhận làm công chẻ tăm cho vợ chồng Phú. "Nó hay ở chỗ đứa trẻ con cũng kiếm được tiền. Có đứa trẻ mới học lớp 3, mỗi ngày chẻ tăm kiếm được bốn, năm chục nghìn đó anh. Người già cũng làm được. Người dân thích vì họ tranh thủ thời gian rỗi để làm vả lại công việc rất khỏe. Mỗi tháng một người kiếm hơn triệu bạc là cũng ổn rồi"- Phú hào hứng. Cũng vì vậy nên nhiều hội phụ nữ các xã cách đó cả chục cây số cũng đã tìm đến Phú để xin nhận hàng cho chị em trong xã làm.

Sau 3 năm lập cơ sở, vợ chồng Phú đã trở thành ông bà chủ quản lý và điều hành cơ sở này, có được ít vốn, sắm được chiếc ô-tô tải nhẹ dùng để bỏ hàng. Phú đang dự tính sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, mở rộng thêm thị trường, thậm chí sẽ hướng đến xuất khẩu vì hiện tại mới chỉ cung ứng được từ Thanh Hóa đến Huế. Người dân quanh vùng cũng đang hy vọng điều đó, khi mỗi ngày chỉ ngồi ở nhà với con dao chẻ tăm họ cũng kiếm được vài yến thóc.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.