Bí thư Đoàn thảo luận chuyện làm ăn

02/03/2011 19:23 GMT+7

Để lập thân lập nghiệp, đoàn viên - thanh niên cần được hỗ trợ vay vốn ưu đãi nhiều hơn nữa. Đó là thông điệp được nhiều đại biểu chia sẻ trong Hội nghị giao ban, gặp mặt 577 bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn do Thành Đoàn TP Hà Nội tổ chức sáng 1.3. Tham dự có anh Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN.

Nguyễn Thùy Trang, Bí thư Đoàn phường Văn Miếu (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho biết: “Nhiều năm nay, ít nhất là 2 năm nay, Đoàn phường đã làm dự án vay vốn cho đoàn viên, các dự án đều rất khả thi và nếu thành hiện thực sẽ tạo nhiều việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, các bạn đều không nhận được vốn ưu đãi mà phải vay từ các nguồn ngoài, lãi suất cao và rất khó khăn cho công tác thanh niên lập thân lập nghiệp”. Tương tự, Nguyễn Thị Phương Mai - Bí thư Đoàn phường Kim Liên (Q.Đống Đa), phản ánh thực tế Đoàn phường mình đã 3 lần nộp hồ sơ vay vốn, nhưng vì nhiều lý do mà đến giờ vẫn chưa thể vay được vốn cho đoàn viên, như: đến nơi này làm thủ tục thì lại bị chỉ sang nơi kia, người hẹn xuống thẩm tra dự án và cơ sở sản xuất thì luôn có lý do để vắng mặt…


Bảo vệ môi trường thủ đô là một trong các hoạt động trọng tâm trong Năm Thanh niên 2011 của giới trẻ Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Bạn tôi là cán bộ Đoàn

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn, Thanh niên & Cuộc sống mở mục “Bạn tôi là cán bộ Đoàn”. Bài viết tham dự không quá 800 chữ, nội dung: Phát hiện những cán bộ Đoàn cơ sở có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực; hỗ trợ ý tưởng, kinh nghiệm, kỹ năng cho đoàn viên - thanh niên làm kinh tế cũng như trong học tập… Bài viết gửi về: tncs@thanhnien.com.vn

Không chỉ đoàn viên ở đô thị “khát” vốn lập thân lập nghiệp, mà thanh niên nông thôn cũng rất mong mỏi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ hệ thống Đoàn. Bạn Nguyễn Văn Cường, Bí thư Đoàn xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa), trăn trở: “Trong thời gian vừa qua, Thành Đoàn đã hỗ trợ nhiều cho huyện Ứng Hòa nhưng cũng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của chúng tôi. Hiện chúng tôi đã tập hợp được hàng chục mô hình trang trại do chính thanh niên làm chủ, trong đó nhiều thành viên có dư nợ ở ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, mức vay vốn chỉ được 20 triệu đồng/hộ thì còn thấp”. Trong khi số vốn cần bỏ ra để làm trang trại phải vài trăm triệu, có khi lên tới cả tỉ đồng.

Bên cạnh việc trao đổi những khó khăn, khúc mắc trong quá trình thực hiện vay vốn ưu đãi nhằm tìm ra giải pháp khắc phục, 577 bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn thủ đô cũng đã cùng nhau thảo luận, giới thiệu nhiều mô hình, việc làm tiêu biểu, có hiệu quả; xác định trọng tâm công tác Năm Thanh niên 2011, trong đó chú trọng phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội thủ đô”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” và “Tôi yêu Hà Nội”; ký giao ước thi đua thực hiện công trình thanh niên…

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.