Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc

03/07/2013 10:30 GMT+7

(TNO) Hôm nay (3.7), các thí sinh bắt đầu làm thủ tục cho kỳ thi ĐH-CĐ 2013. Hàng trăm ngàn thí sinh đang hăm hở thực hiện ước mơ của mình. 6 năm trước, Nguyễn Đức Tiến, hiện là sinh viên năm 3 khoa Báo chí - Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng từng như vậy. Nhưng...

(TNO) Hôm nay (3.7), các thí sinh bắt đầu làm thủ tục cho kỳ thi ĐH-CĐ 2013. Hàng trăm ngàn thí sinh đang hăm hở thực hiện ước mơ của mình. 6 năm trước, Nguyễn Đức Tiến, hiện là sinh viên năm 3 khoa Báo chí - Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng từng như vậy. 

Hăm hở với ước mơ của mình nhưng sự bồng bột của tuổi trẻ đã khiến chàng trai này trượt dài đến cùng cực trong lối sống đàn đúm, ăn chơi và sa ngã. Cha mẹ khóc hết nước mắt vì con khi Tiến thi ĐH-CĐ đến 4 lần. Thế nhưng, giấc mơ giảng đường và sự thức tỉnh của “thằng đàn ông” đã giúp Tiến trở thành chàng sinh viên sắp ra trường.

Thanh Niên Online muốn giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện của Nguyễn Đức Tiến như một chia sẻ cho giấc mơ giảng đường của hàng triệu thí sinh trong mùa thi ĐH-CĐ 2013.

Kì 1: Tuổi teen lấy số với rượu chè, cờ bạc

Từng là đứa con ngoan ngoãn của cha mẹ. Là tấm gương học hành cho những đứa trẻ cùng xóm. Nhưng cái tuổi vị thành niên trong 3 năm THPT với nhiều khám phá và những cám dỗ của cuộc sống đã khiến Nguyễn Đức Tiến trượt dài.

Từ đặc biệt đến… cá biệt

Tiến sinh ra và lớn lên ở H.Tuy An, tỉnh Phú Yên thuộc dải đất miền Trung nghèo khó. Quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn và những chuyến ra khơi đầy sóng gió, phụ giúp cha mẹ trong chuyện đồng áng, Tiến thấm thía nỗi khổ cực của những người nông dân.

Suốt những năm học THCS, Tiến luôn đạt thành tích khá giỏi và trở thành niềm tự hào của gia đình và hàng xóm.

Nhưng cuộc sống của Tiến bắt đầu thay đổi chóng vánh khi bước vào học THPT.

Khi ấy, Đức Tiến bắt đầu bỏ bê chuyện học hành, theo đám bạn tập tành nhậu nhẹt, hút thuốc… làm người lớn. Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng cha mẹ Tiến quyết định cách ly đứa con của mình với môi trường sống bê tha. Thế là, Tiến chuyển vào TP.Tuy Hòa với hi vọng thay đổi của cha mẹ…

Ngờ đâu, chốn thành phố hào nhoáng càng khiến Tiến trở nên lì lợm, bê tha.

4 lần thi Đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc 1
SV Nguyễn Đức Tiến (trái) cùng bạn bè trên giảng đường đại học hôm nay - Ảnh: T.L 

Mang cái vẻ khù khờ, quê mùa vào học ở trường một trường dân lập, Tiến trở nên xa lạ trước những ánh mắt săm soi, dò xét của các học sinh thành phố. Tuy cũng có chút bản lĩnh ở quê nhưng so với vẻ “hiện đại” của nhóm học sinh thành thị thì Tiến vẫn là một “thằng nhà quê”.

Tiến luôn khép nép, sợ sệt trước tụi đầu xanh đầu đỏ, xỏ mũi bấm tai trong trường. Thậm chí, nhiều lúc Tiến run sợ đến nỗi… không dám đi vệ sinh khi có tụi giang hồ vặt trong trường đứng đó.

Nhưng số phận “chân đất” của Tiến chỉ kéo dài một năm. Hai năm còn lại thời phổ thông thì… chẳng ai dám nhìn Tiến.

“Danh tiếng” chàng trai quê mùa nhanh chóng nổi khắp trường khi Tiến xác lập kỉ lục nhậu và hút thuốc có tổ chức trong lớp. Đối với việc học thì chỉ có thể dùng từ "bất cần". Chẳng bao giờ Tiến mang nổi cuốn vở đến lớp. Mỗi lần thầy cô dò bài thì chỉ nhận được ba từ ngắn ngọn “Em không thuộc”.

 

Dần dà nhiều thầy cô cũng ngao ngán, bất lực và họ chẳng thèm đoái hoài gì đến cái tên Nguyễn Đức Tiến. Động lực duy nhất để Tiến tới lớp chỉ còn là chút nghĩa vụ với gia đình và được nói chuyện riêng với mấy đứa con gái.

Dần dà nhiều thầy cô cũng ngao ngán, bất lực và chẳng thèm đoái hoài gì đến cái tên Nguyễn Đức Tiến.

Động lực duy nhất để Tiến tới lớp chỉ còn là chút nghĩa vụ với gia đình và được nói chuyện riêng với mấy đứa con gái.

