Bỏ học vào rừng lấy đót

31/03/2011 17:19 GMT+7

Cứ đến tháng 2 âm lịch, ở vùng núi cao Nam Trà My, Quảng Nam vào mùa đót. Nhiều học sinh bỏ học hàng loạt để mưu sinh bằng việc lội rừng, trèo núi lấy đót…

Trên cung đường quanh co lên Nam Trà My những ngày này, lúc nào cũng thấy những chiếc xe tải ì ầm chạy ngược xuống xuôi chở đầy đót. Người dân địa phương cho biết đấy là xe của thương lái ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi… lên tận vùng cao này để mua cho được loại đót nổi tiếng tốt, bền và rất mướt của Nam Trà My, mang về sản xuất chổi quét nhà.

Để có được số lượng đót lớn cung cấp cho thương lái, không chỉ những người dân ở các xã mà cả những cô cậu học sinh trong vùng cũng bỏ học để theo cha mẹ hoặc một mình leo lên những đồi núi cao chót vót chặt đót để kiếm tiền.

 
Trên đường lên Nam Trà My, đâu đâu cũng thấy những đứa trẻ mang rựa đi chặt đót - Ảnh: Diệu Hiền

Lên núi mưu sinh

Tờ mờ sáng, Nguyễn Thị Ngoan (thôn 4, Trà Dơn) đã cùng cô bạn của mình là Hà Thị Thu bắt đầu hành trình leo núi để mưu sinh. Áo quần nhếch nhác, trên tay là chiếc rựa sắc bén. Cây rựa cao gần một nửa cô bé chỉ mới 8-9 tuổi này. Một tay bu bám vào triền núi, một tay cầm rựa, Ngoan thoăn thoắt như sóc, nửa tiếng sau đã leo lên dãy núi cao gần 100m dựng đứng để bắt đầu công việc của mình. Trước đó, tôi cũng thử leo theo Ngoan nhưng chỉ được vài chục mét (mất đến 20 phút) đã bất lực, bởi núi cao thẳng đứng, hầu như không có gì bấu víu ngoài cây cỏ dại mọc trên triền núi. Nếu không có sự nhanh nhẹn thì không thể leo trèo. Ba lần leo lên và bị đẩy tụt xuống, tôi bỏ cuộc. Thu và Ngoan cười xòa, vẫy tay chào tôi ở lại.

Ngồi chờ Ngoan khoảng chừng 2 tiếng, hai cô bé quay lại cùng bó đót to vác trên lưng. Trèo lên khó bao nhiêu, thì lúc xuống, với sản phẩm thu được càng cảm thấy khó khăn. Nhưng với hai cô bé người dân tộc Xê-đăng, đó là chuyện nhỏ. Thu cười: “Con vứt rựa trên đó, khiêng đót cho dễ, chút lên lại để đốn tiếp, giờ mang đót đi bán đã”. Bó đót Thu, Ngoan lấy được, mang vào một ngôi nhà ven đường, nơi chứa rất nhiều đót đang chờ người đến mua. 3.000 đồng cho 1 kg đót tươi. Mỗi ngày leo núi, mỗi cô cậu bé như Ngoan, Thu kiếm được khoảng 30.000 đồng/ngày. Hỏi đi đốn đót cả ngày vậy thì làm sao đi học, Ngoan ngượng nghịu nói bằng cái giọng lơ lớ: “Con nghỉ qua hết mùa đót rồi đi học lại”.

 
Cường chỉnh sửa lại đống đót vừa được hái xuống 

Chỉ bởi cuộc sống quá khó khăn

Thầy Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam), chia sẻ: “Học sinh ở đây, 100% đều là người dân tộc, hơn 90% là hộ nghèo, nên hễ có dịp mưu sinh, phụ giúp gia đình thì các em lại nghỉ học. Có nhiều em chỉ nghỉ một buổi, nhưng cũng có không ít em nghỉ hết cả ngày để kiếm được nhiều tiền hơn một chút. Thầy cô giáo chúng tôi luôn tích cực vận động các em không được bỏ học để đi đốn đót, bởi công việc ấy không phải chỉ vì ảnh hưởng đến việc học, mà đó còn là công việc hết sức khó khăn và nguy hiểm với độ tuổi của các em!”.

Dù vậy, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn khiến các em phải lao vào tìm cái ăn trước khi tìm đến con chữ. “Hoàn cảnh những đứa trẻ này rất đáng thương, đến bộ quần áo mặc đi học cũng không được lành lặn. Đến trường nhiều khi phải đi chân đất, nên việc kiếm tiền trở nên bức bách”, bà Nguyễn Thị Nữ, xã Trà Giác - người thường mua đót của những đứa trẻ, xót xa kể. 

“Dù nghỉ học như vậy là không đúng với quy định của nhà trường, nhưng biết hoàn cảnh khó khăn của các em, nên khi các em quay lại trường học, thầy cô giáo đều tổ chức phụ đạo”, thầy Nguyễn Thanh, trường THCS Trà Nam, cho hay.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.