Bác sỹ trẻ đến nơi nghèo khó

28/02/2013 09:28 GMT+7

Ngày 27-2, tại ĐH Y Hà Nội diễn ra lễ triển khai Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo). Nhiều bác sĩ tương lai đã tình nguyện đăng ký tham gia dự án.

Lễ triển khai dự án do Bộ Y tế, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ VN phối hợp tổ chức.

Theo Bộ Y tế (Chủ trì Dự án), đối tượng tham gia Dự án là các bác sĩ tốt nghiệp chính quy loại khá, giỏi; bác sĩ nội trú tại các trường ĐH Y trong cả nước hoặc đã có bằng chuyên khoa cấp I, Thạc sỹ y khoa trở lên; các bác sĩ đã tốt nghiệp các trường ĐH chưa chính thức được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở y tế công lập.


Bác sĩ trẻ khám bệnh cho người nghèo. Ảnh: Mai Xuân Tùng 

Theo ThS. BS Nguyễn Bá Tĩnh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, hiện có hơn 30 sinh viên đăng ký tham gia dự án. Tham gia dự án có 4 trường đại học: Đại học Y Hà Nội, ĐH Y Dược Thái Nguyên, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình. Đến năm 2016, dự án kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 500 BS trẻ tình nguyện tham gia.

Sẵn sàng đi bất cứ đâu

Phát biểu tại lễ triển khai, anh Phan Văn Mãi, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch HLHTN Việt Nam khẳng định: “Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) triển khai hôm nay sẽ thêm một cơ hội, một không gian để thầy thuốc trẻ phát huy - khẳng định - trưởng thành”.

Anh Mãi cũng cho hay: “T.Ư Đoàn, T.Ư Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đảm bảo cơ chế, chính sách và các điều kiện để các thầy thuốc trẻ tham gia Dự án hoàn thành nhiệm vụ và phát huy sau Dự án”.

Với tinh thần đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, Đặng Hoàng Thạch (SN 1989, ĐH Y Hà Nội) là sinh viên đăng ký tham gia dự án ngay từ đầu.

Thạch cho hay: “Trong quá trình học tập, tôi nhiều lần đi thực tế tại các BV và thấm thía hoàn cảnh bệnh nhân nghèo nên mong muốn làm điều gì đó giúp người dân tiếp cận nhiều hơn nữa với các dịch vụ y tế có chất lượng”. Hăng hái tham gia dự án, chàng sinh viên y khoa này chưa đăng kí địa điểm tình nguyện cụ thể. Thạch nói: “Mình sẵn sàng nhận công tác ở bất cứ nơi đâu”.

Nghiêm Xuân Thành (SN 1988, ĐH Y Hà Nội) quê ở Yên Phong, Bắc Ninh lại xác định địa chỉ tình nguyện là huyện Bắc Hà (Lào Cai). Chia sẻ về quyết định này, Thành nói: “Mình chưa từng lên Bắc Hà, nhưng qua thông tin trên các kênh truyền thông, mình biết nơi đây cuộc sống đồng bào còn khó khăn. Mình rất muốn được làm việc, được góp sức trẻ để cải thiện cuộc sống đồng bào nơi đây”.

Quê Thanh Hóa, Mai Xuân Thiên (SN 1989, ĐH Y Hà Nội) lại mong muốn lên miền rẻo cao của Hà Giang. Trả lời câu hỏi tại sao không về huyện khó khăn của Thanh Hóa để gần gia đình hơn, Thiên cho hay: “Đi đâu cũng là tình nguyện, quan trọng là được cống hiến, làm đúng chuyên môn và đem được nhiều ích lợi cho đồng bào. Mình đăng ký đi Hà Giang vì phù hợp với chuyên ngành đã học và ở đó đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn”.

Bên cạnh các nam sinh, nhiều nữ sinh Y khoa cũng đăng ký về vùng cao, vùng khó khăn công tác. Nguyễn Thị Hằng (SN 1988, Nghệ An; ĐH Y Hà Nội) đã hướng về quê hương và đăng ký tình nguyện tại huyện Tương Dương.

Hằng tâm sự: “Giúp đỡ những người nghèo trên mảnh đất quê hương luôn là điều từ lâu tôi hằng mong đợi, sau khi kết thúc tình nguyện tôi hy vọng vẫn được làm việc và chăm sóc những người dân tại đây”. Nữ sinh này còn cho hay đây là lần đầu tiên tham gia tình nguyện nên xen lẫn sự háo hức là cảm giác hồi hộp khi trước mắt là những khó khăn chưa hình dung được.

La Thị Thoa (SN 1989, ĐH Y Dược Thái Nguyên) từng tham gia nhiều chương trình tình nguyện của trường như: Giao thông, Câu lạc bộ Hiến máu…cũng đã hăng hái tình nguyện công tác tại huyện nghèo Sơn Động, Bắc Giang.

Chủ động hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng

Ngay từ khi đăng ký tham gia dự án tình nguyện công tác tại vùng cao, vùng khó khăn, những bác sĩ tương lai 8X đã nỗ lực hoàn thiện về chuyên môn và trau dồi kỹ năng. Đặng Hoàng Thạch cho rằng, những yếu tố cần thiết khi tham gia Dự án là “Sức trẻ, kiến thức và niềm tin”.

Sinh viên này cũng cho hay, “trong quá trình đào tạo tập huấn, mình và những người tham gia dự án sẽ được hướng dẫn về văn hóa, phong tục tập quán và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc. Điều này, càng giúp mình tự tin hơn để tham gia”.

Hiện các bác sĩ tương lai này đang nỗ lực củng cố kiến thức và hoàn thành năm cuối đại học.

“Mình đang tiếp tục củng cố kiến thức chuyên môn. Trước khi đi, các thành viên tham gia dự án được học thêm hai năm để nâng cao chuyên môn tay nghề và đi thực tế tại địa phương để tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ. Mình tin rằng mình sẽ thích nghi tốt”, Mai Xuân Thiên nói.

Nghiêm Xuân Thành cho hay đã chủ động tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ở Bắc Hà, Lào Cai bằng cách lên mạng và qua sách báo. “Điều này sẽ giúp mình thích nghi nhanh để ổn định công tác và sinh sống”, Thành chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết các bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn, Bộ Y tế sẽ có chính sách hỗ trợ về tiền lương như không phải tính thời gian tập sự, được xếp lương bậc 2; được ưu tiên về đào tạo, về văn bằng chứng chỉ hành nghề, được bố trí nhà ở công vụ.

Phát biểu tại lễ triển khai Dự án, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Tô Huy Rứa đề nghị Bộ Y tế lưu ý một số vấn đề khi triển khai thực hiện Dự án, trong đó có: “Chuẩn bị cho bác sỹ trẻ về ý chí, tinh thần, trách nhiệm và kiến thức, kỹ năng thực hành phù hợp với điều kiện làm việc của các trạm y tế tuyến xã và bệnh viện tuyến huyện, chú ý cả kiến thức về ngôn ngữ, phong tục tập quán, kỹ năng sống, làm việc để bác sỹ trẻ có đủ tự tin nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và điều kiện làm việc mới…”.

Theo Mai Xuân Tùng - Thái Hà - Cẩm Kỳ \ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.