Phòng trọ Tiến trở thành tụ điểm đánh bài, ăn nhậu và cũng là nơi chứa chấp các "chiến hữu". Mỗi dịp cán bộ lớp đến thăm hỏi đều lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy “bô sưu tập” vỏ chai rượu nằm ngổn ngang trong nhà bếp. Đó là dư âm của các cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng của Tiến và những người bạn.

Sau sự kiện sa đà vào nhậu nhẹt, bỏ bê việc học, Tiến bị đình chỉ học một tuần để nhà trường mời phụ huynh lên thông báo, nhắc nhở. Những tưởng như vậy khiến Tiến sẽ sợ nhưng khoảng thời gian đó lại giúp Tiến quen thêm một tệ nạn mới. Tiến lang thang ngoài đường, giao du với một vài đại ca ở các sòng bạc vỉa hè. Số tiền 30.000 đồng/tuần để ăn sáng mà mẹ Tiến chắt góp, tằn tiện trong những ngày bán rau ở chợ không thấm thía vào đâu so với sự ăn chơi của Tiến.

Cuộc sống của Tiến càng trở nên tệ hại hơn khi không tiền mà vẫn mê chơi, chỉ còn cách duy nhất là Tiến vùi mình vào cờ bạc, đề đóm.

Trở thành kẻ lừa đảo

Tiến viện đủ thứ lí do để cha mẹ gởi tiền. Tiền học phí, tiền học thêm ngoại ngữ, tin học… Quanh năm cày ải trên nương rẫy cha mẹ nào biết con hư hỏng, đam mê cờ bạc... Kì vọng quá nhiều vào con nên cha mẹ Tiến vẫn cố chạy vạy khắp nơi để đáp ứng mong muốn nâng cao “trình độ” của con.

Một thời sa đà vào nhậu nhẹt bê tha đã cuốn Nam rời khỏi vòng tay cha mẹ và giảng đường - 2
Một thời sa đà vào nhậu nhẹt bê tha đã cuốn Tiến rời khỏi vòng tay cha mẹ và giảng đường
- Ảnh chỉ mang tính minh họa

Khi ấy, sự yêu thích của Tiến là những con số ma quái. Tiến tìm mọi lý do để xin thầy cô về sớm và chiều tối đến thì ngồi chực chờ ở trước cổng công ty xổ số, hướng ánh mắt đến bảng kết quả để tìm kiếm hi vọng. Để rồi, Tiến sa chân thật sự khi phải đi vay mượn khắp nơi. Tiến không nhớ nỗi đã có bao nhiêu chiếc xe đạp mình dối lừa bạn bè cho mượn để đi cầm cố.

Giấc mộng làm giàu của Tiến cũng đôi lần được nhen nhóm khi trúng 12 triệu đồng, số tiền lớn so với một học sinh THPT nhưng chỉ vài ngày sau thì “của vua lại trả cho chùa”.

 
Không cần học con cũng có thể tự nuôi sống mình

Bực tức trước những lời răn dạy của cha mẹ, Tiến quát tháo

Số đề như có ma lực cuốn Tiến vào những suy nghĩ lệch lạc. Hễ nghe ở đâu có “am” (lên đồng cho số) nào “linh” là Tiến với thằng bạn thân lại lần mò tìm đến để… xin lộc. Rồi thì đi cầu cơ, cầu hồn. Đi đâu, nhìn đâu cũng nghiệm ra số.

Tiến nhớ lại: “Khi đó đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến số. Đi đường nhìn thấy biển số xe lạ cũng đánh, đến nhà bạn thấy dưới đáy bình hoa bàn thờ ông địa có số cũng về làm vài lô”.

Học hành chểnh mảng nên năm cuối THPT Tiến không đủ điều kiện thi tốt nghiệp vì nghỉ quá số ngày quy định và nợ học phí. May thay, gia đình vay mượn để đóng học phí cho con và xin phép trường để Tiến được thi tốt nghiệp.

Vượt qua kì thi tốt nghiệp như một phép màu, ngộ nhận mình tài giỏi, Tiến tiếp tục thả hồn vào những con số trong đợt ôn thi đại học cấp tốc ở Quy Nhơn. Những đồng tiền mồ hôi nước mắt của ba mẹ lần lượt đội nón ra đi để đổi lấy tấm giấy báo trượt đại học của Tiến năm 2007.

Khi ấy, Tiến lạnh lùng chẳng màng suy nghĩ đến cảm nhận của cha mẹ, những người đã hết lòng yêu thương cậu. Bực tức trước những lời răn dạy của cha mẹ, Tiến quát tháo: “Không cần học con cũng có thể tự nuôi sống mình”.

Mới 18 tuổi, Tiến cứ đinh ninh cuộc đời màu hồng và cậu sẽ tự kiếm sống. (Còn tiếp)

Toàn Liêm

>> Hàng ngàn thí sinh dự thi đại học đổ về TP.HCM
>> 18 điều giúp bạn thi đại học tốt
>> Giảm 10% giá vé tàu hỏa cho thí sinh thi đại học, cao đẳng
>> Nhật Bản sẽ hủy bỏ thi đại học trong 5 năm tới
>> Khi nào thì bỏ kỳ thi đại học ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.