'Bánh vẽ' du học - Kỳ 5: Không thể có thu nhập cao

10/07/2015 05:19 GMT+7

Đây là khẳng định của bà Tanaka Mizuki - Bí thư thứ hai phụ trách về giáo dục, Đại sứ quán Nhật Bản tại VN ( ảnh ) trả lời phỏng vấn Thanh Niên về tình trạng núp bóng du học để đi lao động tại Nhật Bản.

Đây là khẳng định của bà Tanaka Mizuki - Bí thư thứ hai phụ trách về giáo dục, Đại sứ quán Nhật Bản tại VN (ảnh) trả lời phỏng vấn Thanh Niên về tình trạng núp bóng du học để đi lao động tại Nhật Bản.

>> 'Bánh vẽ' du học - Kỳ 4: Tư vấn không phép

  Bà Tanaka Mizuki - Ảnh: T.Hằng
Nhiều công ty du học tại VN quảng cáo đi du học tại Nhật Bản có thể làm thêm giờ với mức lương từ 1.500 - 2.500 USD/tháng (tương đương với 30 - 50 triệu đồng), theo bà, du học sinh làm thêm tại Nhật có mức thu nhập cao như vậy hay không?
Visa của du học sinh là visa học tập, mục đích là học tập chứ không phải làm việc. Muốn làm thêm du học sinh phải xin được giấy phép. Nếu tiếng Nhật không thật sự tốt thì rất khó khăn để tìm được việc làm thêm. Theo luật pháp của Nhật, thời gian tối đa mà du học sinh được phép đi làm là 28 giờ/tuần. Nếu tính vừa học, vừa làm thì mức thu nhập 1 tháng khoảng 500 - 700 USD (tương đương 10 - 15 triệu đồng/tháng).
Ở Tokyo, nếu tiết kiệm chi phí ăn ở sinh hoạt mất từ 1.200 - 1.300 USD (24 - 26 triệu đồng). Trong khi, học phí khoảng 8.000 - 12.000 USD (160 - 240 triệu đồng/năm). Vì vậy nếu chỉ bằng việc đi làm thêm thì không thể đủ trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Du học sinh không thể có mức thu nhập cao như vậy khi đi làm thêm. Vì vậy trước khi sang Nhật Bản nhất thiết cần chuẩn bị trước đầy đủ nguồn tài chính cần thiết.
Các chương trình du học Nhật Bản quảng cáo vừa đi học vừa đi làm là có đúng với bản chất của chương trình hay không, thưa bà?
Thực ra việc sang Nhật đi học vừa làm thêm pháp luật không cấm, đương nhiên trước khi đi, du học sinh đều có sự chuẩn bị trước về tài chính nên việc đi làm thêm chỉ hỗ trợ một phần phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, cá nhân tôi phụ trách về du học, việc các công ty quảng cáo vừa đi học, vừa đi làm là sai vì việc chính của du học sinh là đi học. Việc quảng cáo đi làm để tăng số lượng du học sinh là không được. Phía Nhật Bản tạo cơ hội cho du học sinh đi làm để hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ việc đi học chứ không phải đi kiếm tiền. Các công ty du học đưa ra quảng cáo song hành đi học và đi làm với nhau là không đúng.
Điều mà chúng tôi lo lắng nhất đó là du học sinh đã sai lầm khi cho rằng sang Nhật Bản có thể kiếm được tiền. Khi sang đó không đi làm thêm được, không kiếm được tiền, cuộc sống kinh tế khó khăn, dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.
Bà có khuyến cáo hay cảnh báo gì đối với các gia đình có ý định đưa con em đi du học tại Nhật?
Các bậc cha mẹ và du học sinh trước khi sang Nhật phải hiểu rõ một điều: Đừng bao giờ hy vọng cho con em mình sang Nhật du học để kiếm được tiền. Các công ty du học, mỗi công ty đưa ra một mức phí khác nhau. Vì vậy, các gia đình nên tìm hiểu nhiều công ty khác nhau để có sự so sánh trước khi đưa ra quyết định du học.
Hiện tại có công ty không lấy phí tư vấn. Các bậc phụ huynh và các em có thể tìm hiểu thông tin chính thống trên trang web của Đại sứ quán Nhật Bản (http://www.vn.emb-japan.go.jp/vn/culture/Thongtinduhoc2014.html), ở đó có hướng dẫn cụ thể chương trình du học bằng tiếng Việt về chi phí học tập, sinh hoạt, đi làm thêm...
Tỷ lệ người Việt có visa du học phạm tội tăng đột biến
Theo số liệu từ Cơ quan hỗ trợ học sinh - sinh viên Nhật Bản và từ phía Tổng cục Cảnh sát Nhật Bản, chúng tôi thấy rằng việc tăng số lượng du học sinh tỷ lệ thuận với việc tăng số lượng du học sinh phạm tội.
Nếu như năm 2008 chỉ có 58 người Việt phạm tội hình sự, thì năm 2014, số người Việt có visa du học phạm tội tăng lên 616 người. Tỷ lệ du học sinh phạm tội trong tổng số người VN phạm tội hình sự tại Nhật Bản cũng gia tăng đột biến. Năm 2012, lưu học sinh phạm tội chiếm 17,3%, thì đến năm 2014 là 54,2%.
 
Đã và sẽ tiếp tục xử lý các đơn vị tư vấn du học phạm pháp
Tình trạng các đơn vị tư vấn du học đưa ồ ạt du học sinh sang Nhật Bản làm ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình hợp tác GD-ĐT giữa VN và Nhật Bản.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), số lượng du học sinh VN tại Nhật Bản là khoảng 26.500 người, tăng gần gấp đôi so với năm 2014 (tăng chủ yếu ở đối tượng đi học tiếng Nhật).
Qua trao đổi và báo cáo của các cơ quan liên quan, chúng tôi đánh giá việc này xuất phát từ các nhóm nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất là các đơn vị tư vấn du học cung cấp thông tin sai lệch về chương trình đào tạo, phóng đại khả năng kiếm tiền, không chuẩn bị đầy đủ cho du học sinh về kiến thức cần thiết trước khi sang sống ở một quốc gia mới và thiếu trách nhiệm với các em khi bơ vơ ở nước ngoài.
Thứ hai là các lưu học sinh này thường không tập trung vào học tập mà chủ yếu lo làm thêm, kiếm tiền. Chúng tôi cũng đã đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này.
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường và đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn du học, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu các Sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra và có biện pháp sàng lọc những tổ chức hoạt động trục lợi, không vì quyền lợi và tương lai của người học; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho các tổ chức hoạt động có hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của tổ chức và quyền lợi của người học; cung cấp thông tin cần thiết đến những người có nhu cầu du học Nhật Bản.
Ông Phạm Quang Hưng
Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.