Bến đò an toàn

02/12/2011 00:32 GMT+7

Từ mô hình bến đò an toàn của một huyện miền núi do thanh niên quản lý một cách hiệu quả, Tỉnh đoàn Quảng Nam cho hay sẽ thành lập nhiều bến đò an toàn ở các địa phương.

Từ mô hình bến đò an toàn của một huyện miền núi do thanh niên quản lý một cách hiệu quả, Tỉnh đoàn Quảng Nam cho hay sẽ thành lập nhiều bến đò an toàn ở các địa phương.

Mô hình bến đò an toàn do thanh niên tự quản đầu tiên được áp dụng ở Quảng Nam tại bến Hiệp Hòa, H.Hiệp Đức do Huyện đoàn quản lý. Anh Huỳnh Hữu Cường - Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức cho biết, sông Tranh đoạn qua xã Hiệp Hòa, H.Hiệp Đức, nước chảy xiết, mùa khô lòng sông sâu 10 - 15m, mùa mưa càng sâu gấp đôi. Đò là phương tiện duy nhất của 270 hộ dân thôn Đồng Làng qua xã Trà Linh về trung tâm huyện. Mỗi ngày, bến đò đưa khoảng 200 lượt học sinh đi học và hàng trăm người dân qua sông. Trước đây, hằng năm tại đây thường xuyên xảy ra chìm và lật đò, là điểm đen tai nạn giao thông đường thủy của tỉnh Quảng Nam.

 
Sẽ nhân rộng mô hình bến đò an toàn thanh niên tự quản để đảm bảo an toàn qua sông - Ảnh: Nguyễn Tú 

Trước trăn trở đó, tháng 3.2010, Huyện đoàn Hiệp Đức thực hiện công trình thanh niên bến đò an toàn. Bên cạnh các tấm bảng tuyên truyền, Huyện đoàn thành lập đội thanh niên tự quản tại bến thường xuyên nhắc nhở người dân và lái đò chấp hành an toàn giao thông, trang bị 30 áo phao và phao tròn trên đò và 30 áo phao khác cho học sinh thôn Đồng Làng. Huyện đoàn cùng với Huyện ủy Hiệp Đức ra quy chế phối hợp, yêu cầu chủ đò ký cam kết khi đưa đò phải cho toàn bộ hành khách mặc áo phao, nếu vi phạm sẽ bị chấm dứt hoạt động. Nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định mặc áo phao khi qua sông được giao cho Xã đoàn Hiệp Hòa.

“Người lái đò trước đây do lớn tuổi, không đảm bảo nên sau khi thành lập mô hình bến đò an toàn, Huyện đoàn đã cử người đi học điều khiển phương tiện giao thông đường thủy để thay thế từ tháng 6.2010. Hiện đò gỗ đã xuống cấp, Huyện đoàn cũng đã xin được kinh phí 50 triệu đồng của dự án hỗ trợ đóng mới đò nhôm, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 12”, anh Cường nói.

Thanh niên cùng lực lượng Công an xã Hiệp Hòa cũng như người lái đò là ông Hai Nga, trú thôn Đồng Làng cũng thường xuyên được tập huấn, trang bị kiến thức về luật giao thông đường thủy, kỹ thuật điều khiển xuồng, ghe gắn động cơ, phương pháp ứng cứu người đuối nước… Hằng ngày, đội thanh niên tự quản bến đò thường xuyên kiểm tra phao và áo phao, thay phiên trực tại bến đò, đảm bảo mỗi chuyến đò chỉ được chở từ 10 - 15 người và tối đa 3 chiếc xe máy.

Theo Ban An toàn giao thông Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có 62 bến thủy nội địa trong đó 26 bến không phép, không đảm bảo an toàn nhưng vì nhu cầu lưu thông của người dân nên vẫn hoạt động. Trước tình hình đó, anh Thái Bình - Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Quảng Nam, cho hay: “Sắp đến, Tỉnh đoàn sẽ học tập kinh nghiệm của bến đò Huyện đoàn Hiệp Đức để các đoàn cơ sở khác rút kinh nghiệm, đồng thời vận động các nguồn lực để trang bị áo phao, phao cứu sinh cho các bến đò, đặc biệt là ở địa bàn các huyện miền núi”.

Trong khi đó, Huyện đoàn Duy Xuyên cho biết trước mắt sẽ tăng cường đội thanh niên tình nguyện ở các xã bị chia cắt khi trời mưa lũ ở khu tây H.Duy Xuyên để giúp các học sinh đi học. Đồng thời, Huyện đoàn cũng đã đề xuất cấp 1.000 cặp phao cho học sinh để vừa làm dụng cụ học tập vừa làm phao cứu sinh.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.