Bi hài phiên tòa giả định

27/08/2011 15:31 GMT+7

Một số tình huống cười ra nước mắt từ các "phiên tòa giả định" do sinh viên (SV) trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức...

"Tay mình bị còng mà..."

Tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, các SV tình nguyện tổ chức phiên tòa giả định về vụ án từng xảy ra trên địa bàn: hiếp dâm trẻ em. "Bị cáo" được chọn là một SV với gương mặt khá ngầu. Khi phiên tòa diễn ra, trong đám đông có tiếng xì xào: "Thằng đó nhìn ác quá, xử nặng vào cho đáng". Kết thúc phiên tòa, 2 công an (cũng do các SV đóng) dẫn bị cáo ra tới cổng thì một anh thanh niên xông tới giáng cho "bị cáo" mấy cái bạt tai nổi đom đóm, khiến hai "công an" không kịp trở tay. Lúc này công an thật cùng lực lượng 113 mới vào giải thích, anh thanh niên bật cười xin lỗi. Anh em đồng đội nghe tin liền hỏi thăm: "Nhìn lanh lợi và ngầu vậy mà khi bị đánh sao bạn không đỡ?", SV làm "bị cáo" miệng mếu máo trả lời: "Dạ lúc đó tay mình bị còng làm sao đỡ được!".

 
Phiên tòa giả định tại xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: Hạ Mi

"Công an" SV bị công an gọi

Tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, các SV tình nguyện tổ chức phiên tòa giả định tại một xã xa nơi ở. Nhóm công tác sáng kiến ra chiêu "tiếp thị" bằng cách áp giải "phạm nhân" bằng xe máy nhằm gây sự chú ý cho bà con đi xem. Hôm ấy nhóm đóng vai "hội đồng xét xử", "luật sư", "viện kiểm sát" đến trước để chuẩn bị. Sau khi mọi việc đâu vào đấy, hội đồng xét xử "lệnh" cho 2 "công an" SV chở "phạm nhân" đến. Chờ mãi mà chẳng thấy tăm hơi, một anh phụ trách liền gọi điện cho nhóm "công an": "A lô, đi tới đâu rồi, qua nhanh chứ bên này bà con đang chờ đông lắm". Đầu bên kia, một giọng mếu máo: "Mình đang bị mấy anh công an giao thông giữ ở đây không cho đi". Thế là anh phụ trách phải liên lạc về để giải thích, lúc bấy giờ 2 "công an" mới được đi tiếp.

Đụng "hoạn thư" thứ thiệt

Bên cạnh các phiên tòa giả định, các SV còn xây dựng loại hình "kịch diễn đàn" về pháp luật. Người tham dự sẽ lên thế vai để xử lý tình huống theo cách của mình, trước khi luật sư hay giảng viên luật đưa ra các cơ sở pháp lý của vấn đề. Một lần, các SV trường ĐH Luật thực hiện tiểu phẩm luật hôn nhân gia đình tại khu công nghiệp Pou Yuen, TP.HCM. Nội dung là hai công nhân yêu nhau và sống không đăng ký kết hôn. Sau khi người phụ nữ có thai, chàng trai bỏ mặc để cặp kè một cô gái khác. Tình huống ứng xử là lúc cô gái "giựt chồng" đến tìm người phụ nữ mang thai kia. Lúc này, một chị công nhân xung phong lên đóng vai người phụ nữ mang thai bị ngược đãi.

Cô SV đóng vai "giựt chồng" bước vào: "Cho hỏi thăm đây có phải nhà anh Hùng không?". Chị thanh niên công nhân: "Dạ phải, chị là ai? Mà tìm anh Hùng có việc gì vậy?". Cô SV: "Tôi là người yêu của anh Hùng và hôm nay tôi đến để nói chị buông tha cho anh ấy, vì anh ấy chỉ yêu mình tôi thôi". Rầm! Cô công nhân đập tay lên bàn quát: "Cô nói cái gì?". Cô SV: "Tôi nói rồi, cô với anh ấy không có đăng ký kết hôn thì làm gì gọi là vợ chồng". Rầm! Cô công nhân lại đập bàn cái thứ hai và quát: "Cô coi lại đi, đây là nhà tôi và chuyện của tụi tôi, cô về đi". Cô SV lại nói thêm vào: "Tôi nói rồi, cô cố gắng chỉ vô ích thôi…". Lần này thì nghe một cái rầm và chén, dĩa trên bàn bay tứ tung, cô công nhân vừa nện một chiếc ghế lên bàn. Cô SV đi, mặt tái nhợt: "Em không đóng vai giựt chồng nữa đâu!". 

Hạ Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.