Biến phế liệu thành đồ chơi

21/04/2010 18:10 GMT+7

Về trường THPT Vĩnh Linh (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) những ngày này thấy một không khí khác hẳn, bởi đây là giai đoạn học sinh (HS) của trường hưởng ứng phong trào làm đồ chơi dành tặng trẻ em nghèo.

Gian phòng truyền thống của trường dày đặc những bóng áo xanh tình nguyện và khá giống một công xưởng làm đồ chơi nho nhỏ. Dù là HS cấp III nhưng dường như các bạn đoàn viên đang hóa thân về thời ấu thơ của mình, với niềm đam mê trẻ con là màu sắc, là những mảnh ghép... để tạo nên những sản phẩm ngộ nghĩnh. Ý nghĩa hơn khi những sản phẩm này sau đó sẽ được mang đến cho các em nhỏ ở những làng quê, vùng sâu vùng xa heo hút.

Chất liệu để tạo nên đồ chơi không phải là thứ gì cao sang, mà chỉ gồm những vật bỏ đi có thể tận dụng được như: vỏ lon bia, hộp thuốc lá, hộp sữa chua, diêm, hộp cạc-tông... Ấy thế mà bằng đôi bàn tay tỉ mẩn cùng một chút màu sắc tô điểm, các bạn đã tạo nên được những mẫu đồ chơi muôn hình vạn trạng. Nào là những ngôi nhà được kết bằng diêm, là con trâu kéo cày từ những vỏ thuốc, là những con lật đật tạo nên từ những quả bóng bàn...

Những món đồ chơi trong sáng, mang nét dung dị và một chút tinh nghịch của tuổi học trò dường như có sức hút đối với cả người lớn, thậm chí có một số món được làm hết sức kỳ công, không phải ai cũng có đủ tài, đủ kiên nhẫn để tạo nên được. Hơn thế, yếu tố tiết kiệm và bảo vệ môi trường được đưa lên hàng đầu trong “xưởng đồ chơi” này. Bạn Trần Thị Thu Hiền, học lớp 10B6 trường THPT Vĩnh Linh, chia sẻ: “Công việc này giúp chúng mình tạo thói quen tiết kiệm, sáng tạo”.

Có chứng kiến những nụ cười thích thú, rạng rỡ của các em nhỏ ở trường Mầm non Hoa Phượng (thị trấn Hồ Xá) khi nhận đồ chơi từ tay các anh, chị mới cảm nhận được hết ý nghĩa lớn lao của việc làm tưởng chừng như nhỏ bé này. “Quả thực chương trình này đã có hiệu ứng tốt khi giáo dục cho các bạn trẻ biết yêu thương các em nhỏ, biết tận dụng đồ phế thải và bảo vệ môi trường”, anh Bùi Trung Thành, Bí thư Đoàn trường THPT Vĩnh Linh nói.

Chưa biết đi sao đòi chạy được?

Nghĩ đơn giản, chưa biết đi thì sao đòi chạy được? Vì vậy, phải làm những việc nhỏ mới mong hoàn tất việc lớn được.

Ví dụ như bây giờ, nhiều lúc khách ở xa chỉ đặt 1 cuốn sách có giá tiền thấp nhưng mình vẫn sẽ chạy đi giao cho khách. Mình nghĩ rằng, nếu không tạo được lòng tin cho khách hàng ở những việc cỏn con như vậy thì sẽ khó giữ chân khách hàng.

Hiện nay, mình thấy nhiều người quan niệm nặng về bằng cấp quá. Mình có nhiều bạn là SV. Các bạn ấy rất muốn có việc làm thêm. Thế nhưng, khi mình giới thiệu với họ một trong những việc phù hợp nhất - giúp việc nhà - thì họ thường lắc đầu. Họ cho đó là việc nhỏ và có vẻ... thấp kém, không phù hợp với thành phần "trí thức" như SV. Riêng mình nghĩ, từ việc làm này, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều như: học tính kiên nhẫn, tính cẩn thận, tỉ mỉ...

Mình luôn tâm niệm: Hãy làm tốt những việc tưởng chừng nhỏ bé, những việc cần làm hằng ngày của mình... trước khi hướng đến những chuyện lớn lao hơn.

(Nguyễn Thị Hảo - thiết kế đồ họa cho website: haoanbook.com)

Từ “lính” bán hàng trở thành giám đốc

Khi tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tôi đã gõ cửa khá nhiều công ty xin việc nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối bởi người ta cần một nhà quản lý có kinh nghiệm “xông pha” thương trường chứ không phải... mới ra trường. Thế là tôi chấp nhận bắt đầu từ công việc bán hàng. Hằng ngày, tôi chạy vòng vòng các đại lý, cửa hàng xem họ có lấy thêm mặt hàng nào không.

Công việc nghe qua thật đơn giản nhưng đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khó, tinh thần làm việc đồng đội... Để rồi từ một “lính” bán hàng ngày nào, tôi đã vượt vũ môn vào vị trí giám đốc bán hàng ở công ty cùng ngành hàng và đến nay thì mở được công ty cho chính mình. Trải qua hai năm đi khắp nơi bán từng sản phẩm, tôi đúc kết được rằng: “Muốn nghĩ việc lớn cho tương lai thì phải làm từ những chuyện rất nhỏ”.

(Lê Hoàng Dũng - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-XNK Hoàng Quân)

N.Lịch (ghi)

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.