Bạo lực trong giới trẻ, do đâu? - Bài 7: Mất kiểm soát hành vi do bia, rượu

29/09/2010 23:44 GMT+7

Một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất khiến tình hình bạo lực trong giới trẻ gia tăng là việc sử dụng rượu, bia.

Phong trào rủ nhau đi nhậu sau ngày làm việc, nhậu vì... 1.001 lý do, đang nở rộ. Và sau những chầu nhậu đầy hơi men đó đã xảy ra biết bao vụ án đáng tiếc; khi tỉnh lại thì đã quá muộn màng. 

Án mạng vì rượu, bia

“Rượu vào lời ra”. Khi nốc rượu bia vào, người ít nói cũng trở nên huyên thuyên đủ chuyện trên đời, đôi khi họ ít nghĩ đến hậu quả xảy ra bởi lời nói, hành vi mà mình không thể tự chủ, kiểm soát được, đặc biệt dễ gây hấn với người khác. Cũng chính vì vậy mà không biết bao nhiêu sinh mạng đã bị tước đoạt vì chuyện không đâu...

Chiều 9.1.2010, vừa phụ hồ xong cho công trình xây dựng nhà ở hẻm 554 Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình, Nguyễn Quốc Trung (25 tuổi), Lê Quang Kiệt (tức Chuột, 17 tuổi), Phạm Xuân n (22 tuổi, cả ba đều quê Long An, làm phụ hồ) cùng một số thợ xây kéo nhau ra quán thịt cầy gần công trình nhậu. Vẫn chưa thấy đã, Trung, Kiệt, n cùng 2 người khác đến quán cháo vịt trên đường Nhất Chi Mai, P.13, Q.Tân Bình tiếp tục lai rai. Khoảng 20 giờ 30 cùng ngày, Kiệt một mình loạng choạng về nhà ngủ. Về đến hẻm 554 Cộng Hòa, Kiệt gặp P.V.D (21 tuổi, quê Lâm Đồng, thuê nhà ở gần đây) đang đi mua VCD và Kiệt cho rằng D. nhìn đểu mình nên hai bên xảy ra xích mích với nhau. Sau đó, Trung, n, Kiệt cầm gạch, dao kéo đến phòng trọ của anh D. gần đó đập cửa, quậy phá gây náo loạn cả khu vực. Anh em D. ra yêu cầu cả ba về nhà ngủ vì say xỉn rồi, nhưng bất ngờ họ xông vào tấn công hai anh em D.. Hậu quả: C. (19 tuổi, em ruột của D.) bị Trung cầm dao đâm nhiều nhát khiến nạn nhân bị thủng phổi, thủng động mạch chủ bụng dẫn đến tử vong.

Xử lý phạt thật nặng những cơ sở bán rượu cho trẻ vị thành niên
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) đề nghị cần thành lập Trung tâm cải huấn để đưa những trẻ em lêu lổng, hư hỏng mà chưa đến mức xử lý hình sự, gia đình không nuôi dưỡng, giáo dục được vào đây để dạy dỗ.

“Vấn đề đáng lên án hiện nay là chúng ta chỉ mới có quy định cấm trẻ em dưới 18 tuổi vào quán bar nhưng không làm triệt để nên vẫn có trẻ em vào quán bar uống rượu bia, quậy phá. Đó là chưa nói đến việc trẻ dưới 18 tuổi nhậu nhẹt ở các quán xá, tiệm karaoke, ở nhà… vô tư không ai cấm. Để hạn chế tình trạng phạm tội trong giới trẻ từ rượu gây ra, Nhà nước phải có chế tài thật mạnh như rút giấy phép những quán bar, điểm karaoke có trẻ vị thành viên, xử lý phạt thật nặng những cơ sở bán rượu cho trẻ vị thành niên, phạt hành chính cả cha, mẹ, người giám hộ của những trẻ này vì thiếu quản lý con. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có những đợt truy quét kiểm tra bất thình lình, xử phạt cha, mẹ hoặc đưa tập trung ở trung tâm cải huấn những trẻ chưa đến tuổi trưởng thành lang thang ngoài đường sau 12 giờ khuya, chạy xe phân khối lớn… thì mới hạn chế được tình trạng giới trẻ phạm tội như hiện nay”, luật sư Trạch nói.

Đáng nói hơn là trường hợp gây án của Nguyễn Thành Thái (16 tuổi, quê Đồng Tháp) gây án. Sau một ngày làm việc vất vả, Thái cùng Bình và mấy anh em đi chung sà lan đang neo đậu tại sông Soài Rạp, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè rủ nhau nhậu. Khi “men” đã thấm, Thái và Bình đang là bạn nhậu bỗng lời qua tiếng lại rồi dẫn đến cự cãi nhau quyết liệt. Tức giận, Thái đánh anh Bình rơi xuống sông chết...

