Anh hiệu phó mê Đoàn

14/03/2011 19:00 GMT+7

30 tuổi, được xem là phó hiệu trưởng trẻ nhất trong các trường THPT tại TP.HCM, Phạm Đăng Khoa vẫn gắn bó với phong trào Đoàn như thời sinh viên.

Như “cá gặp biển lớn”

Ngày đó, sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM thường xuyên bắt gặp hình ảnh một nam sinh khoa Tiếng Pháp luôn nhanh nhẹn, xông xáo trong các dịp tổ chức ngày hội, hoạt động phong trào của Đoàn… Sau khi tốt nghiệp, năm 2002, Đăng Khoa trở thành giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Ngày đầu tiên nhận nhiệm sở, từ những thông tin giới thiệu bản thân trong hồ sơ, Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã phân công Đăng Khoa kiêm nhiệm công tác trợ lý thanh niên. Thường các giáo viên trẻ ít khi muốn nhận công việc này. Tuy nhiên, như Khoa nói, đó lại là may mắn vì như “cá gặp biển lớn”.

 
Phạm Đăng Khoa trong buổi lễ trao thưởng cho học sinh tham gia hoạt động Đoàn xuất sắc - Ảnh do nhân vật cung cấp 

 

Có sẵn đam mê, ngay sau khi “nhậm chức”, Khoa tham mưu với chi bộ, ban giám hiệu và định hướng cho BCH Đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động có tính giáo dục phong phú như “Mỗi tháng một nhân vật lịch sử”, “Mỗi năm một ngôi nhà tình thương” và hành trình “Tìm về địa chỉ đỏ”. Đặc biệt, hưởng ứng cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Khoa đã cùng BCH Đoàn trường huy động học sinh thực hiện công trình thanh niên mang tên “100 audiobooks những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 100 mẩu chuyện này được chính học sinh sưu tầm, kể lại, thu vào CD để phát loa toàn trường vào mỗi giờ ra chơi. Với sản phẩm này, Đoàn trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã được Thành Đoàn TP.HCM trao giải A trong hội thi “Sản phẩm làm theo lời Bác”. Đây cũng là  trường THPT duy nhất được nhận bằng khen của UBND TP.HCM vì có thành tích xuất sắc trong suốt 4 năm thực hiện cuộc vận động này.

Học để theo kịp học sinh

Tại TP.HCM, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai không chỉ là một trong 10 trường thuộc tốp dẫn đầu về kết quả học tập mà còn là ngôi trường ít chịu ảnh hưởng thực trạng bạo lực học đường. Đề cập đến vấn đề này, trợ lý thanh niên Phạm Đăng Khoa cho rằng: “Kết quả này có được xuất phát từ sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa cán bộ Đoàn cấp trường đến cấp lớp, các thủ lĩnh thanh niên và bộ phận giám thị… Những cán bộ này nhanh chóng nắm bắt được suy nghĩ của từng cá nhân trong tập thể lớp để từ đó có phương án phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời”. Tuy nhiên, theo Khoa thì đây chỉ là phương án tình thế. Để tạo không khí hòa nhã trong toàn trường thì người làm công tác Đoàn - Hội cần phải biết tạo sân chơi để đoàn viên xả bớt những căng thẳng sau học tập…

Gần 1 năm nay, ở tuổi 30, giáo viên trẻ tiêu biểu của TP.HCM, thạc sĩ Phạm Đăng Khoa được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng nhà trường. Có thể nói đây là một trong những quản lý trẻ nhất trong hệ thống trường THPT tại TP.HCM và vẫn luôn đeo bám, hỗ trợ kịp thời các hoạt động thanh niên. Khoa cho biết để thu hút được học sinh đến với  hoạt động Đoàn thì người cán bộ phải hiểu tâm lý, nhu cầu, xác định được chỗ đứng của học sinh trong môi trường hiện nay như thế nào. “Bên cạnh đó, trong nhịp sống hiện đại, thanh niên có nhiều kênh tiếp nhận thông tin và nhiều hoạt động giải trí. Thế nên để học sinh tích cực tham gia phong trào Đoàn - Hội thì các thủ lĩnh phải luôn cập nhật thông tin, tiếp cận, trau dồi cái mới, đặc biệt là kỹ năng về công nghệ thông tin. Ngoài ra, để học sinh thấy được lợi ích của việc tham gia công tác Đoàn thì hoạt động Đoàn phải mang tính chuyên nghiệp, người thực hiện phải chuyên tâm chứ không nên có thái độ làm việc qua loa…”, Khoa nói.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.