Bóng đá chân quê

23/07/2010 17:46 GMT+7

Cứ mỗi chiều, giới trẻ Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi lại khai cuộc những trận cầu sôi nổi. Mới đây (18.7), "bóng đá chân quê" ở Phổ Thạnh đã có một trận cầu giao hữu đẹp mắt với đội bóng Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định.

Trận cầu này được khán giả ghi nhận là đã làm "nóng" lên không khí bóng đá của xóm làng sau hơn một tuần World Cup lắng xuống. Cầu thủ "đội nhà" đông quá, nên ai muốn đá với đội "xã ngoài" (khoảng 15 phút) phải nộp 10 ngàn đồng để mua bóng mới, và thế là rất nhiều cầu thủ tranh nhau nộp. Trọng tài Nguyễn Minh Cường thì âm thầm bỏ tiền túi mua vôi, cùng bí thư chi đoàn Lê Tấn Nghĩa giữa trưa đội nắng, rắc vôi các đường biên, khoác chiếc áo mới cho sân bóng khiến khán giả bất ngờ và thích thú. Nghĩa nói lâu lắm rồi mới có trận đấu với xã bạn nên phải tạo cho sân khuôn mặt tươm tất, với lại cũng để tổ trọng tài làm việc chính xác, giảm tối đa những tiếng còi dẫn đến tranh cãi không đáng có.

"Tiền đâu để anh em uống nước trong buổi giao lưu, thể hiện lòng hiếu khách sau trận đấu?". Lo lắng này của đội nhà đã được lãnh đạo xã Đoàn giải quyết ngay bên lề sân cỏ khi trái bóng vừa lăn. Một danh sách "nóng" các khán giả là mạnh thường quân được ghi ngay. Trọng tài Nguyễn Minh Cường cũng cố nhét tờ 100 ngàn đồng vào quỹ dù ban tổ chức không nhận bởi anh đã góp công sức khá nhiều cho trận đấu. Chưa hết hiệp 1, số tiền đóng góp đã gần hai triệu đồng. Một cụ cổ động viên ngồi bệt trên cỏ, vừa bung dù che nắng cho cháu vừa cười hề hề: "Mới đó mà tới mấy triệu đồng lận! Mau thiệt, đúng là thanh niên!".

 
Khán giả theo dõi trận đấu giao hữu - Ảnh: T.C.D

Cái đẹp khỏe khoắn, lành mạnh của thể thao, đặc biệt là bóng đá, đã ít nhiều có tác dụng tích cực đến việc hình thành nhân cách, lối sống của lớp trẻ Phổ Thạnh hôm nay. Trước đây, thanh niên khác làng, có khi khác xóm, lúc có rượu trong người thường hay xích mích, mâu thuẫn, cự cãi rồi giải quyết bằng đấm đá, hung khí dẫn đến trọng thương, thậm chí đã gây ra những cái chết đau lòng. Còn giờ đây, trái bóng tròn đã giúp họ tháo gỡ hiềm khích, xa rời lối sống bàng quan, ích kỷ để xích lại gần nhau. Nhiều khán giả xúc động khi thấy những nhóm thanh niên trước đây "choảng nhau là chính" nay đã biết nở nụ cười thân thiện, nói lời xin lỗi, biết chìa tay ra, nâng đỡ nhau dậy, dắt dìu nhau đi khi có va chạm do tranh bóng quyết liệt. Và không chỉ trên sân cỏ, bóng đá cũng đã khiến các thanh niên - cầu thủ tìm đến với nhau, chủ động kết bạn, giúp nhau vượt qua những khó khăn trong đời sống và góp vốn giúp nhau làm ăn có hiệu quả.

Sẽ không bao giờ tìm thấy trong bóng đá chân quê những cái đầu cúi xuống thiểu não, những bước chân thất tha thất thểu vì thua trận, những cú phang nhau chí tử, những cú đấm thôi sơn như võ sĩ quyền Anh vì bị dẫn bàn, càng không tìm thấy những luồn lót khi đội mình có nguy cơ xuống hạng. Bởi đây là một "nền" bóng đá thuần phác, được làm nên từ tình làng nghĩa xóm, mang dáng dấp cây nhà lá vườn. Vì thế, bóng đá chân quê luôn gắn với những chiều đầy ắp tiếng cười trong sáng, vô tư, hồn nhiên của tuổi trẻ Phổ Thạnh trên sân cỏ sau những giờ lao động mệt nhọc.  

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.