Chàng kỹ sư tật nguyền

03/03/2011 17:54 GMT+7

Đó là Phạm Văn Minh (25 tuổi), ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhà nghèo, Minh là con đầu (nhà có 3 anh em trai), không may vừa sinh ra Minh đã bị tật với đôi chân teo nhỏ, không thể đi lại bình thường được. Minh kể: “Lúc nhỏ thấy bạn bè đi học, em rất thích nhưng đôi chân hoàn toàn không đi được, em đòi mẹ phải chở đi…”. Thương con, dù trời nắng hay mưa, ngày nào mẹ Minh cũng đèo Minh trên chiếc xe đạp cũ đến trường và trở về.

Hành trình những năm gian khó đầy mưa nắng đó được đền đáp bằng những phần thưởng của nhà trường mà Minh mang về cho mẹ vào cuối năm học. Khi Minh lên học cấp 2, thay vào vị trí của mẹ là các bạn học cùng lớp, cùng trường tình nguyện đưa Minh đến lớp. Sang cấp 3, với đôi tay khỏe chắc và ý chí tự lực của chính mình, Minh tự lăn xe tay đi học. Có những năm học ở dãy nhà tầng, không lên cầu thang được nên bạn bè và có lúc thầy cô phải thay nhau cõng Minh lên lầu.

Hè năm học lớp 7, có người giới thiệu Minh vào TP.HCM bán vé số. Thấy mẹ khổ nên Minh cũng liều thử xem sao. Mang cả người và xe lăn vào phương Nam, rong ruổi khắp các đường phố, vui buồn lạ lẫm và khó khăn đủ điều nhưng hết ba tháng hè, Minh tích góp mang về cho mẹ được vài triệu đồng. Cứ thế, hai năm còn lại ở cấp 2, hè nào Minh cũng ở TP.HCM…


Phạm Văn Minh (giữa) trong ngày lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Đào Tấn Trực

Tốt nghiệp THPT, Minh khăn gói đi thi đại học. Ngày nhận giấy báo nhập học, niềm vui nhân đôi nhưng nỗi lo cũng trĩu nặng vì phải xa nhà và tự lực. 5 năm đại học với nguồn trợ cấp tật nguyền ít ỏi (100.000 đồng/tháng) cộng với khoản tiền mẹ gửi cũng chẳng đáng là bao, Minh phải làm thêm nhiều việc… Nhưng dù bận bịu vậy, đến những mùa tuyển sinh đại học, Minh lại hăng hái lên đường làm tình nguyện viên đưa đón những sĩ tử, tân sinh viên lần đầu vào thành phố.

Tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Minh nộp hồ sơ dự tuyển vào Công ty SitiVietNam tại Q.2, TP.HCM. Qua hai vòng phỏng vấn, Minh đã được nhận vào làm đúng với chuyên môn được đào tạo. Hiện nay, mỗi sáng Minh chạy chiếc xe máy độ từ nhà trọ ở Thủ Đức vào quận 2 làm việc. Đến công ty, Minh lại nhờ đồng nghiệp cõng lên cầu thang rồi đi xe lăn vào phòng làm việc. “Em cố gắng làm việc cho tốt, vừa làm vừa nuôi đứa em đang học trong này” - Minh nói và cười tự tin.

Đào Tấn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.