Cá tính với Henna

05/11/2015 08:21 GMT+7

Du nhập VN chỉ vài năm gần đây, loại hình vẽ nghệ thuật (vẽ Henna) đến từ Ấn Độ và Trung Đông đang trở thành trào lưu được nhiều người trẻ tham gia.

Du nhập VN chỉ vài năm gần đây, loại hình vẽ nghệ thuật (vẽ Henna) đến từ Ấn Độ và Trung Đông đang trở thành trào lưu được nhiều người trẻ tham gia.

Tay và chân là hai vị trí yêu thích của các bạn gái trẻ khi vẽ Henna - Ảnh: C.T.VTay và chân là hai vị trí yêu thích của các bạn gái trẻ khi vẽ Henna - Ảnh: C.T.V
Hướng đến nhiều đối tượng
Bị mê hoặc bởi các họa tiết huyền bí trên tay các cô gái Ấn qua internet, nhưng Hoàng Trần Tường Vy (sáng lập trang Henna Tattoo Vietnam) vẫn chưa mường tượng được nó như thế nào cho đến khi được một người bạn tặng một hộp màu vẽ Henna. Từ đó, Henna chính thức trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô bạn 26 tuổi này.
“Sở dĩ Henna được ưa chuộng vì có nhiều ưu điểm như dễ thay đổi tùy theo tâm trạng và sở thích, rẻ tiền, an toàn, thể hiện được cá tính. Còn nhược điểm, Henna có một màu nâu và chỉ lên màu đậm ở tay, chân. Nếu vẽ ở vai hay cổ màu sẽ nhạt, mau phai. Thời gian lưu màu cũng ngắn, chỉ từ 7 - 10 ngày”, Vy cho biết.
Còn Hoàng Anh, copywriter của một công ty truyền thông ở TP.HCM, cho biết cô rất thích xăm nhưng phần bị ba mẹ ngăn cản, phần… sợ đau. “Lần đầu vẽ Henna về mẹ mình cũng nói dữ lắm, nhưng sau đó thấy cũng phai và mình cũng rút kinh nghiệm vẽ hình nào không quá dày đặc. Nhiều bạn mình cũng thích lắm, có khi cả nhóm rủ nhau đi vẽ. Dần dà thì ba mẹ cũng không để ý nữa, có lẽ vì thấy nó đẹp chứ không như thành kiến ban đầu”, Hoàng Anh chia sẻ.
Nguyễn Ngô Ngọc Nga, họa sĩ của Henna Việt kiêm nghề thiết kế đồ họa, cho biết từ khi xuất hiện ở VN, nhiều họa tiết Henna có dáng dấp Việt như: cây tre, cây trúc hoặc hình ảnh trống đồng, họa tiết chim lạc… cũng theo đó ra đời. “Về cơ bản, các hình vẽ Henna truyền thống thường giống nhau vì sử dụng chung các họa tiết cơ bản như paisley (hoa lá cách điệu), thiên nhiên, hình học, con vật... Hầu hết các nơi vẽ đều có mẫu để khách hàng chọn lựa, bán màu để tự vẽ, nhưng họa sĩ nào cũng sẵn sàng sáng tạo theo yêu cầu riêng”, Nga nói.
Dù là nam và sở hữu đến 3 hình xăm thật, nhưng Đức Trung, du học sinh Việt ở Mỹ, rất thích vẽ Henna. Trung cho rằng trào lưu vẽ Henna để “giả xăm” đang thịnh hành. “Bản chất ban đầu của nó là cầu chúc phúc lành đến cho người được vẽ. Hình vẽ thì luôn có ý nghĩa riêng. Nếu thật sự thấy thích thì mình nghĩ nên giữ đúng nguyên gốc của nó, chứ cố gắng mang trên người một “hình xăm giả” cho cá tính thì cũng rất khó ra chất. Thà cứ nói là vẽ cho vui thì hay hơn”, Trung nói.
Không chỉ những bạn trẻ, Henna còn hướng đến nhiều đối tượng “đặc biệt” như mẹ bầu sắp sinh, thậm chí người lớn tuổi. Vy kể rất vui khi được tiếp khách hàng người Ấn vì vinh hạnh được đem lại hương vị quê nhà cho họ ngay tại VN, hay cả đoàn gia đình từ nhỏ đến lớn đi vẽ Henna để tiễn người nhà đi nước ngoài bình an thuận lợi.
Coi chừng mực giả
Ngoài vô số cơ sở vẽ, Henna còn hay xuất hiện như một trong những “đặc sản” của các phiên chợ cuối tuần hay những sự kiện nhắm đến giới trẻ. Sự ào ạt này cũng khiến loại hình này trở nên “vàng thau lẫn lộn”, nhất là nạn mực vẽ giả.
Theo Vy và Nga, việc cập nhật kiến thức tối thiểu rất dễ tìm trên mạng là cách đầu tiên để khách hàng tự bảo vệ mình. “Do sự cẩu thả và hám lợi từ những người kinh doanh dịch vụ vẽ Henna mà nó lệch lạc đi nhiều khi vào VN. Thậm chí người bán mực còn không có chút kiến thức gì về Henna, nên không thể tư vấn đúng đắn cho người mua. Có một số người hoạt động tại các hội chợ, chợ trời phục vụ cho học sinh, sinh viên… mang danh là “họa sĩ Henna” nhưng rất ít khi vẽ được một hình vẽ Henna truyền thống đúng nghĩa và thường xuyên dùng mực Henna giả để vẽ cho khách mà không cảnh báo trước”, Vy khẳng định.
Giá 1 tuýp mực Henna ở VN dao động từ 60.000 - 120.000 đồng. Dù đóng “mác” sản xuất ở nước ngoài, nhưng theo nhiều họa sĩ Henna chuyên nghiệp, một số loại mực có màu xanh, đen, đỏ, cam… phần nhiều là giả.
Dù bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước, nhưng vẽ Henna (chính xác hơn là vẽ Mehndi và Henna là tên loại lá cây chiết xuất mực vẽ) đã khiến nhiều người ngạc nhiên trước sức hấp dẫn và quyến rũ của nó ở nhiều nền văn hóa hiện đại. Ở Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sudan hay Ma Rốc, nghệ thuật vẽ này là một phần nghi thức tín ngưỡng trong ngày cưới, lễ hội, sự chúc phúc trong thai kỳ và niềm vui sum họp. Xuất hiện ở các nước phương Tây từ những năm 1990, vẽ Henna trở nên phổ biến trong giới thanh thiếu niên Mỹ như một trào lưu thời trang khi những hình vẽ này được các ngôi sao đình đám Madonna, Gwen Stefani, Selena Gomez, Rihana... ưa chuộng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.