Đó là 2 trường hợp điển hình. Thực tế, hàng ngàn vụ trọng án tương tự khác cũng đã xảy ra khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị. Khi say xỉn, con người thường mất lý trí, không thể kiểm soát được hành động của mình, thậm chí đòi sát hại cả người thân nếu không hài lòng bất kỳ chuyện gì... Nói một cách dễ hiểu là họ làm theo “ma men”. Như N.Đ.T (19 tuổi, ngụ ở hẻm 67 Đinh Tiên Hoàng, P.3, Q.Bình Thạnh) rất hiền lành nhưng rượu bia vào là “quậy tưng”, nhìn thấy ai cũng muốn đánh lộn. Trong một lần đi nhậu về khuya say xỉn, T. kêu cửa nhưng không thấy ai ra mở cửa nên leo vào nhà đập phá đồ đạc tanh bành, rồi đòi chém giết người thân vì không ngồi đợi mở cửa.

Chịu hết nổi đứa con “lưu linh” đại náo, gia đình buộc lòng gọi điện cầu cứu công an phường. Ngay sau đó, 3 cảnh sát khu vực xuống giải quyết thì bị T. dùng dao rượt đuổi chém nhưng người nhà kịp thời tước được dao mang đi giấu. T. tiếp tục dùng cây đuổi đánh một cảnh sát khu vực bị thương ở mắt. 

Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an TP.HCM khuyến cáo: “Nguyên nhân dẫn đến các vụ trọng án liên quan đến rượu bia đều xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, do không kiểm soát được hành động của mình... nên gây án. Trong số các vụ án do rượu bia, phần lớn đối tượng gây án là thanh thiếu niên. Trước tình hình này, cơ quan công an kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm trường hợp bán rượu có nồng độ cồn cao không đúng quy định, các quán nhậu hoạt động quá giờ quy định, đồng thời kêu gọi gia đình quản lý tốt con em, không cho con em tụ tập nhậu nhẹt chơi khuya với bạn bè, đặc biệt tuyệt đối không cho đi chơi qua đêm...”.

Đừng để rượu, bia đè mất phần “người”

Bác sĩ Trương Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nói: “Công việc thực tế tại khoa Cấp cứu nhiều năm, chúng tôi tiếp nhận, chứng kiến rất nhiều trường hợp ẩu đả, đánh nhau, đâm chém gây trọng thương vào cấp cứu, mà nguyên nhân là do uống rượu, bia quá đà. Trong số đó có nhiều trường hợp là các bạn trẻ, thanh thiếu niên. Bản thân lứa tuổi của các em thanh thiếu niên dễ bốc đồng, nóng nảy, hành xử không đúng, khi rượu bia “nạp” vào quá mức, càng dễ kích động thần kinh, tính khí, khiến nhiều bạn trẻ không kiểm soát được lời nói, hành vi của mình, dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại, toàn những ngôn từ xúc phạm nhau, kích động nhau, và hậu quả là những cuộc ẩu đả gây thương tích đáng tiếc xảy ra”.   

Còn theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM): “Khi uống rượu bia quá mức chịu đựng của cơ thể (cơ thể mỗi người có mức chịu đựng hàm lượng rượu, bia khác nhau) sẽ gây ức chế vỏ não (là vùng thể hiện phần “người”), dẫn đến mất kiểm soát hành vi, đặc biệt đối với các bạn trẻ, càng dễ khiến các em mất kiểm soát hành vi của mình nhiều hơn nữa, vì vốn dĩ tính khí các em thanh thiếu niên rất bốc đồng. Khi đó, rượu sẽ kích thích “thú tính” trỗi dậy”.

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam cho rằng, phần lớn các tội phạm xảy ra ở những người nghiện rượu, bia mãn tính (họ uống quá mức một cách trường kỳ), và đặc biệt là ở những con người vốn không được dạy dỗ, uốn nắn về lối sống, đạo đức ngay từ nhỏ, và thường bản thân gia đình của các bạn đó cũng không làm gương về những khía cạnh văn hóa, đạo đức. Bởi, trong thực tế, có những người đàng hoàng, có lối sống tốt, nếu thi thoảng họ có lỡ quá chén cũng không khiến họ có những hành vi quá đà, gây gổ, hay vi phạm pháp luật.  

Minh Nam - Đàm Huy - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.